Chỉ thị 09/2012/CT-UBND về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 09/2012/CT-UBND
Ngày ban hành 13/08/2012
Ngày có hiệu lực 23/08/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trần Công Chánh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2012/CT-UBND

Hậu Giang, ngày 13 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Trong thời gian qua, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng: nhiều dự án được triển khai thực hiện có hiệu quả, công tác tổ chức thẩm định, thẩm tra dự án có chất lượng; năng lực của các nhà đầu tư từng bước được cải thiện, giảm thiểu được nhiều dự án không khả thi; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư được chú trọng thường xuyên, ý thức chấp hành pháp luật của các nhà đầu tư được nâng lên, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư được đảm bảo,tăng cường sự liên kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, thu hút vốn đầu tư và quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn một số hạn chế nhất định: sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chưa thường xuyên và chặt chẽ, chưa có ý kiến đầy đủ và kịp thời khi cơ quan chuyên môn trưng cầu ý kiến thẩm tra; năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý, bảo vệ môi trường,…phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư trong thời gian qua.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; đầu tư đúng mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư mang lại lợi ích cho tỉnh, cho doanh nghiệp và bảo đảm phát triển bền vững.

b) Tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về đầu tư nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, quản lý dự án và kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

c) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư theo quy định đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, các dự án khai thác tài nguyên, các dự án có điều kiện, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường …; rà soát, đề xuất xử lý theo quy định đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai theo cam kết.

d) Trước khi trình UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư các dự án, phải làm việc với các nhà đầu tư có cam kết, ngoài các điều khoản quy định, cần có kế hoạch ngay từ đầu thực hiện chính sách tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án (tùy theo quy mô dự án mà xây dựng phương án tái định cư phù hợp), ứng vốn giải phóng mặt bằng (tỷ lệ, thời gian…).

đ) Thực hiện đúng, đủ các thủ tục đầu tư theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và theo dõi, kiểm tra, giám sát (suất đầu tư tối thiểu đối với các dự án sử dụng nhiều đất; tiêu chuẩn về khoa học, công nghệ, môi trường; tiêu chuẩn, điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản…). Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đầu tư không được quy định thêm thủ tục, lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các ưu đãi đầu tư không đúng với quy định của pháp luật.

2.Sở Công Thương:chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc xét, trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các lĩnh vực có điều kiện thuộc phạm vi quản lý ngành; rà soát các quy hoạch sản xuất, điều kiện kinh doanh và công bố định hướng thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, địa phương.

3. Sở Tài chính: phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất.

4. Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để định hướng phân kỳ và kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và nông thôn đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và UBND huyện, thị xã, thành phố nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, môi trường và sử dụng tài nguyên, khoáng sản của dự án đầu tư.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hiệu quả việc chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan tăng cường thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với với các ngành có liên quan chịu trách nhiệm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động có tay nghề của khu vực đầu tư từ vốn doanh nghiệp

b) Tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho người lao động, bồi dưỡng kiến thức, tác phong công nghiệp và kỹ luật lao động cho người lao động.

c) Phối hợp với Liên đoàn Lao động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.

9. Sở Giao thông vận tải: chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên có quan triển khai các giải pháp cần thiết để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

10. Ban quản lý các khu công nghiệp:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư. Phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới khu, cụm công nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: phối hợp thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương rà soát bơm mìn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

[...]