Chỉ thị 08/2007/CT-UBND về đẩy mạnh và kiên quyết thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 08/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 09/01/2007
Ngày có hiệu lực 19/01/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Hoàng Thị Út Lan
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2007/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 09 tháng 01 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VÀ KIÊN QUYẾT THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/12/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Năm 2006, tai nạn giao thông đã giảm 6,66% số vụ, số người chết không tăng không giảm và giảm 35,86% số người bị thương so với năm 2005.

Đạt được kết quả trên là do có sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể với chính quyền các cấp trong tỉnh; sự cố gắng của các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn giao thông và các lực lượng thực thi nhiệm vụ về trật tự an toàn giao thông; sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp cán bộ và nhân dân trong tỉnh đối với các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông của địa phương trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn cao; nhất là xu hướng gia tăng nhanh chóng về người và phương tiện tham gia giao thông đã làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Nguyên nhân của tình hình trên trước hết là do sự chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành và chính quyền huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt và có biểu hiện buông lỏng; chậm khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa tập trung kiểm tra và xử lý kiên quyết phương tiện chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là xe mô tô, gắn máy. Từ đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, trong đó có một bộ phận không nhỏ người điều khiển mô tô, xe gắn máy chuyển biến rất chậm và có biểu hiện coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, đẩy mạnh và thực hiện kiên quyết hơn nữa các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ vững kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện (thị xã) và chính quyền cơ sở đẩy mạnh và kiên quyết thực hiện các biện pháp sau đây nhằm đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh so với năm 2006:

1. Các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải quán triệt và xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong công tác quản lý của ngành, cấp mình; phải giáo dục cho mọi người ý thức tuân thủ triệt để pháp luật về trật tự an toàn giao thông; có hành vi ứng xử kiên quyết, xem tai nạn giao thông là hiểm họa đe dọa tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

2. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành quy định về hành lang an toàn giao thông, nhất là trên Quốc lộ 1; thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm và lập kế hoạch giải toả các vi phạm hành lang an toàn giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; đề xuất với Ủy ban nhân nhân tỉnh biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm; kiến nghị làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; kiến nghị xử lý những đơn vị không triển khai hoặc thực hiện không đạt yêu cầu. Phấn đấu năm 2007 giải quyết cơ bản các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh;

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe các loại, công tác kiểm định kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; phát hiện và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có biểu hiện tiêu cực hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước trên các lĩnh vực này;

c) Chỉ đạo việc tổng kiểm tra phương tiện, bến bãi, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện thủy nội địa; quản lý, giáo dục, nâng cao trách nhiệm và đạo đức người điều khiển phương tiện giao thông;

d) Ưu tiên bố trí nguồn vốn xử lý triệt để các vị trí “điểm đen” về tai nạn giao thông đối với đường do địa phương quản lý. Kiến nghị với cơ quan quản lý đường giao thông của Trung ương bố trí nguồn vốn xử lý triệt để các “điểm đen” về tai nạn giao thông đối với đường do Trung ương quản lý;

đ) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở phối hợp với các đơn vị có liên quan của Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện nhằm loại trừ các phương tiện giao thông đường bộ đã hết hạn lưu hành; kiên quyết xử lý đúng pháp luật những phương tiện hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn hoạt động trên đường giao thông;

e) Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh việc xây dựng bến xe mới theo hướng xã hội hoá; việc tổ chức vận tải khách công cộng bằng xe buýt nhằm hạn chế phương tiện cá nhân trên một số tuyến giao thông quan trọng.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo và tổ chức lực lượng cảnh sát phối hợp với Thanh tra Giao thông đồng loạt ra quân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Đảm bảo tất cả hành vi vi phạm đều bị xử lý theo đúng pháp luật. Áp dụng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi: vi phạm về tốc độ; sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy ở những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm; lái xe không có giấy phép hoặc giấy phép không phù hợp với loại xe đang điều khiển; xe khách chở quá số người quy định; xe khách lưu hành không đúng lịch trình và hành trình; dừng đỗ xe đón trả khách hoặc lên xuống hàng hoá không đúng nơi quy định; điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của hệ thống báo hiệu giao thông. Đối với các hành vi vi phạm có quy định tạm giữ phương tiện thì phải tạm giữ phương tiện theo quy định;

b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả với hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết;

c) Chủ trì việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể có liên quan nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình tự quản về trật tự an toàn giao thông tại cơ sở ở một số huyện (thị xã) để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh;

d) Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tán nhân dân kịp thời đưa ra xét xử các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để răn đe, giáo dục;

đ) Phối hợp với chính quyền huyện và cơ sở, các lực lượng chức năng trong việc giải toả các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông.

4. Sở Văn hoá - Thông tin, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người tham gia giao thông. Phải đặc biệt chú ý tuyên truyền đề cao ý thức tự giác, lương tâm, đạo đức người lái xe; nêu gương người tốt, việc tốt về trật tự an toàn giao thông; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông năm 2007 phải đến được từng hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

5. Các cơ quan, đơn vị phải đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị. Những trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà gây ra tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bị xử lý kỷ luật hành chính.

6. Ủy ban nhân dân các huyện (thị xã):

a) Tiếp tục quán triệt thực hiện quyết liệt và thực chất hơn nữa các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh đã triển khai; phải giao nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm đối với chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách;

b) Trên cơ sở kế hoạch giải toả các vị trí vi phạm hành lang giao thông được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành triển khai thực hiện trên địa bàn địa phương nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về bảo vệ hành lang an toàn giao thông;

c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra bến bãi; điều tra phương tiện thủy nội địa. Phải đình chỉ ngay các bến, bãi, phương tiện tàu, thuyền không có đủ các loại giấy tờ bắt buộc phải có, phương tiện không có dụng cụ cứu sinh, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn. Xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo triển khai không tốt hoặc thiếu kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn đường thủy nội địa trên địa bàn;

7. Ban An toàn giao thông tỉnh:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và thông qua chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2007 trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị triển khai thực hiện;

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ