Chỉ thị 146-TTg năm 1974 về việc chấm dứt tệ buôn bán, tích trữ, vận chuyển trái phép vật tư, hàng hóa do Nhà nước thống nhất quản lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 146-TTg
Ngày ban hành 05/06/1974
Ngày có hiệu lực 20/06/1974
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Thương mại,Trách nhiệm hình sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 146-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 1974 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤM DỨT TỆ BUÔN BÁN, TÍCH TRỮ, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP VẬT TƯ, HÀNG HÓA DO NHÀ NƯỚC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ

Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định việc buôn bán, tích trữ, vận chuyển những vật tư hàng hoá do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhưng hiện nay, tình trạng buôn bán, tích trữ, vận chuyển trái phép các vật tư, hàng hoá ấy đang xảy ra phổ biến, nghiêm trọng. căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 8-3-1974, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các ngành, các cấp phải căn cứ vào các chủ trương và biện pháp được nhắc lại dưới đây để thực hiện ngay việc chấm dứt tệ buôn bán, tích trữ,  vận chuyển trái phép vật tư, hàng hoá do Nhà nước thống nhất quản lý.

1. Tất cả các vật tư, kỹ thuật như nguyện liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ, dùng trong sản xuất, xây dựng, giao thông vận tải, v.v…do nhập khẩu, do các xí nghiệp quốc doanh sản xuất hoặc do các cơ sở sản xuất tiểu và thủ công nghiệp dùng nguyên liệu của Nhà nước gia công làm ra đều do Nhà nước độc quyền  nắm và phân phối trực tiếp cho các cơ sở sử dụng theo kế hoạch của Nhà nước. Tuyệt đối không được coi như hàng hoá khác, không được buôn bán tự do. Mọi việc mua, bán, tích trữ, vận chuyển hay sử dụng các vật tư kỹ thuật kể trên mà không có giấy tờ hợp lệ đều coi là hành động phi pháp.

2. Những mặt hàng thuộc các loại kể dưới đây cũng đều do Nhà nước thống nhất quản lý thu mua và phân phối (cung cấp hoặc bán ra ); cấm mọi việc buôn bán, tích trữ, vận chuyển trái phép :

a) Lương thực, thóc, gạo, ngô, mỳ, bột mỳ và các sản phẩm chế biến từ gạo, ngô, mỳ, bột mỳ ;

b) Mặt hàng thực phẩm, nông sản khác, lâm sản, hải sản được quy định thuộc diện Nhà nước thống nhất thu, mua và quản lý bán ra,

c) Hàng công ngiệp, tiêu dùng do nhập khẩu hay do các xí nghiệp quốc doanh sản xuất hoặc do các cơ sở sản xuất tiểu và thủ công nghiệp làm ra mà Nhà nước thống nhất thu mua và bán ra,

d) Những phế liệu, phế phẩm của vật tư kỹ thuật hay của các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng đã được quy định thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý thu hồi và phân phối sử dụng.

3. Cấm không được phá các thành phẩm của những mặt hàng do Nhà nước thống nhất quản lý để lấy nguyện liệu sản xuất mặt hàng khác.

4. Những cơ sở tập thể (hợp tác xã, tổ) hay cá thể buôn bán những mặt hàng thuộc loại nói trên phải được Uỷ ban hành chính huyện hoặc khu phố, thị xã  cấp giấy phép kinh doanh  và cơ quan thương nghiệp quốc doanh cho làm uỷ thác mua hoặc bán và phải mua, bán theo đúng phạm vi được phép.

Các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã khi cần thiết được trực tiếp với các cơ sở sản xuất để mua các loại sản phẩm thuộc loại do Nhà nước thống nhất quản lý làm nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng thì phải theo kế hoạch của Nhà nước và phải được cơ quan có thẩm quyền thu mua cấp tỉnh, thành phố cấp giấy phép, chỉ định nơi mua và chỉ được mua đúng số lượng, chất lượng quy định.

Người sản xuất những mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản khác, lâm sản, hải sản thuộc loại do Nhà nước thống nhất quản lý, sau khi làm xong nhiệm vụ bán cho Nhà nước ( theo nghĩa vụ hoặc theo hợp đồng ), phần còn lại để dùng, nếu dùng không hết, muốn bán thì phải theo đúng thể lệ của Nhà nước quy định về từng mặt hàng đó.

Cơ quan, xí nghiệp , các loại hợp tác xã hay cá nhân được Nhà nước cung cấp vật tư, hàng hoá (kể cả tem, phiếu vé, sổ mua hàng) để dùng, nếu dùng không hết thì phải trả lại cho Nhà nước, cấm không dùng làm vật trao đổi hay buôn bán.

5. Các nhân viên có chức năng kiểm soát, bắt giữ hàng hoá buôn bán trái phép như nhân viên quản lý thị trường thuộc nghành nội thương, nhân viên thuế thuộc ngành tài chính, nhân viên công an, v.v… cần phối hợp chặt chẽ phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành động bảo trợ, vận chuyển, tích trữ, sử dụng trái phép vật tư, hàng hoá thuộc loại Nhà nước thống nhất quản lý, phải hướng dẫn cho các nhân viên có trách nhiệm nắm vững các quy định về quản lý vật tư, hàng hoá của Nhà nước và các quy định về thủ tục kiểm soát, bắt giữ…để thi hành nhiệm vụ được đúng đắn chính xác, tránh xâm phạm đến quyền tự do dân chủ và tự do cá nhân của nhân dân.

Cần khen thưởng thích đáng, theo chế độ chung, đối với những nhân viên kiểm soát có nhiều thành tích, đồng thời phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với những nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát mà có hành động lạm quyền  để tham ô, sử dụng trái phép hàng hoá bắt giữ được, hoặc ăn hối lộ, nhận quà biếu để che giấu hay tha cho kẻ phạm pháp.

6. Việc xử lý các vụ việc vi phạm sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành (sắc luật số 001-SL ngày 14-4-1957, nghị định số 163-TTg ngày 19-4-1957), Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thêm một số điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay :

a) Mọi hành động vi phạm đều phải tuỳ theo lỗi năng nhẹ mà xử lý theo một hoặc nhiều hình thức xử phạt về hành chính sau đây :

- Cảnh báo,

- Trưng mua hàng hoá theo giá chỉ đạo của Nhà nước (biện pháp này chỉ áp dụng với người sản xuất lương thực, thực phẩm, nông sản khác…mà bán trái phép).

- Tịch thu hàng hoá (kể cả các loại tem, phiếu, vé, sổ),

- Phạt tiền từ 1 đồng đến 1000 đồng,

- Thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép kinh doanh hay vận chuyển.

Trong khi xử lý cần phân biệt giữa người sản xuất và người buôn bán, hàng hoá phạm pháp nhiều hay ít, người mới vi phạm và người tái phạm… Đối với các vụ phạm pháp có tổ chức, có tính chất đầu cơ, có xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa hay tái phạm nhiều lần, ngoài việc xử lý theo các hình thức trên đây, còn phải truy tố để trừng trị theo pháp luật.

Đối với những vụ vi phạm đã có quy định cách xử lý trong thể lệ hải quan , thể lệ lâm nghiệp, thì căn cứ vào các thể lệ ấy mà xử lý.

b) Để cho việc xử lý về hành chính các vụ vi phạm được nhanh chóng và kịp thời, Ủy ban hành chính các cấp được quyền xử lý các vụ vi phạm như sau :

- Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thị xã) xử lý các vụ vi phạm có giá trị dưới 5000 đồng và được phạt tới 500 đồng,

- Cán bộ phụ trách các đội hay trạm kiểm soát của ngành công an, thương nghiệp, tài chính nói ở điểm 5 được xử lý các vụ vi phạm giá trị hàng hóa từ 100 đổng trở xuống và được phạt tới 10 đồng (chỉ được trưng mua, không được tịch thu hàng hóa).

[...]