Chỉ thị 09-CT/TW năm 2002 về vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay do Ban Bí thư ban hành

Số hiệu 09-CT/TW
Ngày ban hành 06/03/2002
Ngày có hiệu lực 06/03/2002
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Bí thư
Người ký Phan Diễn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 09-CT/TW

Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CẦN THỰC HIỆN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HIỆN NAY

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc mở rộng dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, được cụ thể hoá trong Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác, tạo cơ sở pháp lý cho công dân, cơ quan nhà nước thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Bộ Chính trị và Chính phủ đã có nhiều chủ trương và biện pháp chỉ đạo xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân. Ở nhiều địa phương, cấp uỷ đảng, chính quyền đã triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và chủ động giải quyết tốt khiếu tố của dân nên tình hình ổn định; việc giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân và giữa người dân với các cơ quan nhà nước được tiến hành đúng pháp luật, kỷ cương và có hiệu quả, ít hoặc không có các đoàn khiếu tố lên Trung ương.

Nhưng thời gian gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến không bình thường, số lượng gia tăng, tính chất phức tạp. Nhiều đoàn khiếu tố đông người, có tổ chức, vượt cấp lên Trung ương, kéo đến công sở các cơ quan và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có hiện tượng những người khiếu tố ở các địa phương khác nhau đã liên kết với nhau gây áp lực đòi giải quyết theo yêu cầu của họ. Trong những người tham gia khiếu kiện, có những người khiếu tố đúng, mong muốn được pháp luật giải quyết công minh; nhưng cũng có một số người mặc dù tranh chấp liên quan đến mình đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đúng pháp luật, nhưng hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố chấp mà vẫn cố tình khiếu nại kéo dài; một số phần tử quá khích thậm chí coi thường pháp luật, ngang nhiên thách đố, xâm phạm trụ sở các cơ quan công quyền, xúc phạm, đe doạ và hành hung những người thi hành công vụ. Một số kẻ xấu, trong đó có cả những phần tử có tiền án, tiền sự không chịu hối cải lợi dụng khiếu tố để cò mồi, kích động nhằm "đục nước béo cò" tìm kiếm lợi ích riêng; một số ít đối tượng cơ hội chính trị cũng nhân dịp này tìm mọi cách kích động gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáng tiếc là một số đồng bào đã nhẹ dạ để bọn xấu lôi kéo, tham gia vào những hành động sai trái này. Tình hình trên đây phải được kiên quyết ngăn chặn, khắc phục, nếu không sẽ có thể gây hậu quả phức tạp, khó lường.

Tranh chấp dân sự và khiếu kiện của dân là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về chính sách, luật pháp chưa hoàn chỉnh; trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội, một số cán bộ hoặc cấp uỷ và chính quyền các cấp có những khuyết điểm, sai phạm (quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, giải quyết một số vụ việc chưa đúng chính sách, luật pháp, chưa thoả đáng, công bằng, v.v.). Nhưng, nguyên nhân trực tiếp gây ra những cuộc khiếu kiện vượt cấp, đông người, có vụ mang tính kích động như gần đây là do một số cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của dân; giải quyết nhiều vụ việc chậm, chưa nghiêm túc, thấu đáo, chưa đúng chính sách, pháp luật, làm cho dân bất bình, giảm lòng tin vào lãnh đạo địa phương và cơ quan công quyền; chưa làm tốt việc vận động, giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện việc khiếu tố một cách có trật tự, đúng chỗ, đúng pháp luật; chưa phê phán, lên án nghiêm khắc những hành vi kích động, xúi giục của bọn xấu, chưa kiên quyết xử lý, trừng trị những kẻ cố tình gây rối, coi thường và chống đối pháp luật.

Để khắc phục tình trạng khiếu tố đông người, vượt cấp lên Trung ương, khiếu tố không đúng quy định và những hành vi lợi dụng việc khiếu tố gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lập lại trật tự trong việc khiếu nại, tố cáo, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng phối hợp với các cấp chính quyền, các đoàn thể thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những việc sau đây:

1. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, ngăn ngừa, khắc phục tình trạng công dân khiếu tố vượt cấp, không đúng nơi quy định, gây mất trật tự nơi công sở hoặc nhà riêng các đồng chí lãnh đạo, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thường vụ cấp uỷ, trước hết là đồng chí bí thư phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tất cả các cấp uỷ, nhất là cấp uỷ ở những nơi đang có khiếu kiện phức tạp, phải phân tích, đánh giá tình hình khiếu kiện của dân; rà soát các vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, bàn kế hoạch chỉ đạo, phân công giải quyết tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất. Những vụ việc còn phải chờ chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, chưa thể giải quyết sớm thì trả lời công khai cho dân biết.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cấp uỷ và chính quyền địa phương cần phân công nhau, bố trí lịch tiếp dân theo quy định của pháp luật, trực tiếp đối thoại với dân, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc đặc biệt phức tạp.

Các vụ việc đã có quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện ngay, kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm gây chậm trễ hoặc né tránh việc giải quyết. Trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau thì bàn thống nhất trong cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để có kết luận giải quyết dứt điểm.

Cần làm rõ các nguyên nhân phát sinh khiếu tố để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác lãnh đạo và quản lý. Cán bộ, đảng viên có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những nơi mất đoàn kết trong nội bộ Đảng làm nảy sinh khiếu tố phức tạp, thì cấp uỷ cấp trên phải tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết, kiện toàn tổ chức, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ tín nhiệm.

Những việc làm trên đây phải được duy trì thường xuyên; coi kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá hoạt động của mỗi cấp uỷ, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên.

2. Đảng uỷ, ban cán sự đảng các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp chỉ đạo rà soát, phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, có kế hoạch giải quyết và chỉ đạo cấp dưới giải quyết các khiếu nại, tố cáo đó; lựa chọn những vụ khiếu tố về hoạt động tư pháp có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm để kiểm tra, xem xét và giải quyết dứt điểm; từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời những sai phạm của các cơ quan tư pháp, xử lý nghiêm minh những cán bộ tư pháp làm sai và xem xét nghiêm túc việc bồi thường thiệt hại do những sai phạm đó gây ra.

3. Cần làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo, thực hiện việc khiếu nại, tố cáo một cách có trật tự, đúng pháp luật, đến đúng cấp và cơ quan có thẩm quyền, đúng nơi quy định là trụ sở tiếp công dân hoặc cơ quan có trách nhiệm của địa phương, của Trung ương. Những vụ việc cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết đúng thì khẩn trương thi hành; nếu người dân còn tiếp tục khiếu tố thì cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể cần kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục để họ hiểu và nghiêm túc thực hiện.

Kiên trì giải thích để nhân dân hiểu việc tụ tập đông người nơi công sở và tại nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo để đưa đơn, yêu cầu giải quyết khiếu tố vừa không giúp giải quyết nhanh được vụ việc, vừa ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, chỉ tạo cơ hội cho bọn cò mồi lừa đảo gây thiệt hại cho dân và bọn xấu lợi dụng gây rối trật tự trị an xã hội. Thông báo rõ với nhân dân: từ nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước không tiếp hoặc nhận đơn khiếu tố tại nhà riêng hoặc tại các cơ quan không có chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khi có đoàn đông người từ các địa phương lên Trung ương khiếu kiện vượt cấp thì các cơ quan chức năng ở Trung ương cùng với cấp uỷ và lãnh đạo chính quyền thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu địa phương có dân khiếu kiện cử đại diện lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền phối hợp với các cơ quan Trung ương, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bàn biện pháp phối hợp xử lý.

4. Đối với những người lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để kích động, xúi giục, tổ chức đông người đi khiếu kiện và có hành vi gây mất trật tự an ninh phải nghiêm khắc phê phán, lên án; phải vạch mặt kẻ xấu cho nhân dân biết và cảnh giác, đồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước và chính quyền các địa phương ra quy định về các khu vực, mục tiêu cần bảo vệ và các hành vi phải ngăn cấm cũng như những chế tài cần thiết phù hợp với quy định chung của pháp luật. Các cơ quan bảo vệ pháp luật xây dựng quy chế, chuẩn bị phương án, biện pháp xử lý thích hợp những trường hợp vi phạm.

5. Đảng đoàn Quốc hội đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường thực hiện chức năng giám sát các cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về hành chính, dân sự, kinh tế và tư pháp.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân lãnh đạo đoàn thể của mình thường xuyên vận động, giáo dục, hướng dẫn các thành viên tự giác chấp hành pháp luật; giám sát và tích cực tham gia cùng các cơ quan nhà nước giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân. Coi trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, chú ý làm tốt công tác hoà giải những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để hạn chế tối đa việc phải đưa các tranh chấp dân sự ra giải quyết trước cơ quan pháp luật và ngăn các vụ việc nhỏ trở thành các vấn đề phức tạp.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo để mọi người hiểu rõ chính sách, pháp luật, biểu dương kịp thời những điển hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay; phê phán những việc làm trái pháp luật. Khi đưa tin các sự việc cụ thể phải khách quan, trên cơ sở thẩm tra, xác minh cụ thể hoặc sử dụng kết luận của cơ quan có thẩm quyền; khắc phục hiện tượng đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc hoặc suy diễn mang tính kích động, không có lợi.

7. Ban Nội chính Trung ương chủ trì cùng với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Ban Bí thư.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ để thực hiện.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Phan Diễn