Chỉ thị 08/CT-UB về tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch đầu tư xây dựng năm 1996 của ngành Giáo dục – Đào tạo do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 08/CT-UB
Ngày ban hành 30/01/1996
Ngày có hiệu lực 30/01/1996
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Thanh Tùng
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 08/CT-UB

Long Xuyên, ngày 30 tháng 01 năm 1996

 

CHỈ THỊ

V/V TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂM 1996 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

Để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 1996 và chuẩn bị cho những năm sau của ngành Giáo dục – Đào tạo; đồng thời để khắc phục những vướng mắc về trình tự thủ tục XDCB theo qui định, UBND tỉnh chỉ thị một số nhiệm vụ, biện pháp cần thiết do Sở Giáo dục – Đào tạo chủ trì cùng các Sở ngành có liên quan và UBND huyện, thị phối hợp thực hiện.

I- THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂM 1996:

Trước hết, cần triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ đã nêu tại Thông báo của UBND tỉnh số 21/TB-UB ngày 18/3/1996. Ngoài ra, UBND tỉnh lưu ý thêm một số việc sau:

1- Căn cứ vào vốn đầu tư đã giao, nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đầu tư XDCB để sớm triển khai thi công.

Sở Giáo dục – Đào tạo chủ trì cùng UBND các huyện, thị xác định vị trí xây dựng. Nếu chưa xác định được vị trí thì khẩn trương tiến hành. Nếu đã xác định xong nhưng chưa bàn giao được mặt bằng thì UBND huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện cho xong. Bố trí mặt bằng xây dựng trường lớp phải phù hợp với qui hoạch chung. Ở những nơi chưa có qui hoạch chung, bố trí mặt bằng phải có sự thoả thuận của Sở Xây dựng. Để tiết kiệm mặt bằng đất đai xây dựng, ở thị xã, thị trấn và các khu vực nông thôn có điều kiện, các công trình xây dựng trường lớp phải được thiết kế kiên cố, móng chịu lực đảm bảo xây nhiều tầng lầu, dù trước mắt chưa xây đủ số tầng theo thiết kế.

Diện tích đất dành cho mỗi công trình trường lớp phải bảo đảm tiêu chuẩn định mức mét vuông/học sinh theo quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục – Đào tạo, để ngoài diện tích xây dựng phòng học còn có sân chơi, nơi luyện tập thể dục thể thao và nhà vệ sinh (trừ một vài nơi đặc biệt khó khăn thì báo cáo xử lý cụ thể).

2- Khi đã có mặt bằng xây dựng, Ban quản lý dự án tỉnh nhanh chóng hoàn thành thiết kế, dự toán công trình để giám định và trình duyệt. Công đoạn này không để kéo dài quá 30 ngày. Cần có phối hợp kế hoạch cụ thể giữa các ngành có liên quan.

3- Công trình có vốn đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên nhất thiết phải bảo đảm trình tự thủ tục hồ sơ dự án thông qua cơ quan thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

Công trình có vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng miễn lập dự án nhưng phải bảo đảm trình tự thủ tục hồ sơ về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán. Có thể sử dụng thiết kế mẫu đã được cơ quan thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để lập hồ sơ thiết kế xây dựng công trình mới, không phải tổ chức khảo sát thiết kế tốn kém. Trên cơ sở đó, tính toán lập dự toán theo đơn giá hiện hành.

4- Phân công chủ đầu tư và quản lý thực hiện dự án :

a) Sở Giáo dục – Đào tạo là chủ đầu tư và quản lý thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn chương Quốc gia và vốn vay Ngân hàng Thế giới.

b) Sở Giáo dục – Đào tạo là chủ đầu tư và hợp đồng với Ban quản lý dự án tỉnh để tổ chức quản lý thực hiện các dự án công trình còn lại trừ các trường hợp nêu tại mục c và d dưới đây.

c) Phân cấp cho UBND Thị xã Long Xuyên và UBND Thị xã Châu Đốc làm chủ đầu tư và tổ chức quản lý thực hiện các dự án công trình xây dựng trường lớp (thuộc ngành Giáo dục – Đào tạo) trên địa bàn thị xã, trừ các trường: Cao đẳng Sư phạm, Thoại Ngọc Hầu, tiểu học Mỹ Bình (Long Xuyên) và Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc).

d- Theo điều kiện cụ thể từng nơi, UBND Tỉnh sẽ quyết định giao UBND huyện làm chủ đầu tư hoặc quản lý thực hiện dự án một số công trình xây dựng trường lớp có vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng.

e) Việc tổ chức thi công các công trình xây dựng trường lớp từ 500 triệu đồng trở lên nhất thiết phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước về xét chọn và đấu thầu.

II- LẬP QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG 5 NĂM 1996 – 2000:

1- Lập thiết kế qui hoạch hệ thống cơ sở trường lớp trên phạm vi lãnh thổ toàn tỉnh An Giang từ nay đến năm 2000, đây là cơ sở pháp lý và khoa học cho việc lập dự án, thiết kế xây dựng từng công trình và lập kế hoạch vốn, danh mục đầu tư xây dựng trung hạn và hàng năm của ngành.

Công tác thiết kế quy hoạch có yêu cầu đặc biệt quan trọng, liên quan nhiều lĩnh vực và nhiều ngành, có nhiều khó khăn phức tạp, tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, nó phải được sự quan tâm đúng mức và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục – Đào tạo với các Sở ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Địa chính, Tài chính, Cục Đầu tư phát triển và UBND huyện, thị.

Công tác thiết kế quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn địa phương và phải khẩn trương tiến hành đến tháng 9/1996 thông qua và phê duyệt.

2- Ngay trong quý II/1996, Sở Giáo dục – Đào tạo xúc tiến việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng 5 năm 1996-2000 của ngành trình UBND tỉnh phê duyệt để chủ động lập và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm và hoàn thành vào quý III/1996.

3- Song song với quá trình triển khai thực hiện các dự án công trình xây dựng theo kế hoạch đã ghi trong năm 1996, chuẩn bị kế hoạch 5 năm 1996-2000, Sở Giáo dục – Đào tạo cần tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư (nghiên cứu lập, thẩm định, phê duyệt dự án) để có cơ sở pháp lý cho việc lập kế hoạch vốn và danh mục đầu tư xây dựng năm 1997 của ngành. Ưu tiên các mục tiêu sau: Xây dựng tối thiểu 500 phòng học; xây dựng trường Đại học cộng đồng; mở rộng, nấng cấp trường trung học dạy nghề.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh tổ chức hướng dẫn và cùng tham gia phối hợp thực hiện, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này.

2- Sở Giáo dục – Đào tạo phân công 1 đồng chí trong Ban Giám đốc Sở trực tiếp phụ trách xuyên suốt về công tác quản lý đầu tư xây dựng của ngành. Mỗi tháng, Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức họp báo với sự tham gia của lãnh đạo các ngành có liên quan để thông tin và hội ý xử lý các khó khăn vướng mắc. Mỗi quý, Sở tổ chức họp sơ kết công tác quản lý đầu tư xây dựng của ngành với sự tham dự của lãnh đạo các ngành liên quan và UBND huyện, thị.

3- Khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở ngành nào thì chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án báo nhanh đến Sở ngành đó. Thủ trưởng Sở ngành đó cần xem xét xử lý kịp thời theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền hoặc có ý kiến bất đồng với ngành khác, báo cáo nhanh đến UBND tỉnh biết xử lý.

4- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo bất thường (nếu có) đến UBND tỉnh để biết và theo dõi chỉ đạo. Phấn đấu đến cuối tháng 8/1996 thực hiện ít nhất 70% vốn và khối lượng so kế hoạch cả năm.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ