Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu | 10/CT-UBND |
Ngày ban hành | 15/08/2018 |
Ngày có hiệu lực | 15/08/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Trần Văn Vĩnh |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 15 tháng 8 năm 2018 |
Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự phát triển lớn mạnh về số lượng và chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, có nhiều đóng góp cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 về quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập trên địa bàn.
Triển khai thực hiện các quy chế trên, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở kinh doanh); công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai kịp thời và đúng quy định đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh, đồng thời hướng dẫn cơ sở kinh doanh tuân thủ theo quy định của pháp luật; ngoài ra, vai trò giám sát xã hội đối với các cơ sở kinh doanh cũng được tăng cường.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả trên, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, còn có cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu sự kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Dẫn đến tình trạng không ít cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật như: Tiến hành hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện khi chưa đáp ứng đủ điều kiện; vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động (nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội,...),...; ngừng hoạt động kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh; không chấp hành việc kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; một số cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đã bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần những vẫn tiếp tục vi phạm; gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh sau đăng ký thành lập, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật, phát triển ổn định, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật; ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực, rủi ro do các cơ sở kinh doanh gây ra cho xã hội; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả mục tiêu và nhiệm vụ sau đây:
Các cơ quan chức năng theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, từ đó thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác, bài trừ tệ nạn xã hội trên địa bàn khu dân cư, gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường vai trò nòng cốt của mặt trận và các tổ chức đoàn thể đối với hành vi kinh doanh có khả năng gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn cho lãnh đạo xã, phường, thị trấn và lực lượng kiểm tra liên ngành.
2. Tăng cường trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh, kịp thời phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong tỉnh, giữa các sở, ngành với các địa phương trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng có liên quan, nhất là các thông tin về tình trạng hoạt động (tạm ngừng, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản), thông tin về vi phạm của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; trong đó cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin vi phạm của doanh nghiệp và liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, cung cấp cho UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thông tin vi phạm của hợp tác xã và hộ kinh doanh, cung cấp cho Ban Quản lý các khu công nghiệp thông tin vi phạm của các cơ sở kinh doanh đăng ký trụ sở tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo có đủ thông tin để kịp thời có biện pháp phối hợp trong công tác quản lý nhà nước.
3. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Đoàn Kiểm tra liên ngành 389/ĐP theo Quyết định số 159/QĐ-BCĐ389 ngày 10/10/2014 và Quyết định số 133/QĐ-BCĐ389 ngày 20/10/2016 của Ban Chỉ đạo 389/ĐB tỉnh Đồng Nai, các Đội Kiểm tra liên ngành; tăng cường công tác kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhằm kịp thời phát hiện hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp.
4. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và UBND cấp huyện kịp thời phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có sự cố về môi trường, y tế, lao động, cháy nổ xảy ra; kết thúc các cuộc thanh tra, kiểm tra cơ quan chủ trì phải kịp thời báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh, đồng thời thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan để phối hợp đôn đốc doanh nghiệp khắc phục hành vi vi phạm hoặc sự cố.
5. Trường hợp cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời yêu cầu cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh. Sau khi thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, các cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa để ra thông báo yêu cầu cơ sở kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi chưa đáp ứng đủ điều kiện; phối hợp xử lý vi phạm theo quy định tại Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 của UBND tỉnh.
6. Nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ cơ sở kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết dứt điểm các vướng mắc theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
7. Thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo đúng yêu cầu báo cáo đột xuất của UBND tỉnh.
a) Hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh hoặc các loại văn bản chứng nhận, chấp thuận khác trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh.
b) Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã (Liên hiệp hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân), thực hiện gửi thông tin đăng ký doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính, để chủ động thực hiện phối hợp trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định tại Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 của UBND tỉnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về thuế.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch; tạo mọi điều kiện và đảm bảo môi trường an ninh, trật tự ổn định để tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
d) Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
đ) Khi giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thuộc trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty, kịp thời tổng hợp danh sách doanh nghiệp gửi đến Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai định kỳ hàng tuần, để tiến hành kiểm tra, thu thuế (nếu có) nhằm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
e) Chủ động liên hệ, phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng đưa vào vận hành hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp.
a) Đẩy mạnh tổ chức hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí; tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ và giới thiệu các chính sách mới về thuế cho các cơ sở kinh doanh biết, thực hiện; giải quyết các vướng mắc phát sinh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý các vi phạm về thuế theo quy định.
b) Tổng hợp tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác đối với các cơ sở kinh doanh theo quy định, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa để có thông tin thực hiện phối hợp đôn đốc cơ sở kinh doanh thực hiện.
c) Xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra hoạt động bán doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần. Trong quá trình giám sát, kiểm tra nếu phát hiện doanh nghiệp chuyển nhượng vốn khống (chưa góp vốn nhưng thực hiện chuyển nhượng), chưa góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký, kịp thời cung cấp thông tin đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp xử lý vi phạm; chủ động xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, chống hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng.