Chỉ thị 08/2007/CT-UBND tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu | 08/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/03/2007 |
Ngày có hiệu lực | 18/03/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Dương |
Người ký | Nguyễn Hoàng Sơn |
Lĩnh vực | Giáo dục,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2007/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 08 tháng 3 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng để triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đáp ứng được phần lớn yêu cầu đòi hỏi thực tế của địa phương. Tuy vậy, ở từng nơi, từng lúc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa được chú trọng và chưa thực hiện đồng bộ.
Nhằm quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp; và triển khai thực hiện 04 Đề án chi tiết thuộc Chương trình quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010. Để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (kể cả các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lí), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện tốt một số mặt công tác sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (viết tắt là Chỉ thị 32).
Trong đó, Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của sở, ngành, địa phương mình và triển khai cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình với chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức phải được học tập, nghiên cứu và thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ Đảng cơ quan, đơn vị ra Nghị quyết cụ thể về việc quán triệt nội dung Chỉ thị 32 đến từng cán bộ, Đảng viên. Mỗi cán bộ, Đảng viên phải có trách nhiệm gương mẫu trong việc nghiên cứu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. Đây là công tác trọng tâm, thường xuyên để đánh giá cán bộ, Đảng viên hàng năm.
2. Kế hoạch hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải được xây dựng sát với thực tế và có tính khả thi, có trọng tâm và trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của ngành, của địa phương. Ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ có khả năng giải quyết ngay những yêu cầu bức xúc trong thực tiễn - nhất là các nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các loại biểu mẫu, thủ tục liên quan đến cải cách hành chính cần phải đơn giản, chính xác tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế trong xã hội.
Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm trước cấp uỷ và chính quyền cấp trên trực tiếp về việc để cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp hoặc giải quyết các thủ tục hành chính không đúng quy định của pháp luật.
3. Khẩn trương triển khai đồng bộ từng kế hoạch thực hiện các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh. Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể thực hiện:
a) Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp thực hiện theo đúng tiến độ của từng đề án đã đặt ra. Trong đó chú trọng đến công tác đào tạo trình độ Đại học Luật cho một số đối tượng của các ngành làm chủ trì đề án và các ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện Đề án. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.
b) Tiến hành xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật trên website của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
c) Tập trung chỉ đạo xây dựng điểm các khu phố, ấp, tổ dân cư; các xã, phường, thị trấn làm thí điểm về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục và chấp hành pháp luật theo 04 Đề án của Chương trình 212.
d) Dự trù kinh phí hoạt động cụ thể để triển khai từng Kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm bố trí kinh phí kịp thời: đủ, đúng tiêu chuẩn, định mức hiện hành để các ngành, các cấp thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và thời gian đã quy định.
4. Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có trách nhiệm phân công một cán bộ lãnh đạo làm Báo cáo viên pháp luật của tỉnh và bố trí một đến hai cán bộ làm Báo cáo viên pháp luật của ngành. Danh sách gửi về Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh - Sở Tư pháp tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh để củng cố tổ chức này.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm củng cố đội ngũ Báo cáo viên cùng cấp đủ sức tham gia phổ biến pháp luật cho cơ sở. Đồng thời chỉ đạo cấp xã củng cố đội ngũ Tuyên truyền viên đủ sức tham gia tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
Đội ngũ Báo cáo viên và Tuyên truyền viên pháp luật làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thống nhất với các cơ quan chức năng để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định chế độ trách nhiệm và chính sách hỗ trợ (kể cả thù lao) cho những cán bộ làm công tác này.
5. Khẩn trương triển khai sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, các văn bản luật mới được Quốc hội ban hành và các văn bản hướng dẫn thi hành từng luật cụ thể. Trong đó, cần động viên, khuyến khích Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân, tăng cường xây dựng Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý lưu động về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu dân cư - đặc biệt chú trọng công tác trợ giúp pháp lý cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.
Tiếp tục thực hiện thí điểm giỏ pháp luật ở các khu nhà trọ, tiến tới sơ kết rút kinh nghiệm để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyết định cụ thể. Cần nghiên cứu phát triển các hình thức mới để đưa công tác trợ giúp pháp lý bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế của nhân dân.
6. Phát động phong trào thi đua trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng chủ đề, từng giai đoạn nhằm tăng cường, phát huy vai trò của từng cấp, ngành, địa phương và có chính sách khen thưởng kịp thời để động viên những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác này.
7. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lí, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo theo quy định./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |