Chỉ thị 08/2005/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong năm 2005, phục vụ đàm phán, gia nhập WTO do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 08/2005/CT-TTg |
Ngày ban hành | 04/04/2005 |
Ngày có hiệu lực | 23/04/2005 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2005/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG CÁC DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH TRONG NĂM 2005, PHỤC VỤ ĐÀM PHÁN, GIA NHẬP WTO
Hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Để tạo thuận lợi hơn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, đàm phán gia nhập WTO nói riêng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc sớm gia nhập WTO, ngày 02 tháng 3 năm 2005, Chính phủ đã thông qua chủ trương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh trong năm 2005, phục vụ đàm phán, gia nhập WTO. Để thực hiện chủ trương đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được phân công chủ trì soạn thảo và Trưởng Ban soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, tập trung cán bộ có năng lực, trình độ, dành kinh phí, thời gian và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được xác định trong Phụ lục kèm theo Chỉ thị này.
a) Đối với Dự án Luật Đầu tư và Dự án Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm chất lượng soạn thảo và trình Chính phủ xem xét trong tháng 6 năm 2005 để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến ngay đầu kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.
b) Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ tổ chức ngay việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự thống nhất với các cam kết khi gia nhập WTO, trình Chính phủ xem xét trong tháng 7 năm 2005 để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
c) Đối với Dự án Pháp lệnh Ngoại hối, Dự án Pháp lệnh Tiêu chuẩn hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương soạn thảo trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2005 để Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong tháng 9 năm 2005 (đối với Dự án Pháp lệnh Tiêu chuẩn hóa) và tháng 10 năm 2005 (đối với Dự án Pháp lệnh Ngoại hối).
d) Đối với Dự án Bộ luật Thi hành án và Dự án Luật về Luật sư, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trong quý III năm 2005 để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
2. Trong quá trình soạn thảo, các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo và các Ban soạn thảo cần tập trung vào những nội dung thật sự cần thiết phục vụ quá trình đàm phán gia nhập WTO. Để tạo thuận lợi hơn cho việc chuẩn bị thảo luận và thông qua các dự án luật, pháp lệnh tại Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ yêu cầu, các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo phải chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các cơ quan của Quốc hội và chuẩn bị phần giải trình trong tờ trình Chính phủ, tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tờ trình Quốc hội về phương án được chọn nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của các dự thảo văn bản với các quy định trong các Hiệp định liên quan của WTO; gửi dự thảo văn bản và các tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét.
3. Bộ Thương mại có trách nhiệm thường xuyên và kịp thời thông báo cho các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo về những yêu cầu của WTO, của các đối tác đàm phán; phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo, bảo đảm nội dung của các dự án luật và pháp lệnh thống nhất với các quy định về nghĩa vụ của thành viên WTO.
4. Các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức dịch dự thảo luật, pháp lệnh ra tiếng Anh và chuyển bản dịch cho Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế để gửi cho WTO theo yêu cầu của các đối tác đàm phán. Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại bảo đảm chất lượng bản dịch cung cấp cho WTO.
5. Các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo và các Ban soạn thảo có trách nhiệm dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành song song với quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và kịp thời các luật, pháp lệnh sau khi đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
6. Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương các cấp ban hành theo thẩm quyền phải bảo đảm thống nhất với các quy định về nghĩa vụ của thành viên WTO và các cam kết của Việt Nam với WTO. Thủ trưởng các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, tăng cường kiểm tra kỷ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định về đăng Công báo; không ban hành văn bản có chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật dưới hình thức công văn, thông báo.
7. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, gấp rút nghiên cứu, kịp thời đề xuất và chủ động soạn thảo dự án luật, pháp lệnh dưới hình thức một văn bản có thể sửa đổi, bổ sung một số quy định trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh hiện hành khi phát sinh yêu cầu mới cần sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh ngoài Danh mục nêu tại Phụ lục kèm theo Chỉ thị này.
8. Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo bảo đảm thực hiện đúng tiến độ đã được quy định trong Phụ lục của Chỉ thị này, thường kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ban Xây dựng pháp luật - Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo, các Ban soạn thảo và Bộ Tư pháp bảo đảm chất lượng soạn thảo, kịp thời đề xuất phương pháp, cách thức xử lý các vấn đề phát sinh để báo cáo Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |