Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 04/06/2021
Ngày có hiệu lực 04/06/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Mai Xuân Liêm
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 6 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong những năm qua, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực, đô thị được chỉnh trang, nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn xảy ra ở một số địa phương, vẫn còn những dự án, công trình và nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép, sai phép, sai mặt bằng quy hoạch và thiết kế đô thị được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng; một số dự án, công trình vi phạm trật tự xây dựng chậm được phát hiện, xử lý; có trường hợp xử lý nhưng chưa kiên quyết xử lý triệt để và mới dừng ở bước xử phạt vi phạm hành chính, công trình vẫn tồn tại; một số nơi, chính quyền địa phương còn có biểu hiện buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, quản lý nhà nước kém hiệu lực, hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, an toàn công trình, ảnh hưởng đến các quy hoạch đã được phê duyệt.

Để xảy ra các tồn tại nêu trên ngoài nguyên nhân nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng chưa tốt, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và của tập thể, cá nhân được giao quản lý; công tác lãnh đạo, điều hành chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về xây dựng chưa thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm không nghiêm, không thường xuyên, kịp thời; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao; việc xử lý vi phạm chưa triệt để và chưa chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục hậu quả dẫn đến hiện tượng xem nhẹ kỷ cương, pháp luật.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Về thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về xây dựng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước và ý thức, nhận thức của nhân dân về chấp hành pháp luật; tăng cường giám sát, phát hiện, đưa tin, kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng; phản ánh kịp thời những việc làm sai trái của tập thể, cá nhân và nêu gương những điển hình tốt về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Rà soát các trường hợp vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý dứt điểm để khẩn trương đôn đốc, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, nhất là khu vực dọc hai bên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; bảo đảm mọi công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra, mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện ngay từ đầu, áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật; tránh trường hợp khi vi phạm với quy mô lớn, khó giải quyết thì mới báo cáo và đùn đẩy sự việc lên cấp trên; chỉ đạo khắc phục tình trạng xử phạt nhưng vẫn để tồn tại, kiên quyết áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật.

- Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ và các dự án khác dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh đảm bảo phải có đường gom trước khi đấu nối vào các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Thực hiện thủ tục đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh theo quy định; bố trí hệ thống rãnh thoát nước để đảm bảo thoát nước mặt đường và thoát nước chung của khu dân cư; thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất dành cho đường bộ theo quy định. Không được cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng mới (kể cả giấy phép xây dựng có thời hạn) nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

- Tập trung rà soát các quy hoạch xây dựng trên địa bàn đã quá thời hạn quy định, có bất cập, không còn phù hợp, đồng thời đề xuất phương án xử lý, khắc phục, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Đẩy mạnh công tác lập các quy hoạch (gồm: quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn...), quy chế quản lý kiến trúc làm cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng; thực hiện đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch xây dựng (lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư có liên quan, lấy ý kiến của Sở Xây dựng ...). Sau khi quy hoạch xây dựng được duyệt, phải tổ chức công bố, công khai quy hoạch, bàn giao đầy đủ hồ sơ quy hoạch cho các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền huyện, xã để quản lý; đồng thời, thực hiện cắm mốc giới ngoài thực địa để người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch; lập kế hoạch thực hiện quy hoạch; xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, trong đó quy định phân công, phân cấp rõ trách nhiệm người đứng đầu, tập thể, cá nhân trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.

- Trước khi phê duyệt mặt bằng quy hoạch dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh phải lấy ý kiến tham gia của Sở Giao thông vận tải để xác định phạm vi hành lang an toàn đường bộ, phương án đầu tư xây dựng đường gom và xác định điểm đấu nối đảm bảo theo quy định.

- Lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để lập quy hoạch xây dựng; tăng cường giám sát công tác khảo sát phục vụ lập quy hoạch xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn không đủ năng lực để lập quy hoạch xây dựng.

- Kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm mà không phát hiện xử lý hoặc không đề xuất xử lý kịp thời. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định của pháp luật nếu để phát sinh mới hoặc không có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

- Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương; rà soát năng lực cán bộ làm công tác quản lý về xây dựng, tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thường xuyên hướng dẫn, tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng ở cấp xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Sở Xây dựng

- Rà soát các văn bản, quy định trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh, phân cấp, ủy quyền quản lý cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế, sửa đổi hoặc bổ sung Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 27/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm).

- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp huyện rà soát, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn mà chưa xử lý hoặc chưa xử lý dứt điểm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép, trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại UBND các huyện, thị xã, thành phố; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư, doanh nghiệp có vi phạm; đồng thời xem xét, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao phụ trách, quản lý theo quy định.

- Tổ chức, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về xây dựng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là ở cấp huyện, cấp xã.

4. Các Sở, ngành liên quan

a) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp:

- Tăng cường tổ chức kiểm tra, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã khi các cơ quan này tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự xây dựng thuộc địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp do Ban quản lý. Khi phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng, kịp thời thông báo bằng văn bản đề nghị UBND cấp huyện nơi có công trình vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tập trung đẩy mạnh, hoàn chỉnh công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; thực hiện nghiêm việc công bố, công khai các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa để người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch.

[...]