Chỉ thị 13/2001/CT-UB về việc đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hoá theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao của Thành phố năm 2001 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 13/2001/CT-UB
Ngày ban hành 16/04/2001
Ngày có hiệu lực 16/04/2001
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2001/CT-UB

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2001 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ THEO NGHỊ ĐỊNH 73/1999/NĐ-CP NGÀY 19/8/1999 CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ, THỂ THAO CỦA THÀNH PHỐ NĂM 2001.

Năm 2000 thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Tuy vậy việc triển khai thực hiện xã hội hóa chưa sâu rộng, mạnh mẽ, nên công tác tuyên truyền về xã hội hoá, nhận thức của các ngành, các cấp, tầng lớp nhân dân và những kết quả đạt được cũng còn hạn chế. Việc giải quyết những chế độ ưu đãi cho các cơ sở ngoài công lập còn chưa kịp thời...

Để triển khai sâu rộng, mạnh mẽ công tác xã hội hoá trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn từ trong dân và các thành phần kinh tế đầu tư nhiều hơn cho các lĩnh vực này, UBND Thành phố Hà Nội chỉ thị:

1- Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hoá thông tin, Thể dục Thể thao

a/- Căn cứ vào các quy định hướng dẫn của Nhà nước (Chính phủ, các Bộ), các Sở cần tổng hợp, rà soát, phân loại các cơ sở đang hoạt động, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã thực hiện xã hội hoá của ngành, trình UBND Thành phố ra quyết định công nhận là: "cơ sở đã thực hiện xã hội hoá" để các cơ sở này được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

b/- Căn cứ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, các Sở cần cụ thể hoá các tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ thành lập cơ sở ngoài công lập thực hiện xã hội hoá, thông báo công khai và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hướng dẫn quy trình cho các đơn vị có đủ điều kiện, khả năng làm hồ sơ thủ tục theo quy định, khẩn trương thực hiện việc thẩm định và trình UBND Thành phố xem xét, quyết định thành lập các cơ sở ngoài công lập (theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 73/CP và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, liên Bộ).

c/- Phối hợp với các ngành chức năng của Thành phố, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, và các chế độ sổ sách kế toán, lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... với các cơ sở thực hiện xã hội hoá. Đồng thời chủ động phối hợp với Sở Tài chính Vật giá trình UBND Thành phố phê duyệt những cơ chế chính sách về quản lý tài chính, mức thu, giá dịch vụ trong các cơ sở ngoài công lập.

d/- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tiến độ, kết quả triển khai xã hội hoá của ngành theo quý, năm gửi về UBND Thành phố và Sở Tài chính Vật giá.

2. Cục Thuế Hà Nội:

a/- Trên cơ sở quyết định của UBND Thành phố công nhận "các cơ sở đã thực hiện xã hội hoá", Cục Thuế hướng dẫn và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi về thuế, phí, lệ phí và triển khai cấp mã số thuế, cấp hoá đơn biên lai thu tiền và thực hiện việc hoàn thuế cho các cơ sở ngoài công lập.

b/- Định kỳ tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện xã hội hoá của ngành theo quý, năm gửi về UBND Thành phố và Sở Tài chính Vật giá.

3. Sở Địa chính - Nhà đất

a/- Hướng dẫn hồ sơ thủ tục, trình tự tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin thuê đất, giao đất cho các cơ sở ngoài công lập theo các Quyết định của UBND Thành phố đối với các cơ sở được công nhận là cơ sở đã thực hiện xã hội hóa, hoặc cơ sở thực hiện xã hội hóa mới thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b/- Định kỳ tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện xã hội hóa của ngành theo quý, năm gửi về UBND Thành phố và Sở Tài chính Vật giá.

4. Sở Tài chính Vật giá

a/- Trên cơ sở các Thông tư hướng dẫn liên tịch của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với các Sở, Ngành xây dựng chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở ngoài công lập, hướng dẫn mở sổ sách kế toán, nghiệp vụ tài chính, thẩm định giá thu dịch vụ của các ngành, lĩnh vực trình UBND Thành phố phê chuẩn. Thẩm định và làm thủ tục chuyển giao tài sản, tiền vốn của Nhà nước sang cơ sở bán công.

Triển khai tổ chức các lớp tập huấn cho các Sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị thực hiện xã hội hoá theo các nội dung: cơ chế, chính sách của nhà nước về xã hội hoá, công tác quản lý tài chính, chế độ kế toán áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập, các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, các tiêu chuẩn của đơn vị thực hiện xã hội hoá, điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ thành lập cơ sở ngoài công lập, chế độ lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Phối hợp với Cục thuế hướng dẫn và thực hiện việc tài trợ lại tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở ngoài công lập và các tổ chức cá nhân có nhà đất cho các cơ sở ngoài công lập thuê theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b/- Trình UBND Thành phố bổ sung dự toán kinh phí phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của Ban Chủ nhiệm chương trình.

c/- Là cơ quan thường trực, giúp UBND Thành phố triển khai thực hiện công tác xã hội hoá, định kỳ hàng quý, năm tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện xã hội hoá của các cấp, các ngành gửi báo cáo UBND Thành phố và Trung ương.

5. Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố, Lao động Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Bảo hiểm y tế Hà Nội:

Phổ biến hướng dẫn và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động trong các cơ sở ngoài công lập (biên chế, chế độ lao động tiền lương, chế độ về bảo hiểm xã hội, chế độ, bảo hiểm y tế của người lao động...) thực hiện xã hội hoá.

6. Sở Văn hoá Thông tin:

Thực hiện chức năng của ngành về hướng dẫn, tuyên truyền, phối hợp cùng báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế- Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các Sở ngành liên quan của thành phố thực hiện việc tuyên truyền giới thiệu chế độ chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước, thành phố đối với các cơ sở thực hiện xã hội hoá và biểu dương các điển hình tốt trong việc thực hiện xã hội hóa.

7. UBND các quận, huyện:

Phối hợp với các ngành liên quan có trách nhiệm của Thành phố triển khai tốt các nội dung đã nêu tại công văn này đối với các cơ sở ngoài công lập thuộc địa bàn quản lý theo phân cấp tại Nghị định 73/CP ngày 19/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện hoàn thành có kế hoạch triển khai nghiêm túc để thực hiện có kết quả các nhiệm vụ nêu trên, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ xã hội hoá của cấp mình, ngành mình được phân công theo quý (25 ngày sau khi kết thúc quý) và báo cáo năm (25 ngày sau khi kết thúc năm), báo cáo được gửi về UBND Thành phố và Sở Tài chính Vật giá .

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
  
 
 
Nguyễn Quốc Triệu

 

 

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ