Chỉ thị 11/CT-UBND tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa, bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu | 11/CT-UBND |
Ngày ban hành | 11/09/2024 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Nguyễn Hoàng Giang |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 11 tháng 9 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH CẦU GIAO THÔNG TRONG MÙA MƯA, BÃO NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại khu vực các tỉnh phía Bắc nước ta, trong đó vụ việc sập đổ cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), sạt lở trên các tuyến giao thông và lũ quét đã làm nhiều người chết, mất tích.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, diễn biến thiên tai trong thời gian đến rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do vậy, để chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 26/6/2024, các văn bản chỉ đạo có liên quan và khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu tạm) để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn.
- Căn cứ tình hình thực tế hiện trạng công trình, tình hình mưa, lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác tạm thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được thuận lợi, an toàn.
- Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mức độ quan trọng) kèm theo nhu cầu kinh phí, gửi các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để khắc phục.
- Chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu do địa phương quản lý theo phân cấp; chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn, xử lý các vấn đề liên quan về kỹ thuật chuyên ngành cũng như phương án kỹ thuật xử lý sự cố phát sinh (nếu có).
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải
- Hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai các nội dung tại điểm 1 Công văn này và tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình cầu do tỉnh quản lý (đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm), trong đó cần quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác, vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật.
- Quyết định dừng hoạt động hoặc hạn chế phương tiện qua lại đối với các công trình cầu thuộc thẩm quyền quản lý. Chủ trì lên phương án phân luồng đảm bảo an toàn giao thông qua các công trình cầu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện đối với các cầu đang hạn chế tải trọng. Phối hợp, đảm bảo an toàn các công trình câu vượt sông do Bộ Giao thông vận tải quản lý trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp danh mục, số liệu các công trình cần cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, đề xuất UBND tỉnh lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Trong đó, đề xuất bổ sung ngay danh mục các cầu cần cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để khắc phục sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo duy trì khả năng khai thác.
- Chịu trách nhiệm về quản lý ngành đối với các công trình cầu được giao quản lý; theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực về Phòng, chống thiên tai): Phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, kịp thời cung cấp thông tin cho Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt và đưa ra các phương án xử lý đối với các công trình giao thông, cầu.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế để xử lý đảm bảo an toàn giao thông các công trình cầu hiện hữu cần thiết phải sửa chữa, xử lý ngay; bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư để đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa lớn các công trình cầu yếu, cầu tạm trong giai đoạn 2024 - 2025.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực về Phòng, chống thiên tai), Sở Giao thông vận tải, Đài khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi và các địa phương, đơn vị liên quan cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, phương án phân luồng đảm bảo giao thông, phương án hạn chế các phương tiện qua các công trình cầu (bao gồm cả việc dừng hoạt động nếu có) đảm bảo kịp thời, thường xuyên, liên tục thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, các nền tảng mạng xã hội để người dân, cơ quan quản lý nắm bắt tình hình.
6. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải trong công tác phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông cũng như xử lý sự cố.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.
|
CHỦ TỊCH |