Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Số hiệu | 12/CT-UBND |
Ngày ban hành | 29/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 29/12/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Linh |
Lĩnh vực | Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND |
Bắc Giang, ngày 29 tháng 12 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
Trong những năm qua, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đến nay toàn tỉnh đã cơ bản đã hoàn thành công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để quản lý sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; các cấp từ tỉnh đến các huyện, xã có rừng đều đã xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường hơn, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng giảm. Cùng với đó phong trào trồng cây, trồng rừng, phát triển kinh tế trong nhân dân phát triển mạnh, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 7.000 ha rừng tập trung và 2 triệu cây phân tán; khai thác, tiêu thụ 500.000 m3 gỗ rừng trồng; đưa một số giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng góp phần nâng cao năng suất chất lượng rừng. Hiệu quả và thu nhập từ kinh tế rừng ngày càng được khẳng định, nhiều địa phương và hộ gia đình có thu nhập cao từ kinh tế rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian gần đây công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Nhiều xã vùng cao nhân dân tự ý chuyển đất trồng rừng được giao sang trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái (điển hình như các xã vùng hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn). Tình trạng người dân địa phương chặt phá rừng tự nhiên nghèo kiệt được nhà nước giao để trồng rừng kinh tế; việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng giữa các địa phương và giữa người dân với các công ty lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng; các vụ cháy rừng lớn xẩy ra nhiều hơn, đặc biệt trên dãy núi Nham Biền,... Tình hình trên đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc phân cấp trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định tại Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt bảo vệ nghiêm ngặt đối với các khu rừng tự nhiên đặc dụng, phòng hộ và rừng đầu nguồn xung yếu.
- Đối với diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ đang sinh trưởng phát triển tốt đưa vào kế hoạch bảo vệ rừng; đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo khuyến khích áp dụng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng. Trước mắt tạm dừng thực hiện chủ trương cải tạo rừng, không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND các xã có rừng tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; nắm bắt, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở tình trạng chặt phá rừng trái phép, tự ý chuyển đổi loại rừng, chuyển đất rừng sang trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả, lấn chiếm đất rừng của các công ty lâm nghiệp; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất rừng ở địa phương không được để kéo dài. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc để người thân có hành vi chặt, phá rừng tự nhiên trái phép, tự ý chuyển đổi loại rừng để trồng rừng kinh tế, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích.
- Chỉ đạo rà soát lại tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo thực tế; có biện pháp quản lý nhằm hạn chế tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép; xử lý trách nhiệm đối với các chủ rừng không thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng để xảy ra cháy rừng, phá rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng; ngăn chặn, xử lý nghiêm các chủ rừng vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định của Nhà nước.
+ Đối với chủ rừng là tổ chức: Thực hiện nghiêm túc các quy định theo quy chế quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất của Nhà nước; thành lập, tổ chức hoạt động lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định tại Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Đối với rừng sản xuất, chủ rừng phải khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Thông tư số 38/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Hướng dẫn về phương án quản lý rừng bền vững.
+ Đối với chủ rừng là hộ gia đình cá nhân: Thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng tự nhiên; tuyệt đối không được tự ý cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền. Làm tốt công tác chăm sóc rừng, phát ranh giới, phát dọn thực bì dưới tán rừng và các biện pháp phòng cháy rừng; phát hiện kịp thời, thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng, tích cực tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
- Riêng khu vực Dãy núi Nham Biền (thuộc các huyện Yên Dũng, Việt Yên và thành phố Bắc Giang): Ngoài việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
+ Xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết và xác định rõ vùng trọng điểm cháy có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng theo mức độ kiểm soát của cấp thôn, xã, huyện; thường xuyên tuần tra, canh gác để sớm phát hiện điểm cháy và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, không để cháy lan ra diện rộng.
+ Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã, thôn trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc chăm sóc, phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa; tổ chức họp các chủ rừng, ký cam kết bảo vệ rừng và tham gia chữa cháy rừng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng điều tra, xác minh nguyên nhân và đối tượng cố ý gây cháy rừng, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2371/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện xác định cụ thể đối tượng, diện tích rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn cần tập trung bảo vệ để tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí khoán bảo vệ rừng hằng năm.
- Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.
- Phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các Công ty Lâm nghiệp theo Kế hoạch 1121/KH-UBND ngày 29/4/2016 của UBND tỉnh về thực hiện phương án sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
+ Tham mưu cho chính quyền các địa phương kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường tuần tra, truy quét, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chặt phá, lấn, chiếm, khai thác rừng trái phép, tự ý chuyển đổi loại rừng; quản lý chặt chẽ việc xác định nguồn gốc và cấp phép khai thác vận chuyển lâm sản theo đúng quy định. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, tạm dừng tham mưu cấp phép chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế; bảo vệ nghiêm ngặt đối với diện tích các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn xung yếu.
+ Bố trí lực lượng Kiểm lâm tăng cường về tuyến xã; thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại khu rừng trọng điểm, giáp ranh có diễn biến phức tạp về tình hình lấn chiếm, phá rừng tự nhiên, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở; xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
+ Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra, đặc biệt trên dãy núi Nham Biền; tổng hợp dự báo cháy rừng, kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng tới các địa phương; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
+ Tăng cường công tác quản lý giống cây lâm nghiệp; tích cực tuyên truyền, vận động chủ rừng đưa các giống mới, giống chất lượng vào trồng rừng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, chủ rừng về biện pháp kỹ thuật khoanh nuôi, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt và xây dựng các mô hình làm giàu rừng, trồng rừng thâm canh gỗ lớn để tuyên truyền nhân rộng.