Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2018 về tăng cường quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 08/10/2018
Ngày có hiệu lực 08/10/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Mùa A Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Điện Biên, ngày 08 tháng 10 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TỈNH ĐIỆN BIÊN

Quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong những năm qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện, đồng thời triển khai các đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh hàng năm và theo từng giai đoạn. Qua đó đã nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; việc xây dựng kế hoạch và tổ chức cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, kế hoạch dần đi vào nền nếp; công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước gắn với công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; ngày càng có nhiều cán bộ, công chức, viên chức chủ động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sau đại học hoặc trình độ trên chuẩn của vị trí việc làm góp phần quan trọng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ, kỹ năng công tác để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hiện nay đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp tới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các khâu khác của công tác cán bộ. Đó là việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và theo giai đoạn chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát nhu cầu thực tiễn gắn với chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực để cử đi đào tạo nhân lực có trình độ phù hợp đáp ứng yêu cầu công tác, thể hiện ở việc cử đi đào tạo sau đại học còn mang tính tự phát, chưa xác định rõ những trường hợp trong quy hoạch, kế hoạch đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước và những trường hợp tự túc kinh phí đi học nâng cao trình độ theo nguyện vọng, việc cử đi đào tạo chuyên môn trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước không còn phù hợp với quy định hiện nay do yêu cầu tuyển dụng đầu vào phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn của vị trí việc làm; ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đảm bảo nội dung chương trình và thời lượng theo quy định. Đào tạo, bồi dưỡng đã bước đầu gắn với quy hoạch cán bộ nhưng chưa rõ nét, chưa gắn với chức danh, nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn cho từng chức danh quy hoạch, vì vậy có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch được giới thiệu bổ nhiệm, ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Nội dung và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa cao, chương trình, giáo trình chưa thật phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng của địa phương. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng không cao, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng chưa phát huy được kiến thức, năng lực bản thân để đóng góp vào kết quả chung của cơ quan, đơn vị. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan quản lý đào tạo, bồi dưỡng và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn có mặt chưa thật sự gắn kết.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, trước hết xuất phát từ người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; chưa tập trung, sâu sát quán triệt, thường xuyên chỉ đạo quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện chạy theo bằng cấp, chưa tập trung học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực chuyên môn; Các quy định, hướng dẫn liên thông giữa quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng chưa cụ thể; nhiều nội dung mới về đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa được cập nhật, sửa đổi, bổ sung; Quy chế quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh chưa quy định một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thay thế các Thông tư số 03/2011/TT-BNV, Thông tư số 19/2014/TT-BNV; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thay thế Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.

Nhằm phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua, đồng thời tổ chức triển khai các quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ, Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ, Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:

1.1. Tiếp tục tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; phổ biến sâu rộng các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện nghiêm các nội dung được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ, Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐH ngày 15-10-2015 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 07/11/2016 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hàng năm và theo từng giai đoạn.

Quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: “học để làm việc”, “làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”. Đề cao tinh thần học và tự học; tăng cường nhận thức về trách nhiệm học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

1.2. Tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương; tránh tình trạng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức một cách hình thức, qua loa, đại khái.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương phải gắn liền với rà soát, đánh giá, xây dựng quy hoạch cán bộ nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm vào chức vụ mới hoặc chức vụ cao hơn.

Quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo giai đoạn phải gắn liền với thực tiễn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện mục tiêu nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Quyết định của UBND tỉnh tương ứng với từng giai đoạn.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và theo từng giai đoạn để kịp thời có giải pháp tăng cường tổ chức thực hiện để đạt các mục tiêu đã đặt ra.

1.3. Về đào tạo chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung quán triệt, chỉ cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chuyên môn từ nguồn ngân sách nhà nước cho các trường hợp thuộc đúng đối tượng, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và có tên trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Đối với cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý theo quy định phân cấp thì trước khi cử cán bộ, công chức, viên chức đi ôn thi và đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành thì cơ quan, đơn vị phải lập hồ sơ, xin chủ trương của Tỉnh ủy.

b) Đối với các trường hợp đào tạo chuyên môn theo nguyện vọng cá nhân (không có tên trong danh sách quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị), học ngoài giờ hành chính và không sử dụng ngân sách nhà nước, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức đi học trên cơ sở cá nhân tự túc kinh phí và việc đi học của cá nhân không làm ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chức trách được giao.

c) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung chỉ đạo cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2020 thực hiện đạt các mục tiêu cụ thể như sau:

- 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên, có trình độ từ đại học trở lên và được đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng về quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh.

- 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 65% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm.

d) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, thống kê cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để chủ động phối hợp với Trường Chính trị, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo từ trung cấp (trung cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc trung cấp chuyên môn) trở lên cho những cán bộ, công chức xã chưa có trình độ chuyên môn, có tuổi đời còn đủ tham gia công tác ít nhất 02 nhiệm kỳ công tác trở lên trong nguồn quy hoạch.

e) Đối với việc liên kết mở các lớp đào tạo thạc sĩ trên địa bàn tỉnh, do đối tượng đi học chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị của tỉnh, nên để đáp ứng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và đảm bảo cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo quy định, yêu cầu Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phối hợp chặt chẽ, có ý kiến thống nhất bằng văn bản với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ trước khi trình UBND tỉnh xem xét cho mở lớp đào tạo.

f) Về đào tạo nguồn cán bộ từ học sinh, sinh viên cử tuyển, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, căn cứ quy định tại Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 10/7/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý công tác cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên và hướng dẫn hàng năm của Sở Nội vụ để triển khai thực hiện, đồng thời đảm bảo quỹ biên chế để bố trí tiếp nhận học sinh, sinh viên cử tuyển của địa phương tốt nghiệp ra trường.

g) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ, người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển; đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận.

1.4. Về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc chế độ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức về lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc thiểu số, tin học, ngoại ngữ (thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết):

- Bảo đảm hàng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ