Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2023 về tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức do thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu | 07/CT-UBND |
Ngày ban hành | 17/04/2023 |
Ngày có hiệu lực | 17/04/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Trần Việt Trường |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 17 tháng 4 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Thực hiện Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn về công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; theo đó, kết quả đánh giá, xếp loại là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm…, thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là CBCCVC). Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC chưa sát với yêu cầu công việc, chưa phản ánh đúng mức độ thực thi công vụ, nhiệm vụ..., từ đó dẫn đến tình trạng phân công, bố trí, sử dụng chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công việc và mức độ hoàn thành công việc chưa cao.
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp đối với Nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Theo đó, cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của CBCCVC, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Thủ trưởng sở, ban, ngành và địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
a) Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo trong công tác phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trong đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC với đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC; cần nhận thức công tác đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với các khâu của công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng công vụ chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao.
Việc đánh giá được tiến hành theo định kỳ hoặc trước khi bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí, sử dụng. Khi đánh giá, xếp loại, bên cạnh ý kiến nhận xét của cán bộ lãnh đạo, quản lý, của cơ quan có thẩm quyền; cần coi trọng, lắng nghe ý kiến của tập thể và đông đảo quần chúng. Sau đánh giá, ý kiến đánh giá, góp ý về CBCCVC phải được công khai, minh bạch trong tập thể tổ chức, cơ quan, đơn vị và thông báo cho CBCCVC được đánh giá biết.
Thông qua kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC, kiên quyết điều chuyển, bố trí công tác khác đối với CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc; cơ quan, đơn vị được giao quản lý, phụ trách có hiệu quả công việc và chất lượng tham mưu thấp, không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
b) Quan tâm nâng cao năng lực của tổ chức, đơn vị, đội ngũ làm công tác cán bộ trong việc nắm vững, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC, bảo đảm khách quan, công tâm, trung thực, chính xác, thận trọng, chặt chẽ trong tham mưu về công tác đánh giá CBCCVC.
2. Trách nhiệm trong công tác đánh giá
a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng CBCCVC chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC theo quy định và hướng dẫn của cấp thẩm quyền;
b) Cấp có thẩm quyền đánh giá, quyết định kết quả đánh giá chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng công tác đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm về kết quả đề xuất đánh giá, xếp loại theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
d) CBCCVC chịu trách nhiệm trong việc kê khai kết quả thực hiện nhiệm vụ, thuyết minh các nội dung liên quan số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc được giao.
3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy chế đánh giá CBCCVC theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, theo hướng xác định cụ thể công việc, phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo để đánh giá phẩm chất, năng lực của CBCCVC.
a) Phương thức đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành; có những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc. Nội dung, tiêu chí đánh giá cần thống nhất, cụ thể cho từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị và bám sát công việc, nhiệm vụ của từng cá nhân được phân công theo yêu cầu của vị trí việc làm; được lượng hóa để thuận lợi trong đánh giá, xếp loại, bảo đảm đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên CBCCVC làm việc có chất lượng, hiệu quả;
b) Đối với CBCCVC lãnh đạo, quản lý, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách (một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC lãnh đạo, quản lý là việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực mà CBCCVC lãnh đạo, quản lý đó được giao phụ trách);
c) Đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của CBCCVC theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP là cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; số lượng, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân phải có sự tương đồng với kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi CBCCVC đang công tác.
4. Chánh Thanh tra thành phố tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của CBCCVC.
5. Giám đốc Sở Nội vụ
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; đưa nội dung thanh tra, kiểm tra về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC vào nội dung thanh tra, kiểm tra hằng năm;
b) Hướng dẫn cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác đánh giá, xếp loại CBCCVC; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại CBCCVC hàng năm báo cáo Bộ Nội vụ theo thời gian quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố làm cơ sở đánh giá, xếp loại chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định hiện hành.
Yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai và chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |