Chỉ thị 101-TTg năm 1961 về việc tăng cường công tác đông y do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 101-TTg
Ngày ban hành 15/03/1961
Ngày có hiệu lực 30/03/1961
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐÔNG Y.

Nền đông y của nước ta đã có từ lâu, đã chứng mình có thể chữa được nhiều bệnh. Nếu những kinh nghiệm ấy được đem áp dụng, và được kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm của tây y thì đông y sẽ góp phần rất lớn vào việc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, làm giàu cho kho tàng y học của nước nhà.

Nước ta lại có nhiều dược liệu, kể cả cây cỏ, động vật và khoáng vật, trong đó có những thứ rất quý, cần được sưu tầm, nghiên cứu và sử dụng để phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, và giảm việc nhập thuốc của nước ngoài.

Trước đây, vì đế quốc và phong kiến kìm hãm, vì tư tưởng giấu nghề, tư tưởng bảo thủ của những người làm nghề đông y, nên nền đông y của ta không phát triển được.

Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, nền đông y của ta đã bước đầu có những tiến bộ: trong kháng chiến, đông y đã góp phần phục vụ các chiến trường; từ hoà bình lập lại, Viện nghiên cứu đông y và Hội đông y Việt Nam được thành lập, việc sưu tầm và dịch sách đông y được mở rộng, việc kết hợp đông y với tây y được áp dụng trên một quy mô rộng lớn ở một số bệnh viện trung ương và địa phương. Do đó, ta đã có thêm điều kiện để kết hợp đông y với tây y trong việc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

Song đường lối kết hợp đông y với tây y, tới nay chưa được những người làm công tác y tế thật quán triệt.

Để tận dụng mọi khả năng của đông y và tăng thêm điều kiện cho việc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, chủ trương của Đảng và Chính phủ đối với đông y là:

Trên cơ sở khoa học, thừa kế và phát huy những kinh nghiệm tốt của đông y, kết hợp đông y với tây y nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân; tiến lên xây dựng một nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Đi đôi với việc phát triển tây y, cần tổ chức việc nghiên cứu đông y một cách có hệ thống và thực hiện tốt việc kết hợp đông y với tây y trong việc phòng bệnh và chữa bệnh. Muốn vậy:

- Việc học tập, thừa kế vốn quý của đông y phải tiến hành trên cơ sở  khoa học, học cái hay, cái tốt, bỏ cái dở, dần dần nâng cao đông y lên trình độ khoa học và hiện đại.

- Việc kết hợp đông y với tây y phải tiến hành về các mặt phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, đào tạo cán bộ, và phải thực hiện từ thấp đến cao, từ việc chữa bệnh thông thường đến việc chữa bệnh khó và lâu năm.

- Cần đặc biệt chú ý đến các môn châm cứu, thuốc ta, thuốc gia truyền, thuốc của các dân tộc thiểu số.

- Cần có kế hoạch đào tạo cán bộ nghiên cứu đông y ở trong nước và ngoài nước; sưu tầm, dịch và nghiên cứu sách về đông y (kể cả sách thuốc Bắc, thuốc Nam, sách trung y) tiến lên biên soạn những sách giáo khoa về đông y để dùng vào việc giảng dạy, học tập ở trong ngành Y tế.

- Cần gấp rút sưu tầm những bài thuốc hay, những môn thuốc gia truyền, tổ chức các hội nghị đông y chuyên về từng loại bệnh.

- Việc nghiên cứu đông y cần được mở rộng; dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế và của trung ương Hội đông y, các cơ quan y tế trung ương và địa phương, các cơ quan y tế Nhà nước và các cấp Hội của Hội đông y cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc nghiên cứu này.

- Cần củng cố và tăng cường Viện Nghiên cứu đông y, giúp Viện ấy làm được nhiệm vụ nghiên cứu đông y, đào tạo cán bộ đông y, tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn việc áp dụng và phát triển đông y.

- Những người làm công tác tây y cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc thừa kế và phát huy những kinh nghiệm tốt của đông y, thực hiện việc kết hợp đông y với tây y; những người làm công tác đông y phải học tập tây y, phải cố gắng trong việc kết hợp đông y với tây y. Những người làm công tác tây y và những người làm công tác đông y phải đoàn kết với nhau, hợp tác với nhau để tăng cường khả năng phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, xây dựng một nền y học Việt nam xã hội chủ nghĩa.

2. Cần sưu tầm, nghiên cứu một cách có hệ thống những dược liệu hiện có trong nước, nhất là các cây thuốc. Phải có kế hoạch khai thác, bảo vệ các cây thuốc ở rừng núi, mở rộng việc trồng cây các cây thuốc cần thiết, trồng các cây thuốc Bắc, khuyến khích việc chăn nuôi các động vật dùng vào việc làm thuốc. Phải có chính sách giá cả thích đáng để khuyến khích việc hái thuốc, trồng thuốc trong nhân dân, tiến lên tự túc về thuốc.

3. Hội Đông y Việt Nam, tổ chức nghề nghiệp của những người làm đông y, cần được các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo về chính trị cũng như về tổ chức. Bộ Y tế, các Sở, Ty Y tế có nhiệm vụ giúp đỡ các cấp Hội Đông y nhất là giúp đỡ về mặt đào tạo cán bộ, nghiên cứu chuyên môn để hội có thể phát huy hết khả năng của mình, góp phần xứng đáng vào việc phát triển y học dân tộc.

Những người làm nghề đông y cần được tổ chức vào các hình thức hợp tác thích hợp để hành nghề và để được bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ. Những người có tài năng đặc biệt cần được đãi ngộ thích đáng. Những phần tử đầu cơ trục lợi sẽ bị loại trừ khỏi ngành đông y. Các Sở, Ty Y tế và Hội Đông y cần có kế hoạch giúp những ngườ làm nghề đông y học tập thêm về tây y và đông y để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng phục vụ nhân dân.

Bộ Y tế, Uỷ ban hành chính các cấp, các ngành có liên quan phải nghiên cứu và có kế hoạch cụ thể thi hành chỉ thị này.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 



Phạm Văn Đồng

 

12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ