Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2016 về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La
Số hiệu | 07/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/04/2016 |
Ngày có hiệu lực | 26/04/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Sơn La |
Người ký | Lò Minh Hùng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đã có sự chuyển biến tích cực; ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản về bảo đảm ATTP đối với cộng đồng xã hội được nâng lên. Nhiều mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP, GMP...), mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông sản đang được xây dựng và nhân rộng, ATTP nông lâm thủy sản đang từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản đang gặp nhiều thách thức như: Một số cơ quan, đơn vị, một số bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức chưa đầy đủ về hiểm họa từ việc mất ATTP việc sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn diễn ra; thực phẩm nông lâm thủy sản không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATTP cho cộng đồng.
Những khó khăn, hạn chế nêu trên một phần là do công tác tuyên tuyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định của Nhà nước về ATTP nông lâm thủy sản chưa sâu rộng; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, kịp thời; ở một số địa phương, đơn vị chưa được chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra giám phát hiện xử lý vi phạm về ATTP nông lâm thủy sản có nơi còn thiếu kiên quyết; chưa truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công thương, Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Sơn La, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật ATTP, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190, 191, 317 Bộ Luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016); tập huấn kiến thức ATTP, hướng dẫn các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, sử dụng vật tư nông nghiệp đúng quy định cho người sản xuất, trong đó tập trung cao cho tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản...
2. Yêu cầu các ngành, UBND các huyện, thành phố:
a) Sở Nông nghiệp và PTNT
- Làm tốt công tác thống kê, thanh tra, kiểm tra, đánh giá xếp loại và kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ cao gây mất ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo 4 đúng, không thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tăng tần suất kiểm tra đối với cơ sở xếp loại C; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ sở xếp loại C nếu không có các biện pháp khắc phục; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công khai kết quả kiểm tra, xếp loại theo quy định.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, hình thành hệ thống cửa hàng kinh doanh phân phối thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có xác nhận, cung cấp cho người tiêu dùng; xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm ATTP và vệ sinh thú y phù hợp với thực tế cơ sở;
b) Sở Công thương
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ và vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường; phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
c) Sở Y tế
- Yêu cầu các bếp ăn tập thể, nhà hàng dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý phải nhập nguyên liệu thực phẩm nông lâm thủy sản từ các cơ sở, doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận sản phẩm an toàn.
- Quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm ATTP; xử lý sự cố mất ATTP nông lâm thủy sản (nếu có).
d) Công an tỉnh
Tăng cường công tác trinh sát, điều tra, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các phòng chức năng, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai công tác thống kê, thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến VietGAP, HACCP, ISO...; hình thành hệ thống cửa hàng phân phối rau, quả, thịt, thủy sản... an toàn có xác nhận; cải tạo các chợ nông sản thực phẩm truyền thống thành chợ nông sản an toàn; xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm ATTP và vệ sinh thú y, phù hợp với thực tế cơ sở.
- Đẩy mạnh việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản hàng hóa trên địa bàn đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư, chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định, làm cơ sở để quản lý, kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP cung cấp cho người tiêu dùng.
3. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản theo các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng các nội dung sau:
- Truy xuất nguồn gốc, xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản.
- Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có vi phạm.