Chỉ thị 12/2008/CT-UBND về đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc do Thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu | 12/2008/CT-UBND |
Ngày ban hành | 29/08/2008 |
Ngày có hiệu lực | 08/09/2008 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Tô Minh Giới |
Lĩnh vực | Bảo hiểm,Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2008/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 29 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC
Thực hiện Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội được hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện đúng quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội, đã góp phần giải quyết tốt các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội cho hàng ngàn cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) và người lao động được hưởng chế độ hưu trí và các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc một lần đã góp phần giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp né tránh, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện đúng quy định Luật Bảo hiểm Xã hội, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động được hưởng chế độ chính sách bảo hiểm xã hội. Để tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị:
1. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, ban, ngành cấp thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội và Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về việc “Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc” đến các đơn vị trực thuộc, CBCNVC và người lao động biết, đồng thời phải kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.
Thực hiện đúng quy định việc lập hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho CBCNVC và người lao động của đơn vị. Hàng tháng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành.
2. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để nợ đọng tiền đóng BHXH hoặc đóng không đúng quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của CBCNVC và người lao động. Nếu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để nợ tiền đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, nếu đến thời gian quy định vẫn chưa tổ chức thực hiện đúng thì người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có quyền yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền nợ đóng BHXH vào tài khoản chuyên thu của quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng lao động vào cơ quan, đơn vị làm việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp đủ hồ sơ tham gia BHXH cho tổ chức Bảo hiểm xã hội để tổ chức Bảo hiểm xã hội kiểm tra số tiền đóng BHXH và đối chiếu hồ sơ đúng thì cấp sổ BHXH cho người lao động theo quy định.
4. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm giữ lại 2% mức đóng vào quỹ ốm đau và thai sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 43 của Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ để chi trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện theo quy định nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản và hàng quý tổng hợp chứng từ theo quy định để quyết toán với tổ chức Bảo hiểm Xã hội. Trường hợp quyết toán số tiền lớn hơn số tiền được giữ lại thì tổ chức Bảo hiểm Xã hội phải cấp bù, nếu số tiền giữ lại chi nhỏ hơn số quyết toán thì lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền dư chênh lệch cho quỹ bảo hiểm xã hội vào tháng đầu quý sau.
Trường hợp số tiền chi trả chế độ ốm đau, thai sản vượt nhiều hơn số tiền đã được giữ lại trong quý thì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó chủ động quyết toán sớm hơn với tổ chức Bảo hiểm Xã hội để được cấp bù số chênh lệch thiếu kịp thời.
5. Giao Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội, các ngành chức năng có trách nhiệm phối hợp với Liên đoàn Lao động, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ tăng cường công tác triển khai, tuyên truyền Luật Bảo hiểm Xã hội.
6. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội phải nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Mọi hành vi vi phạm Chỉ thị này đều bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
7. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ có trách nhiệm đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày và đăng báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 02/CT.CtUBT.96 ngày 13 tháng 01 năm 1996 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ về việc thi hành Điều lệ bảo hiểm xã hội ./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |