Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/06/2024 |
Ngày có hiệu lực | 26/06/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Trần Phước Hiền |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 6 năm 2024 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng vẫn sẽ còn diễn ra nhiều đợt trong suốt thời kỳ cao điểm mùa khô 2024 trên địa bàn tỉnh, nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn luôn tiềm ẩn ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm (cấp IV, cấp V). Để tăng cường các biện pháp các phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu các Tổ chức Chính trị - Xã hội nghiêm túc thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên ngành của Trung ương và địa phương, nhất là Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 20/02/2024, Thông báo số 236/TB-UBND ngày 21/5/2024 của UBND tỉnh, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung sau đây:
a) Quán triệt tinh thần “PCCCR phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính”; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”; trong các tháng cao điểm mùa khô, ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCCCR ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; xác định PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác. Rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đối với phương châm “bốn tại chỗ” trong diễn tập phương án ứng phó tình huống cháy rừng các cấp, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhằm tạo tính chủ động trong công tác phòng ngừa và xử lý các tình huống cháy rừng, đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả.
b) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình; đồng thời phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong PCCCR.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ đạo) tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo điều hành và trực tiếp ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác PCCCR theo quy định; tăng cường kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của các địa phương và chủ rừng; thường xuyên đưa tin cấp dự báo cháy rừng, cảnh báo cháy rừng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng khi dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V; xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống cháy rừng theo cơ chế huy động, hiệp đồng giữa các lực lượng (Bộ đội, Công an, Kiểm lâm) trên địa bàn giáp ranh các huyện và các tỉnh lân cận; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch PCCCR và duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm nắng nóng, ngày nghỉ, ngày lễ phải kiểm soát người ra vào rừng, phát hiện sớm đám cháy, kịp thời tổ chức lực lượng ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại.
3. Sở Công Thương chỉ đạo ngành Điện lực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng có liên quan rà soát hành lang lưới điện quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng khi cháy rừng xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải, đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
4. Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp giữa các lực lượng (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) trong công tác PCCCR; chủ động phối hợp điều tra, đấu tranh xử lý các đối tượng gây cháy rừng, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trọng cộng đồng.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã, thành phố tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện với các đơn vị quân sự của Quân khu đóng trên địa bàn; sẵn sàng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng tại các địa phương khi có cháy rừng xảy ra.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ động thực hiện công tác PCCCR tại nơi đóng quân; thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo cấp huyện và sẵn sàng lực lượng, phương tiện kỹ thuật tham gia chữa cháy rừng.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi, các cơ quan báo chí Trung ương (thường trú trên địa bàn tỉnh) thông tin Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường các chuyên mục, bản tin về PCCCR trong các tháng cao điểm mùa khô, khi dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V phải liên tục thông tin, cảnh báo cháy trên sóng phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử và các phương tiện truyền thông khác; kịp thời nêu gương các điển hình trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm cập nhật cấp dự báo, cảnh báo cháy rừng hàng ngày.
8. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, kết hợp dự báo của cơ quan Trung ương để kịp thời xác định, đưa tin cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó cháy rừng kịp thời.
9. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các Công điện[1] về phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 và Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 17/5/2024. Trong đó, cần lưu ý các nội dung trọng tâm sau đây:
a) Rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo, bổ sung Quy chế hoạt động, trong đó phân công, phân nhiệm cụ thể rõ ràng cho từng thành viên và địa bàn phụ trách; củng cố, duy trì hoạt động của các tổ, đội PCCCR ở cơ sở; xây dựng nội quy, quy chế trực, ứng trực PCCCR phù hợp với tình hình thực tế địa phương; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng, đảm bảo nhịp nhàng, hiệu quả.
b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn có rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCCR; triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng và phong tục, tập quán của địa phương; rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn, tổ chức trực và canh phòng trực 24/24 trong thời gian cao điểm nắng nóng, nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ; tu sửa, bảo dưỡng, đầu tư mua sắm máy móc, dụng cụ, công trình phòng cháy chữa cháy rừng; sẵn sàng phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về PCCCR; kịp thời biểu dương, khen thưởng “người tốt việc tốt” trong công tác PCCCR./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
[1] Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 43/CĐ-TTg ngáy 01/5/2024 về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phóng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước; Công điện số 518/BNN- KL ngày 17/01/2024 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.