Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2010 về tổ chức và điều hành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2009-2010 và tuyển sinh năm học 2010-2011 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 12/04/2010
Ngày có hiệu lực 12/04/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Huế, ngày 12 tháng 4 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG, BỔ TÚC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC CƠ SỞ NĂM HỌC 2009-2010 VÀ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2010-2011

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), bổ túc trung học phổ thông (BTTHPT) năm 2010 sẽ được diễn ra vào các ngày: 2/6, 3/6 và 4/6.

Năm nay, trên địa bàn tỉnh có 16.000 học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT, BTTHPT; hơn 20.500 học sinh lớp 9 dự xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và dự tuyển vào các trường trung học phổ thông.

Để kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh diễn ra đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc theo đúng kế hoạch, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường trung học cơ sở, các hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế và các văn bản hướng dẫn về xét công nhận tốt nghiệp hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tốt việc xét công nhận tốt nghiệp THCS tại địa phương.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các ngành hữu quan ở địa phương phối hợp tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn tại địa phương có tổ chức các kỳ thi.

- Đẩy mạnh đợt cao điểm về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền các cấp, phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của các kỳ thi tuyển sinh quốc gia; chỉ đạo các cấp ở địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp các em học sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn được ôn tập, tham gia thi đạt kết quả tốt.

2. Công an tỉnh

Có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo để tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc; đặc biệt trong một số công việc sau:

- Thực hiện các phương án bảo vệ, cách ly triệt để những thành viên tham gia sao in đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện công việc bảo vệ và đảm bảo an toàn tuyệt đối quá trình chuyển giao đề thi từ Sở đến hội đồng sao in, từ hội đồng sao in đến các hội đồng coi thi; bài thi từ Hội đồng coi thi đến Hội đồng chấm thi và chuyển giao bài thi tự luận đến các tỉnh theo phân công chấm chéo bài thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Bảo đảm an ninh trật tự địa điểm thi (cả bên trong và bên ngoài Hội đồng thi), có biện pháp quản lý phòng ngừa các hành vi vi phạm quy định về khu vực thi.

- Tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để đảm bảo trật tự, giao thông trong thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh; đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông.

- Phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực, những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến quá trình chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi.

3. Sở Y tế

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phân công cán bộ, nhân viên y tế tại các hội đồng coi thi, đáp ứng chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong quá trình thi. Tham gia cùng với Hội đồng coi thi giải quyết kịp thời, đúng quy chế những tình huống như: dịch bệnh, tai nạn, ốm đau đột xuất... có liên quan đến quyền lợi học sinh.

- Phối hợp với các ngành chức năng và cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường trong những ngày diễn ra thi.

4. Sở Tài chính

Giải quyết kinh phí phục vụ cho các hoạt động thi kịp thời và theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Thực hiện các chế độ ưu tiên về thông tin liên lạc từ các hội đồng coi, chấm thi đến Ban chỉ đạo thi của tỉnh và từ Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Bưu điện tỉnh

Đảm bảo an toàn tuyệt đối việc nhận và phát các bưu kiện “phát riêng” từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến Sở Giáo dục và Đào tạo.

7. Các cơ quan thông tin, báo chí

Tuyên truyền nêu bật mục đích, ý nghĩa của các kỳ thi; thông qua thường trực Ban Chỉ đạo thi của Tỉnh để nắm thông tin, phản ánh kịp thời về tình hình tổ chức các kỳ thi.

[...]