Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Chỉ thị 11/2000/CT-TTg về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/2000/CT-TTg
Ngày ban hành 07/06/2000
Ngày có hiệu lực 22/06/2000
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRỤ SỞ LÀM VIỆC CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Trong những năm gần đây, công tác quản lý đầu tư và xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan bước đầu đã đi vào nề nếp, chất lượng xây dựng được đảm bảo; phần lớn các dự án xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan đã thực hiện tiết kiệm trong xây dựng, mua sắm trang thiết bị, nhất là trang thiết bị đắt tiền (thang máy, điều hoà nhiệt độ trung tâm...).

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các Bộ, ngành, địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc. Việc chấp hành quy định về xây dựng trụ sở của một số Bộ, ngành và địa phương chưa nghiêm. Chỉ tính riêng trong 3 năm từ 1997 đến 1999, mới có 166 dự án trong tổng số 593 (chiếm 28%) dự án xây dựng trụ sở mới của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng quy định; công tác quản lý kiến trúc, đơn giá xây dựng chưa chặt chẽ. Việc áp dụng định mức suất đầu tư và tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chưa thống nhất dẫn đến tình trạng có sự khác biệt rất lớn về suất đầu tư, thiết kế, quy mô xây dựng và vốn đầu tư giữa trụ sở một số cơ quan trên cùng một địa bàn. Một số cơ quan xây dựng trụ sở với quy mô quá lớn so với định mức sử dụng.

Hiện tại, nhiều trụ sở cơ quan xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng hoặc không đáp ứng cho nhu cầu công tác. Nhiều cơ quan đang phải thuê, mượn nhà để làm việc, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, vì vậy nhu cầu đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan hiện nay còn khá lớn.  

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn còn rất hạn hẹp , không thể đáp ứng được yêu cầu xây dựng trụ sở làm việc của các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian ngắn. Nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý xây dựng trụ sở và yêu cầu chung về điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các quy định về xây dựng trụ sở làm việc như sau:

1. Đối với các cơ quan, đơn vị mà trụ sở làm việc đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn, diện tích làm việc hiện trạng ở mức dưới 70% so với tiêu chuẩn được quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, thì phải xây dựng dự án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung theo đúng quy định hiện hành.

2. Đối với các địa phương mới chia tách, các cơ quan mới thành lập, chưa có trụ sở làm việc, đang phải đi thuê, mượn hoặc sử dụng các nhà tạm để làm việc, căn cứ quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động tính toán cân đối và huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng trụ sở nhưng không được vượt quá tiêu chuẩn diện tích làm việc đã quy định. Nếu có nhiều cơ quan cần xây dựng trụ sở mới thì khuyến khích các địa phương xây dựng khu nhà làm việc liên cơ quan để tiết kiệm vốn đầu tư.

3. Đối với các cơ quan Trung ương quản lý theo hệ thống ngành dọc (kể cả cơ quan đại diện ở nước ngoài), phải lập quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của toàn ngành phù hợp với biên chế, tiêu chuẩn diện tích làm việc theo quy định hiện hành và các nguồn vốn có thể huy động được. Tận dụng các thiết kế mẫu, xây dựng trụ sở làm việc kiên cố phù hợp với quy hoạch xây dựng các khu hành chính của địa phương để tiết kiệm vốn đầu tư, đất xây dựng, đồng thời phải bảo đảm sự phù hợp về các điều kiện làm việc và trang thiết bị nội thất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trên cùng một địa bàn.

4. Từ năm 2000 trở đi, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chịu trách nhiệm về chủ trương, kế hoạch đầu tư xây dựng, sử dụng vốn ngân sách được phân bổ và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng mới, tu sửa trụ sở làm việc (trừ các dự án thuộc nhóm A), cho các cơ quan, đơn vị do mình quản lý.

Các dự án đầu tư xây dựng trụ sở phải thực hiện đúng quy chế về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

5. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xây dựng trụ sở của các Bộ, ngành, địa phương; được quyền yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, điều chỉnh lại dự án nếu việc bố trí xây dựng trụ sở mới của các Bộ, ngành, các địa phương không đúng theo quy định.

6. Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành thiết kế mẫu về trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính để làm cơ sở cho việc lựa chọn xây dựng.

7. Vào tháng 10 hàng năm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc thuộc Bộ, cơ quan, địa phương mình phụ trách, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)