Chỉ thị 120-HĐBT năm 1982 về việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất và xây dựng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 120-HĐBT
Ngày ban hành 17/07/1982
Ngày có hiệu lực 17/07/1982
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 120-HĐBT

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ SẮP XẾP LẠI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT VÀ XÂY DỰNG

Nền kinh tế nước ta do những hậu quả của chiến tranh để lại và do tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 đạt thấp, đang gặp khó khăn và mất cân đối lớn. Trong kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, các điều kiện vật chất, nhất là năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu, ngoại tệ và vốn đầu tư đều có hạn. Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định phải khẩn trương sắp xếp lại kinh tế để tập trung sức thực hiện các mục tiêu chủ yếu và cấp bách nhất theo đường lối phương châm mà Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra.

Nội dung của việc sắp xếp lại nền kinh tế là bố trí lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh lại cơ cấu và các quan hệ kinh tế cơ bản, bao gồm sắp xếp các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, sắp xếp một số công trình xây dựng cơ bản; bố trí lại một bộ phận lao động xã hội, sắp xếp lại công tác đào tạo cán bộ và công nhân, phân phối hợp lý thu nhập quốc dân ... nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế những năm sau.

Sắp xếp lại kinh tế chính là để tập trung được lực lượng của Nhà nước vào những mục tiêu, lĩnh vực quan trọng nhất và tận dụng phát huy lực lượng của các thành phần kinh tế khác, để phát triển sản xuất theo sự chỉ đạo hướng dẫn của Nhà nước. Từng bước tạo ra thế cân đối mới trong phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa bàn kinh tế để khai thác có hiệu quả các tiềm năng lao động, đất đai và các năng lực sản xuất hiện có và sắp có. Củng cố và phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể làm cơ sở để thu hút, hướng dẫn các thành phần kinh tế khác cùng hoạt động theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Động viên, tận dụng mọi lực lượng lao động và các nguồn vốn trong xã hội vào sản xuất.

Tiêu chuẩn cơ bản của sắp xếp lại nền kinh tế là hiệu quả kinh tế - xã hội, là nâng cao năng suất và chất lượng lao động.

Đây là một công việc rất cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời cũng là công việc to lớn, phức tạp phải được tiến hành trong một số năm. Trước mắt trong năm 1982 phải tiến hành một bước sắp xếp lại các cơ sở sản xuất và xây dựng cho phù hợp với điều kiện vật chất có và sẽ có, phù hợp với phương hướng nhiệm vụ xây dựng kinh tế trong 5 năm 1981 - 1985.

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG CỦA VIỆC SẮP XẾP LẠI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT VÀ XÂY DỰNG

- Sắp xếp lại cơ sở sản xuất, trước hết phải nhằm tập trung sức phục vụ cho được những mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế, trọng tâm là nông nghiệp (lương thực, thực phẩm và một số cây công nghiệp quan trọng) ra sức phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là những mặt hàng chủ yếu phục vụ đời sống, phục vụ xuất khẩu, những mặt hàng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách; phát triển có trọng điểm những ngành công nghiệp nặng chủ chốt như điện, than, hoá chất, phân bón, cơ khí, vật liệu xây dựng, v.v...

Ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh trung ương đối với những ngành, những cơ sở then chốt; chú trọng phát triển kinh tế địa phương trên cơ sở tận dụng đất đai, sức lao động, vật tư thiết bị của địa phương; thực hiện liên kết kinh doanh giữa các ngành, các cơ sở, các thành phần kinh tế đồng thời tổ chức phân công chuyên môn hoá đi đôi với sự hợp tác và liên hợp sản xuất, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, khắc phục hiện tượng phân tán, chồng chéo hoặc quá nhiều khâu trung gian cách bức dẫn đến lãng phí.

- Trước hết đối với các cơ sở trọng điểm, các ngành, các cấp, phải ưu tiên cung ứng đủ năng lượng và vật tư để phát triển sản xuất một cách ổn định. Đối với những cơ sở mà Nhà nước chưa bảo đảm cung ứng năng lượng, vật tư thì cho phép cơ sở được chủ động tìm thêm vật tư, nguyên liệu để duy trì và phát triển sản xuất bằng các phương thức kinh doanh thích hợp và chấp hành nghiêm túc luật lệ của Nhà nước về thu mua, giao nộp sản phẩm, đăng ký mặt hàng và chất lượng sản phẩm, không được mua tranh, bán tranh, không được sử dụng vật tư, nguyên liệu của kế hoạch sản xuất chính để làm sản xuất phụ. Trong trường hợp không tìm được nguyên liệu để sản xuất theo phương hướng sản xuất cũ thì các cơ sở sản xuất được điều chỉnh phương hướng sản xuất và phương án sản phẩm có hiệu quả kinh tế nhằm sử dụng hợp lý cơ sở vật chất kỹ thuật duy trì lực lượng lao động hiện có. Sau khi đã vận dụng nhiều hình thức mà vẫn không duy trì được sản xuất thì tạm thời cho đóng cửa những bộ phận, những cơ sở không có việc làm, bảo quản tốt máy móc, thiết bị và chuyển lao động đi làm việc khác.

- Theo phương hướng sắp xếp lại như trên, sẽ có một bộ phận được ưu tiên phát triển sản xuất với tốc độ khá, có bộ phận giữ được tốc độ phát triển bình thường, có bộ phận phải tạm giảm mức sản xuất, có bộ phận phải tạm ngừng sản xuất; tuy vậy việc sắp xếp lại sản xuất kết hợp với việc cải tiến cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện phải được mục đích chung là phát huy được tính chủ động của cơ sở, làm tăng tổng sản phẩm và thu nhập quốc dân và đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn, cụ thể là phải sản xuất thêm được nhiều hàng hoá chủ yếu, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất lao động, khai thác tốt hơn các tiềm lực kinh tế hiện có.

II. NỘI DUNG CỦA VIỆC SẮP XẾP LẠI SẢN XUẤT Ở MỘT SỐ NGÀNH

1. Đối với ngành công nghiệp:

- Cần ưu tiên bảo đảm các điều kiện để ổn định sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như vải, giấy, chế biến lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phụ tùng xe đạp, đồ dùng gia đình thông thường ... Nghiên cứu sắp xếp lại một số nhà máy xét thấy không đủ điều kiện duy trì công suất hiện có. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất theo hướng tập trung, sử dụng một cách hợp lý và tổng hợp nguồn nguyên liệu để huy động tối đa công suất các nhà máy có năng suất cao và có hiệu quả cao (như sản xuất xà phòng tập trung có thể thu hồi được gly-xê-rin).

Điện, than là trọng điểm cần được tập trung sức đẩy sản lượng lên để khắc phục tình trạng mất cân đối về năng lượng. Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và than và các ngành, các địa phương có liên quan có trách nhiệm ưu tiên giải quyết đồng bộ các điều kiện về vật tư, thiết bị, nhiên liệu, năng lượng để huy động tới mức tối đa công suất của hai ngành này. Phải nhanh chóng cải tạo mạng lưới và điều chỉnh các trạm phát điện độc lập để bảo đảm thực hiện các mục tiêu sản xuất quan trọng và các cơ sở có yêu cầu cung cấp điện liên tục, không để vì thiếu điện, thiếu than mà các ngành sản xuất quan trọng bị giảm sút.

- Sắp xếp lại sản xuất các cơ sở thuộc ngành hoá chất để sản xuất các sản phẩm thay thế nguyên liệu nhập khẩu, chú trọng sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, tăng khả năng đắp lốp ô- tô, tổ chức lại các cơ sở sản xuất sơn, chuyển hướng sản xuất một số cơ sở nghiền apatít.

- Xác định lại phương hướng sản xuất, phương án sản phẩm của ngành cơ khí nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các ngành, phù hợp với khả năng sản xuất và điều kiện vật tư có hạn. Trước mắt, tăng sản xuất phụ tùng và tăng năng lực sửa chữa máy móc, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất các loại thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm, và các loại nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải ... điều chỉnh lại mức sản xuất các loại máy công cụ, động cơ điện, biến thế điện, sắp xếp lại các nhà máy cơ khí chuyên ngành, cơ khí tỉnh, huyện để bảo đảm yêu cầu trên từng địa bàn kinh tế; tận dụng khả năng cơ khí quốc phòng để sản xuất các mặt hàng phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu. Tìm cách tăng gia công xuất khẩu một số mặt hàng cơ khí cho các nước như dụng cụ đồ nghề, thiết bị điện, điện tử. Quy hoạch và phân công lại việc sản xuất xe đạp để vừa bảo đảm yêu cầu sản xuất xe đạp hoàn chỉnh có mức độ, vừa tăng phụ tùng có chất lượng cao; sắp xếp lại các cơ sở đóng phương tiện vận tải thuỷ theo hướng tập trung cho một số nơi có năng lực lớn, có tay nghề truyền thống.

- Tận dụng hợp lý công suất các nhà máy xi - măng lớn; chuyển hướng sản xuất một số cơ sở xi-măng nhỏ, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất gạch, ngói, bê tông đúc sẵn cho phù hợp với khả năng cung ứng than và vận tải.

2. Trong nông nghiệp:

- Tổ chức lại các trạm máy kéo cho phù hợp với điều kiện từng nơi, điều chỉnh máy kéo lớn giữa các vùng để sử dụng có hiệu quả tốt hơn. Tạm thời giảm nhập máy kéo lớn cho nông nghiệp (trừ các máy đi theo thiết bị toàn bộ), xét lại việc xây dựng các xưởng bảo dưỡng máy kéo của Áo.

- Đối với các nông trường quốc doanh đã có phương hướng sản xuất ổn định, có hiệu quả kinh tế cần tiếp tục đầu tư đồng bộ để sử dụng hết đất đai, đẩy mạnh thâm canh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo nhiệm vụ thiết kế được duyệt, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế. Đối với một số nông trường phương hướng sản xuất chưa rõ hoặc sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả kinh tế thì cần xác định lại nhiệm vụ, phương hướng sản xuất; trường hợp xét không thể tiếp tục sản xuất và kinh doanh có hiệu quả thì không đầu tư nữa.

Hệ thống nghiên cứu khoa học kỹ thuật như các viện trung tâm nghiên cứu, trạm, trại,... cần xem xét kỹ để tập trung vật tư, thiết bị, tiền vốn, cán bộ cho những vấn đề thiết thực, và có hiệu quả kinh tế. Chuyển các trạm, trại nông nghiệp sang kinh doanh, hạch toán.

- Bộ Nông nghiệp, các địa phương và các ngành có liên quan cần nghiên cứu gấp phương án xử lý đối với các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc hiện nay đang đình đốn sản xuất vì thiếu nguyên liệu.

3. Sắp xếp lại các công trình xây dựng cơ bản.

Việc sắp xếp lại các công trình xây dựng cơ bản cho phù hợp với khả năng về tiền vốn và vật liệu xây dựng phải nhằm bảo đảm được yêu cầu tái sản xuất mở rộng theo phương hướng, mục tiêu kinh tế trong những năm 1981 - 1985 và những năm tiếp theo. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn đều, xây dựng kéo dài, không đồng bộ và hiệu quả kinh tế thấp, hoặc không có hiệu quả.

Tập trung ưu tiên vốn, vật tư, vận tải, lực lượng thi công để hoàn thành nhanh và dứt điểm đồng bộ những công trình trọng điểm; đối với các hạng mục và công trình phụ trợ của những cơ sở sản xuất quan trọng xét thấy có thể phát huy hiệu quả nhanh thì cũng cần được bố trí vốn, vật tư thích đáng. Không đầu tư xây dựng thêm những công trình mới khi các cơ sở sản xuất cũ cùng loại chưa huy động hết công suất. Kiên quyết đình chỉ hoặc hoãn khởi công những công trình (kể cả các công trình xây dựng dở dang) chưa có điều kiện xây dựng hoặc không đủ nguyên liệu, năng lượng để huy động sau khi xây dựng xong.

Sắp xếp điều động lực lượng thi công từ nơi thừa sang nơi thiếu để sử dụng có hiệu quả các lực lượng xây dựng hiện có. Các tổ chức xây dựng của Nhà nước nếu thừa lực lượng không sử dụng hết thì được phép nhận thầu xây dựng nhà cửa cho dân và cho các đơn vị kinh tế tập thể. Cần nghiên cứu tổ chức các đơn vị đi nhận thầu xây dựng cho nước ngoài.

[...]