Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2012 chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công, viên chức do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 09/11/2012
Ngày có hiệu lực 09/11/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Văn Diệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 09 tháng 11 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH LỀ LỐI LÀM VIỆC, NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Qua 04 (bốn) năm thực hiện Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg, ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đã ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nhất là cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; hiệu quả sử dụng thời gian làm việc chưa cao, còn xảy ra tình trạng uống rượu, bia trong giờ làm việc, kể cả giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc... đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 671-CV/TU, ngày 05/10/2012 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thi hành công vụ; đồng thời khắc phục những hạn chế và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện) thực hiện nghiêm các nội dung sau:

a) Nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc

- Căn cứ các quy định của Chính phủ và nhiệm vụ được giao, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chương trình, kế hoạch, quy chế làm việc cụ thể tại cơ quan, đơn vị, nhằm thực hiện tốt các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra; nội quy, quy chế của cơ quan phải quy định thời gian làm việc hành chính, buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ; cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc theo quy định (trừ trường hợp đặc biệt được thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công và người phân công chịu trách nhiệm vấn đề này); đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hạn chế uống rượu, bia trong những ngày nghỉ, nhằm đảm bảo sức khỏe, uy tín trong công tác, sinh hoạt xã hội;

- Giáo dục, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan, đơn vị quản lý; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông;

- Gương mẫu "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và quy định của Ban Bí thư "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp" theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; gương mẫu thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế tiếp công dân, nhất là cán bộ quản lý các ngành, các cấp; phân công công việc khoa học, hợp lý để cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc, quy chế tại cơ quan, đơn vị để làm căn cứ bình xét các danh hiệu thi đua của cá nhân, cơ quan, đơn vị; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm;

b) Thực hiện đúng quy định về chế độ họp và tiếp công dân trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhằm giảm số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết kịp thời, đúng quy định các yêu cầu của cá nhân, tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính;

c) Đẩy mạnh việc tuyên truyền các văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước để nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Xây dựng quy trình, biện pháp cụ thể triển khai và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực có liên quan và các quy định hiện hành;

d) Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc phù hợp với tính chất, đặc thù của đơn vị; triển khai có hiệu quả chương trình hiện đại hóa nền hành chính, hiện đại hóa công sở.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

a) Thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, quy chế tiếp công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các bộ phận trực tiếp với dân trong bộ máy chính quyền địa phương; phát hiện và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức;

b) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo quản tài sản, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh, trật tự cơ quan.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và liên đới chịu trách nhiệm khi để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Chỉ thị này;

b) Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; định kỳ hàng năm có sơ, tổng kết tình hình thực hiện chỉ thị và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh;

c) Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng tài sản công;

d) Công an tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

đ) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thực hiện quy định về chế độ họp.

Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, thủ trưởng các ngành, các cấp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để được chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Diệp