BỘ
CÔNG NGHIỆP
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
11/2004/CT-BCN
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2004
|
CHỈ THỊ
VỀ ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU, TRIỂN KHAI VÀ ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG MỘT SỐ
CÔNG NGHỆ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CỦA CHÍNH PHỦ
“PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010".
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG
NGHIỆP
Ngày 31 tháng 12 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ
đã có Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển khoa
học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010".
Tư tưởng chủ đạo của Chiến lược phát triển khoa
học và công nghệ (KH&CN) của nước ta đến năm 2010 là tập trung xây dựng nền
KH&CN Việt Nam theo hướng hiện đại và hội nhập, phấn đấu đạt trình độ trung
bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010, đưa KH&CN thực sự trở thành nền
tảng và động lực đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Xây dựng hệ thống KH&CN nước
ta có liên kết, có động lực, có năng lực đủ mạnh và được quản lý theo những cơ
chế thích hợp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN; góp phần quyết định nâng
cao chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; phục vụ có
hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ IX thông qua.
Triển khai thực hiện Chiến lược “Phát triển khoa
học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010"của Chính phủ; trong khi đang chuẩn
bị các nội dung để hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược “Phát triển khoa học và công
nghệ ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2010"; Bộ yêu cầu các Cục, Vụ, các
Tổng Công ty, Công ty, các cơ quan thuộc Bộ, Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong ngành Công
nghiệp tổ chức, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau.
1. Ưu tiên nghiên cứu triển khai và chọn lựa ứng dụng các
công nghệ phục vụ phát triển sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp:
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, cần đẩy mạnh
nghiên cứu, ứng dụng trong ngành Công nghiệp, phát triển một số lĩnh vực và
công nghệ cụ thể sau.
a)
Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT):
- Phát triển ứng dụng rộng rãi công nghệ mạng thế
hệ mới; cập nhật công nghệ kết nối mạng thông tin nội bộ, kết nối Internet; đào
tạo phổ cập kỹ năng khai thác thông tin trên mạng cho toàn thể cán bộ quản lý
và kỹ thuật từ cấp Công ty, Xí nghiệp đến cấp Tổng Công ty, cán bộ quản lý của
các Sở Công nghiệp, Bộ Công nghiệp. Phát triển kỹ năng sử dụng các công cụ của
công nghệ thông tin để truy cập thông tin, cập nhật thông tin, tổng hợp thông
tin, xử lý thông tin nhạy bén, với tốc độ cao, phục vụ cho việc xây dựng chiến
lược, chính sách công nghiệp ở cấp vĩ mô và điều hành quản lý sản xuất-kinh
doanh ở các doanh nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2005, hệ thống mạng được kết nối
thông suốt từ cơ quan Bộ Công nghiệp đến các Sở Công nghiệp, các Tổng Công ty
trong ngành Công nghiệp; hoàn thành việc kết nối mạng nội bộ trong các Tổng
Công ty, Công ty, doanh nghiệp; bảo đảm hiện thời hoá toàn bộ luồng thông tin
lưu chuyển từ cấp cơ sở đến các cấp quản lý và ngược lại;
- Nghiên cứu xây dựng và cung cấp các phần mềm
đa phương tiện (multimedia), các phương tiện thông tin di động, phát triển các
dịch vụ truyền thông băng rộng A DSL, dung lượng lớn, dựa trên một số lợi thế
đang có của ngành như hệ thống mạng cáp quang điện lực đang tiếp tục được mở rộng
dạng OPGW, OPPC, OPWW... , hệ thống đường điện hạ thế v.v...; phát triển ứng
dụng các phần mềm hệ thống thông tin quản lý (Management Information System), hệ
thống thông tin điều hành (Executive Information System), hệ thống thông tin hội
nghị truyền hình (TV Conference System), hệ thống sao chụp từ xa (Telecopy
System)... nhằm từng bước công nghiệp hoá hệ thống quản lý, điều hành hoạt động
công nghiệp, xây dựng văn hoá công nghiệp dựa trên tri thức;
- Chú ý xây dựng các phần mềm tích hợp hệ thống
cơ sở dữ liệu và cập nhật dữ liệu cho tất cả các chuyên ngành công nghiệp; các
phần mềm sử dụng trong phân tích kinh tế, tài chính; phân tích thị trường; quản
lý nguồn lực; phân tích hình thái hoạt động; xây dựng hệ thống bảo mật thông
tin mạng phục vụ cho công tác điều hành, quản lý từ cấp cơ sở đến cấp vĩ mô
trong toàn ngành Công nghiệp. Triển khai tốt các điều kiện kỹ thuật để thực hiện
Chính phủ điện tử, hoàn thành các bước chuẩn bị của ngành Công nghiệp vào trước
năm 2010;
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giáo
dục ở các trường đào tạo, dạy nghề; xây dựng các modul giảng dạy, các hệ thống
mô phỏng (simulators) bằng kỹ thuật số, tích hợp đa phương tiện nhằm nâng cao
chất lượng đào tạo ở các trường, các trung tâm đào tạo thuộc ngành Công nghiệp;
- Phổ cập sử dụng công nghệ thông tin trong công
tác văn phòng, kết hợp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc
tế ISO 9001-2000 để đổi mới về chất việc giải quyết các công việc quản lý hành
chính tại các cơ quan trong toàn ngành Công nghiệp theo hướng chất lượng ngày một
tốt hơn, chu đáo hơn, nhanh hơn.
b)
Công nghệ sinh học (CNSH):
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai
và ứng dụng công nghệ gen, chọn lựa lưu giữ gen nhằm bảo tồn các giống cây
nguyên liệu quý hiếm, góp phần tích cực phát triển vùng nguyên liệu cho các
ngành công nghiệp giấy; công nghiệp thuốc lá; sản xuất bông; các loại cây có dầu
làm nguyên liệu cho ngành Dầu thực vật, chế biến hương liệu, mỹ phẩm;
nguyên liệu cho sản xuất bia, nước giải khát;
- Phát triển công nghệ nuôi cấy mô, dâm
cành, lai tạo để xây dựng các Trung tâm giống cây công nghiệp theo các chuyên
ngành, cung cấp đủ cây con sạch bệnh, có chất lượng cao cho các vùng trồng
nguyên liệu sản xuất giấy; thuốc lá; bông; dầu thực vật-hương liệu-mỹ phẩm; bia
và nước giải khát;
- Nghiên cứu phát triển và phổ biến ứng dụng
tốt hơn các loại Enzym vào công nghệ chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, hoá
dược;
- Nghiên cứu ứng dụng CNSH trong các quy
trình bảo quản sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến; các quy trình xử lý
ô nhiễm môi trường trong các công trình công nghiệp, các khu công nghiệp, làng
nghề có chất thải chứa các hàm lượng hữu cơ.
c)
Công nghệ vật liệu mới:
Nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ,
làm chủ để tự phát triển:
- Các công nghệ tiên tiến trong sản xuất
luyện gang, luyện thép; sản xuất các mác thép hợp kim chất lượng cao, hợp kim
nhôm, hợp kim đồng phục vụ cho gia công chế tạo trong nước các phụ tùng, chi tiết,
khuôn đúc, rèn, dập, tạo phôi lớn phục vụ công nghiệp cơ khí chế tạo máy; chế tạo
thiết bị điện, công nghiệp năng lượng, công nghiệp xi măng, giao thông vận tải,
hoá chất, các nhu cầu của an ninh, quốc phòng;
- Các quy trình sản xuất alumin từ quặng
bôxit, tinh luyện nhôm, đồng và các kim loại màu khác, chuẩn bị tốt năng lực
cho việc tiếp nhận công nghệ, khai thác có hiệu quả các dự án lớn sản xuất các
sản phẩm nói trên từ nguồn nguyên liệu trong nước, thay thế nhập khẩu;
- Công nghệ sản xuất các vật liệu composit
gia cường bằng sợi thuỷ tinh, xơ sợi thực vật, sợi kim loại, ứng dụng vào công
nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp điện tử, các công trình xây dựng công nghiệp,
công nghiệp môi trường, quốc phòng và các ngành kinh tế khác;
- Tổng hợp polimer, nhựa cao cấp từ các
phụ phẩm của công nghiệp lọc hóa dầu (PVC, PP, PE, DOP...) làm nguyên liệu cho
việc chế tạo các chi tiết của ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử, các sản phẩm
tiêu dùng khác; nghiên cứu sản xuất, pha chế phát triển các chủng loại dầu, mỡ
bôi trơn cung cấp cho nhu cầu của các chuyên ngành công nghiệp và các ngành
kinh tế khác;
- Các công nghệ tiên tiến trong sản xuất
hoá chất cơ bản như công nghệ trao đổi ion sản xuất xút, clo, phốt pho, các loại
axit; sản xuất phân hoá học, phân vi sinh phù hợp điều kiện đất, khí hậu, chủng
loại cây trồng của Việt Nam;
- Chế biến các loại dầu, nhựa thực vật, sản
xuất các loại sơn chống ăn mòn; sử dụng nguyên liệu mới, ứng dụng các công nghệ
tiên tiến tiết kiệm năng lượng, năng suất cao trong việc sản xuất gốm sứ cao cấp,
gốm sứ chuyên dùng trong công nghiệp (sứ cách điện, gốm chịu nhiệt cao
v.v...)
d)
Công nghệ tự động hóa và cơ điện tử:
Nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ,
làm chủ để tự phát triển:
- Phổ cập công nghệ CAD/CAM cho các máy
công cụ trong ngành Cơ khí- Chế tạo, Dệt - May, Da - Giày, tạo ra các sản phẩm
có độ tinh xảo và chính xác cao, các mẫu mã mới của các mặt hàng sử dụng trong
nước và xuất khẩu;
- Thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt,
trang bị các hệ thống tích hợp giám sát, điều khiển, thu thập và xử lý số liệu
(hệ thống SCADA) áp dụng phổ cập trong điều hành hoạt động của các chuyên ngành
công nghiệp;
- Phổ cập công nghệ điều khiển số bằng máy
tính (CNC), áp dụng cho các máy công cụ trong ngành Cơ khí - Chế tạo, Sản xuất
thiết bị điện;
- Thiết kế các loại rôbôt dùng trong
các công đoạn sản xuất không an toàn đối với con người, công đoạn cần độ chính
xác cao;
- Chế tạo các hệ thống tự động điều
khiển định lượng các quá trình sản xuất liên tục, sản xuất theo dây chuyền, ứng
dụng cho các hệ thống tự động vận chuyển, công nghiệp xi măng, sản xuất vật liệu
xây dựng, cân băng tải, bốc rót vật liệu rời, ...
đ)
Công nghệ cơ khí-chế tạo máy:
- Nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển
giao công nghệ, làm chủ để tự phát triển công nghệ đúc chính xác; công nghệ chế
tạo khuôn dập; cán tạo phôi; ép chảy, ép và dập sau thiêu kết; công nghệ hàn
plasma và hàn điện hồ quang tự động, hàn chùm tia điện tử; hàn, cắt sử dụng tia
laser; cắt bằng tia nước; tôi cao tần; lựa chọn ứng dụng thích hợp trong các
công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm thuộc Chương trình sản phẩm
cơ khí trọng điểm của Chính phủ; chú trọng việc thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết
bị toàn bộ cho các dự án lớn trong ngành Công nghiệp (thiết bị thuỷ điện, nhiệt
điện, thiết bị toàn bộ cho sản xuất giấy, sản xuất phân bón, lò nung và dây
chuyền sản xuất xi măng...);
- Nghiên cứu nắm vững đặc tính công nghệ để lập
các kế hoạch nâng cấp, hiện đại hoá thiết bị chế tạo cơ khí hiện có, gắn với việc
trang bị phổ cập công nghệ CAD/CAM/CNC trong các nhà máy, các xưởng cơ khí chế
tạo;
- Đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ
thấm tôi, nhiệt luyện, phun phủ, xử lý tăng bền bề mặt, sơn đạt trình độ tiên
tiến.
e)
Công nghệ năng lượng:
- Nghiên cứu phát triển các phần mềm dự
báo nhu cầu năng lượng, cân bằng năng lượng phục vụ cho việc xây dựng các quy
hoạch năng lượng có độ chính xác cao, phù hợp với đặc điểm của hệ thống năng lượng
Việt Nam. Hoàn thành trước năm 2005 việc xây dựng Chính sách năng lượng quốc
gia đến 2010, tầm nhìn 2020. Tăng cường năng lực thiết kế công nghệ đối với các
công trình điện lực để đến năm 2010 có thể hoàn toàn tự chủ trong việc thiết kế
các dự án mới về nguồn điện, hệ thống điện;
- Nghiên cứu công nghệ chế tạo các loại động
cơ điện xoay chiều có công suất đến 1000 kW, các loại động cơ phòng nổ, động cơ
diesel công suất đến 400 CV; đáp ứng toàn bộ thiết bị điện cho hệ thống điện
trung áp; hoàn thiện công nghệ chế tạo máy biến áp 110 kV, 220 kV cung cấp đủ
cho thị trường trong nước và một phần cho xuất khẩu;
- Nghiên cứu nắm vững công nghệ nhà máy
nhiệt điện siêu cao áp, công nghệ nhà máy điện nguyên tử, chuẩn bị tốt việc đào
tạo nguồn nhân lực cho điều hành nhà máy điện nguyên tử dự kiến xuất hiện
sau năm 2015 ở Việt Nam;
- Nghiên cứu áp dụng các công nghệ hiện đại
để khai thác xuống sâu, bảo đảm an toàn, năng suất cao, tận thu tài nguyên
trong khai thác than; nghiên cứu áp dụng các công nghệ khoan nghiêng, khoan
ngang; công
nghệ khảo sát địa chấn và xử lý số liệu địa chấn bằng phương pháp 2D và
3D, từng bước giới thiệu áp dụng công nghệ địa chấn 4D trong việc thăm dò đánh
giá trữ lượng dầu khí, khai thác dầu khí; nghiên cứu các giải pháp công nghệ xử
lý CO2 trong chế biến khí thiên nhiên nhằm từng bước làm chủ công
nghệ, tự chủ công nghệ phục vụ cho sản xuất trong nước và đầu tư dự án ra nước
ngoài. Bảo đảm an toàn môi trường trong khai thác tài nguyên;
- Nghiên cứu sử dụng có hiệu quả theo quy
mô công nghiệp các dạng năng lượng mới và tái tạo (động cơ gió, năng lượng mặt
trời, thủy điện nhỏ, các dạng biômas), thay thế một phần năng lượng cổ điển,
cung cấp năng lượng cho vùng dân cư xa nguồn cung cấp năng lượng tập trung của
quốc gia. Đưa vào chượng trình KH&CN của ngành Công nghiệp dự án nghiên cứu
sản xuất các loại nhiên liệu thay thế cho than, dầu, khí đốt.
2. Tăng cường tiếp nhận chuyển giao công nghệ có chọn
lọc, đổi mới công nghệ, thay thế công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp để
nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động
- Từ nay đến cuối năm 2005, tổ chức nghiên
cứu, hoàn thành việc đánh giá trình độ công nghệ của các chuyên ngành công nghiệp,
xác định rõ thực trạng công nghệ và trình độ thiết bị trong các doanh nghiệp
thuộc các chuyên ngành; trên cơ sở đó, thực hiện việc xây dựng mới và/hoặc cập
nhật, hiệu chỉnh các dự án về lộ trình phát triển công nghệ của các chuyên
ngành đến 2010, có tính tới năm 2020; triển khai thực hiện lộ trình đã định;
- Hướng chủ yếu trong việc phát triển công
nghệ ở các doanh nghiệp từ nay đến 2010 là chú trọng việc nhập công nghệ hiện đại
từ nước ngoài và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu
trong nước; đổi mới, thay thế có chọn lọc thiết bị công nghệ trong các khâu của
quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có chất lượng
ngày một cao hơn và các mẫu mã mới; tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên
thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu; nhanh chóng làm chủ công nghệ nhập
khẩu từ nước ngoài, tiến tới tự chủ nghiên cứu phát triển công nghệ nội sinh;
- Gắn các chương trình, đề tài nghiên cứu
và phát triển KH&CN, các hoạt động của tổ chức KH&CN trong ngành Công
nghiệp với nhu cầu của thị trường; hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận được
nhanh nhất các kết quả nghiên cứu, phát minh từ các tổ chức KH&CN; phát huy
tối đa các ưu thế của công nghệ thông tin, nhanh chóng hình thành và phát triển
thị trường công nghệ công nghiệp.
3. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các Sở
Công nghiệp, các Tổng Công ty, Công ty, các tổ chức KH&CN, đơn vị thuộc Bộ
3.1.
Vụ Khoa học, Công nghệ:
- Chủ trì, phối hợp Viện Chiến lược và
Chính sách Công nghiệp, các Vụ chức năng, các Sở Công nghiệp, các Tổng công ty,
trên cơ sở tổng kết tốt thành tựu 5 năm thực hiện chiến lược phát triển
KH&CN ngành Công nghiệp (2001-2005); đánh giá kết quả triển khai các Văn kiện
của Đại hội Đảng lần thứ IX, các Nghị quyết của các Hội nghị BCH TƯ lần thứ 2,
khoá VIII, Hội nghị lần thứ 6, khoá IX về KH&CN, xây dựng “Chiến lược phát
triển khoa học công nghệ ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2010”. Hoàn thành dự
án trên, trình Bộ phê duyệt vào Quý IV năm 2004;
- Chủ trì, phối hợp các Tổng Công ty, các
tổ chức KH&CN thực hiện tốt đề án “Đánh giá trình độ công nghệ các
chuyên ngành công nghiệp”, thực hiện trong hai năm 2004, 2005; cập nhật kết quả,
lập báo cáo trung gian trình Bộ vào cuối năm 2004 và báo cáo tổng kết vào
đầu Quý IV/ 2005;
- Chủ trì, phối hợp các Vụ chức năng, các
Sở Công nghiệp, các Tổng Công ty và các tổ chức KH&CN ngành Công nghiệp nghiên
cứu đề xuất cơ chế đổi mới hoạt động KH&CN phù hợp với các quy định của Luật
Khoa học và Công nghệ, tiếp cận mạnh mẽ với thị trường, với nhu cầu của sản xuất;
phát huy các tiềm năng về cơ sở vật chất và trí tuệ của các chuyên gia, các nhà
khoa học trong các tổ chức KH&CN; khai thác tốt năng lực của các Phòng thí
nghiệm trọng điểm quốc gia được giao các tổ chức trong ngành Công nghiệp chủ
trì, đẩy mạnh triển khai các định hướng ưu tiên nghiên cứu phát triển đã được
yêu cầu ở Mục 1 Chỉ thị này và nội dung các chương trình trọng điểm. Chú ý phát
triển khả năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các Hội, Hiệp hội
chuyên ngành đối với các chương trình, đề tài, dự án phát triển kinh tế xã hội
cũng như về KH&CN ngành Công nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp các Sở Công nghiệp, Trung
tâm tin học Bộ Công nghiệp, Báo Công nghiệp, Tạp chí Công nghiệp, Viện Chiến lược
và Chính sách Công nghiệp, các tổ chức KH&CN ngành Công nghiệp xây dựng thị
trường KH&CN, gắn nghiên cứu KH&CN với thực tế sản xuất và thúc đẩy
chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng và thực hiện các quy chế chặt
chẽ trong việc xét tuyển, giao nhiệm vụ, kiểm tra, nghiệm thu và quản lý sau
nghiên cứu đối với các nhiệm vụ KH&CN.
3.2.
Vụ Tổ chức cán bộ:
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, Công
nghệ, các Vụ chức năng, các Tổng công ty, các tổ chức KH&CN ngành Công nghiệp
xây dựng đề án “Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức
KH&CN” theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tối
đa quyền chủ động, năng lực sáng tạo của các tổ chức KH&CN, xoá bỏ các quy
chế phân biệt đối xử, thiếu bình đẳng giữa các tổ chức KH&CN. Hoàn thành
báo cáo dự án trình Bộ vào Quý IV/2004;
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, Công
nghệ, các Vụ chức năng, các Trường cao đẳng, trung học, dạy nghề trong ngành
Công nghiệp, các Tổng công ty, xây dựng cơ chế gắn nghiên cứu KH&CN với
giáo dục và đào tạo, liên kết hoạt động giữa các Trường đào tạo với các Viện
nghiên cứu nhằm phát huy tối đa năng lực của đội ngũ chuyên gia KH&CN, đóng
góp cho sự phát triển của ngành Công nghiệp. Xây dựng đề án “Đào tạo nguồn nhân
lực cho KH&CN”, báo cáo Bộ vào Quý I/2005.
3.3.
Vụ Tài chính-Kế toán:
Chủ trì, phối hợp các Vụ chức năng xây dựng các
chính sách hỗ trợ các tổ chức KH&CN trong quá trình chuyển đổi; chính sách
khuyến khích liên kết giữa các tổ chức KH&CN với các Trường đào tạo; cải tiến
cơ chế quản lý tài chính đối với các hoạt động KH&CN, áp dụng thí điểm cho
các đơn vị thuộc Bộ, đảm bảo tính chất phù hợp các quy định pháp lý hiện hành của
Nhà nước.
3.4.
Trung tâm tin học:
- Cùng với Vụ Khoa học, Công nghệ chủ
trì,, phối hợp các Vụ chức năng, các Sở Công nghiệp, các Tổng công ty, các tổ
chức KH&CN đề xuất chương trình kết nối mạng thông tin nội bộ, nối mạng
Internet, phát triển hệ thống đường truyền, xây dựng mạng lưu chuyển thông tin
thông suốt theo các tuyến từ Chính phủ đến Bộ Công nghiệp, từ Bộ Công nghiệp đến
các Sở Công nghiệp, các Tổng Công ty, Doanh nghiệp và ngược lại. Trình Bộ phê
duyệt nội dung và tiến độ thực hiện chương trình vào Quý IV/2004.
- Xây dựng các phần mềm tiện ích, đẩy mạnh
việc phát triển công nghệ thông tin trong ngành Công nghiệp. Phân đoạn hợp lý để
thực hiện có kết quả, từng bước đưa mạng thông tin công nghiệp vào phục vụ công
tác điều hành, quản lý, hoàn thành trước năm 2010.
3.5.
Vụ Hợp tác Quốc tế:
Chủ
trì, phối hợp các Vụ chức năng, các Sở Công nghiệp xây dựng các chính sách thúc
đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN, tranh thủ tối đa khả năng nhận chuyển giao
công nghệ từ nước ngoài thông qua các dự án đầu tư; góp phần thúc đẩy và rút ngắn
tiến trình CNH, HĐH đất nước. Chú ý công tác đào tạo chuyên gia thông qua chuyển
giao công nghệ.
3.6.
Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp:
Chủ trì, phối hợp các Vụ chức năng, các Tổng
Công ty xây dựng “Chính sách năng lượng quốc gia”; hoàn thành đề án, trình
Chính phủ vào Quý IV/2004.
3.7.
Các Tổng Công ty thuộc Bộ:
- Tích cực phối hợp với Vụ Khoa học,
Công nghệ tổ chức thực hiện tốt dự án “Đánh giá trình độ công nghệ các chuyên
ngành công nghiệp” đối với các công nghệ, thiết bị đang sử dụng trong lĩnh vực
chuyên ngành; trên cơ sở đó, từng Tổng Công ty có nhiệm vụ đại diện cho cả
chuyên ngành, xây dựng mới và/hoặc cập nhật, hoàn thiện “Lộ trình đổi mới công
nghệ và thiết bị đến năm 2010” của chuyên ngành, trình Bộ vào quý IV/2005 để tổ
chức thực hiện;
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực
hiện đại hoá thiết bị và công nghệ trong từng doanh nghiệp. Trong điều kiện của
nước ta hiện nay, cần coi trọng việc nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển,
giải quyết nhu cầu hiện đại hoá từng phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất của
mỗi doanh nghiệp, đồng thời cần chú ý chọn lựa các công nghệ do trong nước tạo
ra, đã được kiểm chứng về chất lượng để áp dụng, tạo điều kiện cho việc phát
triển các công nghệ nội sinh.
4. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các Vụ, Cục, Sở Công nghiệp,
các Tổng Công ty, Công ty, các tổ chức KH&CN thuộc Bộ có trách nhiệm cụ thể
hóa và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này. Hµng năm các đơn vị đánh giá kết
quả việc thực hiện Chỉ thị, trong đó cần nêu rõ những nội dung đã làm được, những
nội dung chưa làm được, những vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất
các biện pháp giải quyết, báo cáo Bộ trước ngày 25/12, thông qua Vụ Khoa học,
Công nghệ để Vụ làm báo cáo tổng hợp./.
Nơi
nhận:
-TTg Chính phủ
-Văn phòng Chính phủ,
-Lãnh đạo Bộ,
-UBNN tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
-Các Sở CN,
-Các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ,
-Các TCty thuộc Bộ,
-Các tổ chức KHCN thuộc Bộ,
-Công báo,
-Lưu VP, KHCN.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Hoàng Trung Hải
|