Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2017 thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018 tại thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/08/2017 |
Ngày có hiệu lực | 16/08/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thị Thu |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2017 - 2018 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thực hiện Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành giáo dục và đào tạo;
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội thành phố thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2017-2018, cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ chung
- Thực hiện có hiệu quả, tiên phong dẫn đầu cả nước về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo trên địa bàn thành phố; xác định giáo dục và đào tạo là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, hệ thống giáo dục - đào tạo thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nhưng vẫn giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc, trong đó tiếng Anh và trình độ công nghệ thông tin tiên phong dẫn đầu cả nước.
- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, hoàn thiện chương trình học theo hướng hiện đại đáp ứng chuẩn giáo dục quốc tế; phát huy tốt năng lực sáng tạo của người học, phát triển toàn diện; gắn liền với thực tiễn; chú trọng giáo dục lối sống, nhân cách, đạo đức, lý tưởng, ý thức khởi nghiệp và truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.
- Xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời, tạo ra nguồn nhân lực tương lai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế của thành phố, góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
2. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Sở Giáo dục và đào tạo
Tích cực hoàn chỉnh Dự án “Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030” nhằm từng bước đưa giáo dục và đào tạo Thành phố tiếp cận giáo dục tiên tiến khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập theo các tiêu chí:
- Xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị dạy học thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng công tác dạy và học.
- Xây dựng các trường học tiên tiến, hiện đại, tiếp cận khu vực và thế giới nhưng vẫn gìn giữ được nét bản sắc dân tộc riêng, có chương trình học không rập khuôn, xa rời với thực tế.
- Tăng tỷ lệ học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong trường; được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm đảm bảo phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.
- Học sinh có hiểu biết về lịch sử của đất nước, thành phố, địa phương. Từ đó tăng thêm lòng yêu nước, trách nhiệm với quê hương và xã hội, phấn đấu là những công dân toàn cầu, am hiểu thông lệ quốc tế.
- Học sinh có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Mỗi học sinh có thể chơi được ít nhất 01 môn thể thao; có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng; có trình độ ngoại ngữ và tin học đảm bảo khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin khi thực hiện công tác giảng dạy và tiếp cận với các tri thức mới, giao lưu, hội nhập với thế giới.
- Giáo viên ngoài giỏi chuyên môn còn có hiểu biết xã hội sâu rộng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo.
- Xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh với nhà trường và giáo viên trong giáo dục học sinh, từ đó đưa ra các đóng góp, ý kiến kịp thời và hợp lý.
- Giao quyền tự chủ cho các trường về công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Từ đó, các trường chủ động hơn trong sử dụng kinh phí ngân sách một cách hiệu quả, cũng như sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị.
2.2. Các sở, ban, ngành Thành phố
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu đã nêu trên và một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Giao Sở Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo các quận, huyện thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục, thuyên chuyển, tuyển dụng nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng cán bộ, giáo viên các cấp học, bậc học.
- Giao Công an thành phố phối hợp với các địa phương có phương án đảm bảo an ninh, an toàn trong và ngoài nhà trường.
- Giao Sở Y tế phối hợp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường.
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông chính xác, đầy đủ những chủ trương, định hướng đổi mới của ngành.
- Tăng cường các giải pháp về chính sách xã hội nhằm đảm bảo 100% học sinh thuộc diện gia đình khó khăn có điều kiện đến trường; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo.