Chỉ thị 07/CT-UBND về tăng cường công tác phối hợp, xử lý xe môtô, xe gắn máy bị tạm giữ theo thủ tục hành chính do Tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 08/03/2011
Ngày có hiệu lực 08/03/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 08 tháng 3 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP, XỬ LÝ XE MÔTÔ, XE GẮN MÁY BỊ TẠM GIỮ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ theo thủ tục hành chính nhiều xe môtô, gắn máy (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện) không đủ điều kiện lưu thông nhưng vẫn tham gia giao thông, với các lỗi vi phạm phổ biến như: xe lắp ráp không cùng chủng loại và thông số kỹ thuật; xe không có giấy tờ gắn biển số giả; xe sử dụng giấy tờ giả; xe bị đục số khung, số máy; người vi phạm bị xử phạt tiền ở mức cao, không đến nhận... Đây là những tác nhân tiêu cực trong hoạt động tham gia giao thông đối với xe cơ giới và là những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông đường bộ. Mặc dù các đơn vị chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp đã tích cực chỉ đạo xử lý, nhưng tình trạng trên vẫn còn diễn biến khá phức tạp; bên cạnh đó, công tác phối hợp xử lý vi phạm giữa các ngành chức năng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều vụ, việc vi phạm có tang vật, phương tiện tạm giữ kéo dài vẫn chưa được giải quyết.

Để bảo đảm thực hiện thống nhất, đúng với quy định của pháp luật, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp, xử lý, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Khi cá nhân, đơn vị phát hiện xe môtô, gắn máy có dấu hiệu vi phạm, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng kiểm tra, lập thủ tục tạm giữ, xác minh nguồn gốc làm căn cứ cho việc xem xét xử lý:

a) Quá trình xác minh có đủ tài liệu để chứng minh kết luận xe môtô, gắn máy có nguồn gốc nhập khẩu trái phép thì áp dụng quy định Luật Hải quan năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành để xử lý.

b) Đối với xe môtô, gắn máy bị đục sửa, thay đổi số khung, số máy (có dấu hiệu tội phạm) thì chuyển hồ sơ, tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ để xử lý đúng theo luật định.

c) Đối với tang vật phương tiện đã hết thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận lại tang vật, phương tiện đó thì xác lập thủ tục xử lý tịch thu theo khoản 4, Điều 61, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008.

2. Quy trình xác lập thủ tục xử lý tịch thu theo khoản 4, Điều 61 Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008:

a) Tổ chức giám định: cơ quan thụ lý tạm giữ tang vật, phương tiện phải có văn bản đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh tiến hành giám định số khung, số máy đối với các xe bị tạm giữ.

b) Khi có kết luận giám định, cơ quan thụ lý phải thông báo ít nhất 2 lần liên tiếp trên Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp hoặc Báo Đồng Tháp và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu, đồng thời cơ quan thụ lý phải gửi danh sách tang vật, phương tiện (có số khung, số máy sau giám định) đến Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thuộc Công an tỉnh để tra cứu tìm chủ sở hữu qua hệ thống lưu trữ quản lý.

3. Thẩm quyền xử lý tịch thu:

a) Cấp tỉnh: Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp ra quyết định tịch thu, theo quy định tại khoản 6, Điều 31; khoản 4, Điều 34; khoản 3, Điều 37 Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008.

b) Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng Công an cấp huyện ra quyết định tịch thu, theo quy định tại Điều 29; khoản 4, Điều 31 Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện VPHC do cơ quan có thẩm quyền cấp huyện quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

5. Giao Sở Tài chính và Trung Tâm dịch vụ bán đấu giá tổ chức thực hiện việc định giá và bán đấu giá tang vật, phương tiện VPHC do cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật.

6. Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các Sở, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chức năng chuyên môn của đơn vị mình; chỉ đạo Công an cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xác lập thủ tục xử lý tịch thu tang vật, phương tiện theo khoản 4, Điều 61 Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Công văn số 33/UB-NC ngày 23/6/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về xử lý xe môtô, gắn máy vi phạm hành chính.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP (I, II);
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- CT, PCT/UBND tỉnh;
- Các sở, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu VT, NC/NC(Đ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Minh Hoan