Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2020 về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2021

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 08/12/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Vũ Hồng Bắc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2021

Năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19, tuy nhiên công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2021, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trong nước, diễn ra nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026... Các thế lực thù địch, phản động, số chống đối trong và ngoài nước sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động, tiến hành nhiều phương thức, thủ đoạn, chiêu bài để kích động, chống phá ta trên các lĩnh vực; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh, vẫn còn những nguyên nhân, điều kiện có thể phát sinh gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh như: Vấn đề khiếu kiện, hoạt động của “tà đạo”, “đạo lạ”, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tình hình trong công nhân, doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid - 19, tình hình hoạt động của số chống đối chính trị, số đối tượng liên quan đến tổ chức phản động lưu vong...; trật tự an toàn xã hội dự báo cũng còn những vấn đề phức tạp: Tội phạm do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Để giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm sau:

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác về bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”; Kết luận số 32-KL/TW ngày 05/7/2018 của Bộ Chính trị về “Tình hình ANTT nổi lên gần đây và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới”; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 15/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị, chính quyền các cấp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá kết quả công tác hằng năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình, xã hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Đẩy mạnh tuyên truyền đề cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá, nhất là hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự của các thế lực thù địch. Lực lượng công an tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò nòng cốt trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

2. Tập trung triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp bảo đảm giữ vững an ninh trong mọi tình huống, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội diễn ra trên địa bàn

Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình tại địa phương để tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự góp phần tạo môi trường ổn định, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, địa phương. Bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Bảo đảm an toàn các trụ sở Đảng, chính quyền, các mục tiêu, công trình trọng điểm, bảo đảm an ninh, trật tự các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại địa phương. Trọng tâm là tham gia bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bảo đảm an ninh, trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026... Thường xuyên rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch ứng phó với các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng giữa các ngành, các cấp, các lực lượng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, dân chủ ở cơ sở; bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, tín đồ theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, công nhân nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động của các tà đạo, tổ chức bất hp pháp xâm nhập, ảnh hưởng trong các trường học, khu công nghiệp, cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá, gây mất ổn định về an ninh, trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương. Lực lượng công an tập trung phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các đối tượng chống đối, các đối tượng lợi dụng dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, hội nhóm bất hợp pháp, các trường hợp khiếu kiện cực đoan, quá khích...

3. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở, có giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa xã hội, không để tội phạm lộng hành, hướng tới xây dựng xã hội văn minh, kỷ cương, an toàn, thân thiện

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, gia đình tham gia quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, tâm thần tại cộng đồng. Coi trọng sử dụng biện pháp hành chính trong phòng ngừa tội phạm, nhất là việc tăng cường đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc, công tác quản lý các đối tượng vi phạm pháp luật, số tù tha, đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng về; đối tượng thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn.

Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp, truy nã các loại tội phạm, tiếp tục kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự an toàn xã hội từ cơ sở, không để tội phạm lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 29/10/2019 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”; Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 07/11/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn”. Làm tốt công tác điều trị nghiện ma túy và điều trị giảm tác hại, từng bước làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xử lý tội phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, công tác giam giữ và cải tạo phạm nhân. Thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự gắn với thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, góp phần trong công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và phục vụ tốt các yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 112/NĐ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư gắn với đẩy mạnh thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước công dân. Quản lý có hiệu quả ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cho vay cầm đồ, karaoke, lưu trú; xử lý nghiêm mọi hành vi tiếp tay, làm ngơ, bao che, bảo kê cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự.

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành và văn hóa tham gia giao thông đối với các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, phấn đấu tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.

Tăng cường quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kịp thời hướng dẫn các cơ sở khắc phục dứt điểm sơ hở về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các trung tâm thương mại, chợ, nhà chung cư, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng, gắn với thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”. Tổ chức tập luyện, diễn tập PCCC đảm bảo chất lượng, đúng quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án “Xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC & CNCH tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2022”.

5. Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân và cơ quan bảo vệ pháp luật cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, thực sự trong sạch, vững mạnh

Xây dựng lực lượng công an, quân đội và các ngành tư pháp tại địa phương thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; tập trung rà soát quy hoạch sử dụng đất, cấp đất và kinh phí xây dựng trụ sở công an xã; quan tâm hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Tiếp tục duy trì các quy chế, cơ chế phối hợp giữa lực lượng công an với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, trọng tâm là giữa lực lượng công an với quân đội theo Nghị định số 03/2019/NĐ/CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này. Giao Công an tỉnh chủ trì theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH tỉnh;
- CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT,NC.

CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Bắc