Chỉ thị 1005/LĐTK về việc chấn chỉnh công tác thống kê do Bộ lao động ban hành

Số hiệu 1005/LĐTK
Ngày ban hành 09/06/1958
Ngày có hiệu lực 09/06/1958
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1005/LĐTK

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1958

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC THỐNG KÊ

Kính gửi:

- Các ông Giám đốc Khu, Sở Lao động.
- Trưởng Ty, Phòng Lao động.

 

Kiểm điểm lại quá trình thực hiện công tác thống kê, chúng ta đã đạt được một số kết quả trong việc thống kê báo cáo, điều tra chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ v.v... Những kết quả này đã có tác dụng tốt cho công tác nghiên cứu của ngành.

Song bên cạnh những thành tích đó, chúng ta còn nhiều khuyết điểm:

1) Chế độ thống kê báo cáo chấp hành chưa được nghiêm chỉnh, một số nơi báo cáo không đều đặn, chưa đủ các biểu mẫu đã ban hành; một số nơi báo cáo không thống nhất theo sự hướng dẫn chung, tính toán còn nhiều sai sót.

2) Cán bộ thống kê chưa được phân công dứt khoát để có thể đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Có nơi đã sử dụng cán bộ thống kê đi làm những việc khác, phân công nay người này, mai người khác, coi nhẹ công tác thống kê. Số liệu thống kê chưa được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi đi, có nơi nặng về báo cáo lên trên, mà không biết sử dụng số liệu để phân tích nhận xét giúp cho công tác nghiên cứu ở địa phương; có nơi ý thức trách nhiệm đối với số liệu thống kê rất kém, ít chú ý đến số liệu đó đúng hay sai, chưa thấy hết tác dụng của công tác thống kê.

3) Việc liên hệ với các cơ sở và các ngành chưa được chặt chẽ. Việc trao đổi số liệu giữa cơ quan Lao động và các ngành cũng chưa có nề nếp.

Qua tình hình trên và căn cứ vào nhiệm vụ công tác của ngành ngày càng phát triển rộng lớn và nặng nề, Bộ thấy rằng việc chấn chỉnh công tác thống kê là vấn đề quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác thống kê để phục vụ tốt cho nhiệm vụ công tác của ngành. Để làm tốt công tác này, Bộ đề ra mấy nhiệm vụ sau đây để các Khu, Sở, Ty, Phòng thi hành:

1) Chấp hành nghiêm chỉnh các biển báo thống kê:

- Báo cáo đầy đủ và đều đặn theo các biểu mẫu Bộ đã ban hành, không tự tiện sửa đổi hoặc thêm bớt các cột trong biểu mẫu và không phát hành thêm mẫu mới (nếu cần phải có ý kiến của Bộ).

- Thực hiện đúng thời hạn báo cáo hàng tháng, 3 tháng như đã quy định cho từng biểu mẫu. Về thời gian gửi báo cáo Bộ quy định thống nhất là : báo cáo hàng tháng thì gửi về Bộ chậm nhất là trước ngày 8 của tháng sau, báo cáo hàng quý thì gửi về Bộ chậm nhất là trước ngày 15 tháng sau của quý báo cáo.

- Khuôn khổ của bảng thống kê báo cáo bằng khuôn khổ một tờ pelure hoặc bằng hai tờ pelure tuỳ theo số cột của biểu mẫu nhiều hay ít (không nhỏ quá hoặc lớn quá).

- Con số ghi chép phải rõ ràng, không dập xoá và hết sức tránh những sai sót về tính toán (chú ý đặc biệt điểm này).

- Cần nghiên cứu kỹ những điểm đã hướng dẫn và giải thích trong các biểu mẫu, kể cả phần nội dung và phương pháp ghi chép để thi hành cho thống nhất, chú ý xây dựng sổ sách theo dõi từng vấn đề thống kê để tập hợp báo cáo được nhanh chóng.

2) Chú trọng kiểm tra số liệu thống kê báo cáo, có giải thích nhận xét tình hình của vấn đề báo cáo.

- Tài liệu thống kê thu thập được, phải thẩm tra lại trước khi lên bảng tập họp, trước khi sử dụng vào việc nghiên cứu.

- Tài liệu thống kê của Sở, Ty, Phòng trước khi gửi về Bộ phải có chữ ký của ông Giám đốc hay Ty trưởng và cán bộ thống kê. Trước khi ký phải kiểm tra lại số liệu thống kê và việc tập họp có gì sai sót thì sửa chữa ngay.

- Mỗi bảng thống kê báo cáo đều phải có giải thích và nhận xét tóm tắt tình hình của vấn đề báo cáo đó. Phần này không thể thiếu sót được vì nó kết liền với phần số liệu làm cho bảng thống kê báo cáo được đầy đủ và sáng tỏ.

Thực hiện các điểm trên đây là nhằm bảo đảm tính chất chính xác của số liệu thống kê, làm cho cán bộ thống kê càng đi sâu vào nghiệp vụ của mình, tăng thêm tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ hiểu biết về các mặt công tác của ngành; đồng thời giúp ích cho đồng chí phụ trách cơ quan trong việc chỉ đạo công tác, sử dụng được số liệu thống kê.

3. Báo cáo về tình hình thực hiện công tác thống kê.

Trong các báo cáo hàng tháng, qúy gửi về Bộ (báo cáo bằng lời văn) cần có phần báo cáo tình hình công tác thống kê của cơ quan mình để phản ánh: những công tác thống kê đã làm được, các khó khăn, thuận lợi, những sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác và những ý kiến xây dựng cho công tác thống kê của ngành. Qua báo cáo này Bộ nắm vững được tình hình công tác thống kê ở các địa phương và kịp thời giải quyết được các khó khăn mắc mứu trong công tác, tập họp được kinh nghiệm để trao đổi và phổ biến cho các địa phương.

4. Kiện toàn tổ chức thống kê, hướng dẫn và lãnh đạo công tác thống kê.

- Các cơ quan Lao động địa phương cần bố trí dứt khoát cán bộ đủ khả năng chuyên trách về thống kê; nơi nào chưa có thì gấp rút bố trí, nơi nào bố trí chưa đúng thì điều chỉnh lại.

Cần nghiên cứu các nghị quyết của hội nghị thống kê toàn ngành vừa rồi (từ 21-5 đến 24-5-58) để tiến hành việc kiện toàn tổ chức, xây dựng nhiệm vụ công tác thống kê của cơ quan phân định ranh giới, quy định nề nếp phối hợp công tác giữa thống kê và các phân hành nghiệp vụ khác.

- Đồng chí phụ trách cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp công tác thống kê của cơ quan mình và chịu trách nhiệm về tất cả các báo cáo thống kê đã gửi đi, cần quan tâm giúp đỡ cán bộ thống kê, tạo điều kiện cho cán bộ thống kê ngày càng đi sâu vào nghiệp vụ, có thì giờ nghiên cứu nắm được chính sách chung, chính sách của ngành để vận dụng vào công tác được tốt, phục vụ việc nghiên cứu của cơ quan, của ngành.

5. Liên hệ công tác giữa bộ phận thống kê với các bộ phận nghiệp vụ khác, giữa cơ quan Lao động với các ngành, các cơ sở:

[...]