ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/CT-UBND
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ PHÁ DỠ, THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ PHẾ THẢI
XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số
55/2014/QH13, ngày 23/6/2014 của Quốc hội; Nghị định số
38/2015/NĐ-CP, ngày 24/4/2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu
(sau đây gọi là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP); Nghị định số 155/2016/NĐ-CP Ngày
18/11/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 155/2016/NĐ-CP); Ngày
09/10/2015, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND
Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây
dựng các công trình tại thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Quyết định số
29/2015/QĐ-UBND).
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn
Thành phố vẫn phổ biến tình trạng phế thải xây dựng đổ không đúng nơi quy định,
đổ trộm ra lòng đường, vỉa hè, các khu đất công, đất trống, xen kẹp, ruộng lúa,
hoa màu gây bức xúc trong nhân dân; Việc đổ phế thải xây dựng bừa bãi không
đúng nơi quy định; Quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng
không tuân thủ theo quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hạ tầng kỹ thuật,
mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo an toàn giao thông của Thành phố.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là
do các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình chưa tuân thủ nghiêm các quy
định về Bảo vệ môi trường; Các cấp chính quyền chưa có chế tài cụ thể quy định
rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển,
xử lý phế thải xây dựng; Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra,
xử lý vi phạm về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác quản
lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn các quận,
huyện, thị xã chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, nghiêm
minh...
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm,
tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
(sau đây gọi là UBND cấp huyện); Các phường, xã, thị trấn (sau đây gọi là UBND
cấp xã); các Sở, ban ngành Thành phố; Các chủ đầu tư; Nhà
thầu thi công phá dỡ, đào đắp; Nhà thầu thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng;
Đơn vị quản lý xử lý phế thải xây dựng; Nhà thầu tư vấn giám sát trong công tác
quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng đảm bảo trật tự,
an toàn và vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:
1. Các chủ đầu tư
xây dựng công trình
a) Trước khi khởi công thi công xây dựng
công trình (kể cả trường hợp có Giấy phép xây dựng và trường hợp được miễn phép
xây dựng), có trách nhiệm gửi Thông báo khởi công đến UBND cấp xã, Đội thanh
tra xây dựng UBND cấp huyện; Ngoài các hồ sơ Thông báo khởi công theo quy định
tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND, phải kèm theo Hợp đồng ký kết
với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển
phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và phải có Bản cam kết bảo vệ môi trường
quy định tại Điểm d Khoản này;
b) Trong Hợp đồng ký kết với các nhà
thầu thi công phá dỡ, thu gom vận chuyển phế thải xây dựng... phải có điều khoản
cụ thể cam kết việc phá dỡ, quản lý xử lý phế thải theo quy định và chế tài đặt
cọc, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP;
Trong Hợp đồng ký kết với nhà thầu tư vấn giám sát phải có điều khoản cụ thể thực
hiện giám sát việc thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định
trong suốt quá trình thi công và điều khoản xử phạt nhà thầu tư vấn giám sát nếu
không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm giám sát nêu trên;
c) Phải tổ chức lập và phê duyệt biện
pháp chi tiết thi công, phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom, vận chuyển, xử lý
phế thải xây dựng đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định. Việc phá
dỡ công trình xây dựng có quy mô lớn (nhà chung cư; nhà trụ sở của các cơ quan,
đơn vị; các cơ sở sản xuất....) phải thực hiện theo Quyết định cho phép phá dỡ
của cơ quan có thẩm quyền; Biện pháp chi tiết thi công, phá dỡ công trình, đào
đắp, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng phải được cơ quan chuyên môn
về xây dựng chuyên ngành xem xét chấp thuận đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường
trước khi chủ đầu tư phê duyệt; Quá trình phá dỡ, thu gom, vận chuyển phế thải
xây dựng phải thực hiện theo đúng biện pháp được duyệt;
d) Phải có Bản cam kết bảo vệ môi trường,
đề xuất khoản tiền phạt để khẳng định tuyệt đối tuân thủ các quy định vệ sinh
môi trường trong công tác phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom, vận chuyển, xử
lý phế thải xây dựng tại UBND cấp xã; Trường hợp phải thay đổi Hợp đồng ký kết
với đơn vị thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng khác thì chủ đầu tư phải gửi
ngay Hợp đồng đến UBND cấp xã và Đội thanh tra xây dựng cấp huyện để kiểm tra;
đ) Chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ khi có nhu
cầu phá dỡ để xây dựng mới hoặc cải tạo công trình cũ, phải thực hiện theo
phương án, giải pháp phá dỡ đảm bảo an toàn đối với công trình, các công trình
liền kề, lân cận, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong
quá trình thi công; Chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc quản lý phá dỡ, thu
gom, vận chuyển và xử lý phế thải xây dựng.
2. Nhà thầu thu gom,
vận chuyển phế thải xây dựng
a) Phải có đủ điều kiện năng lực, tư
cách pháp nhân để thực hiện thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng và phải được
đăng tải năng lực hoạt động xây dựng công khai trên Trang thông tin điện tử của
Sở Xây dựng, đăng tải Giấy phép hoạt động vận chuyển phế thải xây dựng trên
Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;
b) Xe vận chuyển phế thải xây dựng phải
là xe chuyên dùng, đảm bảo kín khít không để rơi phế thải xây dựng trong quá
trình vận chuyển; Xe vận chuyển phế thải xây dựng phải được làm sạch trước khi
tham gia giao thông trên đường phố;
c) Thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký
kết với chủ đầu tư về thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng, đổ đúng nơi quy định.
3. Nhà thầu thi công
phá dỡ, đào đắp
a) Phải có đủ điều kiện năng lực, tư
cách pháp nhân để thực hiện phá dỡ, đào đắp và phải được đăng tải năng lực hoạt
động xây dựng công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng;
b) Lập và trình chủ đầu tư phê duyệt
biện pháp chi tiết thi công phá dỡ, đào đắp xử lý phế thải xây dựng đảm bảo an
toàn và vệ sinh môi trường theo quy định; Tổ chức thi công theo đúng biện pháp
đã được phê duyệt;
c) Trường hợp ký kết Hợp đồng với chủ
đầu tư để thực hiện công tác thu gom vận chuyển phế thải xây dựng thì phải có đủ
các điều kiện được quy định tại Khoản 2 Chỉ thị này.
4. Nhà thầu Tư vấn
giám sát
a) Phải có đủ điều kiện năng lực, tư
cách pháp nhân để thực hiện giám sát thi công phá dỡ, thi công xây dựng công
trình theo quy định và phải có chứng chỉ năng lực và được đăng tải công khai
thông tin trên trang điện tử của Sở Xây dựng;
b) Tuân thủ thực hiện các điều khoản
Hợp đồng giám sát thi công ký kết với chủ đầu tư trong đó có điều khoản thực hiện
giám sát việc thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định được
quy định tại Điểm b Khoản 1 Chỉ thị này;
c) Trường hợp phát hiện các sai phạm
trong quá trình thu gom, vận chuyển phế thải, xử lý phế thải xây dựng, nhà thầu
Tư vấn giám sát có trách nhiệm nhắc nhở lập biên bản hiện trạng, đồng thời
thông báo ngay cho chủ đầu tư, chính quyền cấp xã nơi xây dựng công trình và Đội
thanh tra xây dựng cấp huyện để xử lý vi phạm theo quy định hiện hành pháp luật.
5. Đơn vị quản lý xử
lý phế thải xây dựng
a) Phải có đủ điều kiện năng lực, tư
cách pháp nhân để quản lý xử lý phế thải xây dựng (thu gom, vận chuyển, tái chế
sử dụng phế thải xây dựng...); Báo cáo Sở Xây dựng về các thông tin quản lý xử
lý phế thải xây dựng (địa điểm, quy mô công suất, số điện thoại...) để được
đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng;
b) Khuyến khích các đơn vị quản lý xử
lý phế thải xây dựng đầu tư trang thiết bị, máy móc nghiền phế thải xây dựng để
sản xuất nguyên vật liệu cho san lấp mặt bằng, vật liệu gạch không nung...; Các
cơ sở tái chế phế thải xây dựng phải đảm bảo các quy định của pháp luật về môi
trường, tiếng ồn, phòng cháy chữa cháy...;
c) Phối hợp với Sở Xây dựng, chính
quyền địa phương để thực hiện quy định tại Điểm f Khoản 8 Chỉ thị này.
6. Ủy ban nhân dân cấp
huyện
a) Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng
dẫn các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn nghiêm chỉnh
thực hiện các quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Nghị định số
155/2016/NĐ-CP và Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các quy định cụ thể như: Công tác xin cấp Giấy
phép xây dựng phải có cam kết các điều kiện, yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường
trong quá trình thi công (quy định tại Điểm b Khoản này); Tổ chức thi công phá
dỡ công trình; Các yêu cầu đảm bảo môi trường trong quá trình thi công (các quy
định về: cầu rửa xe; biện pháp thu gom, vận chuyển, địa điểm tập kết phế thải
xây dựng; yêu cầu về phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng); Các hành vi vi
phạm hành chính; Hình thức xử phạt, mức độ xử phạt thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã để đủ sức răn đe
những hành vi vi phạm trong quản lý phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom, vận
chuyển, xử lý phế thải xây dựng;
b) Chỉ đạo phòng Quản lý đô thị, khi
cấp Giấy phép xây dựng phải có chế tài cam kết các điều kiện, yêu cầu đảm bảo vệ
sinh môi trường, trong đó đặc biệt lưu ý chủ đầu tư phải xuất trình được hợp đồng
ký kết với đơn vị có đủ năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế
thải xây dựng đổ đúng nơi quy định;
c) Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi
trường, Đội thanh tra xây dựng, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất
các công trình xây dựng trên địa bàn việc thực hiện các quy định của pháp luật
về Bảo vệ môi trường, đặc biệt lưu ý tuân thủ thực hiện hợp đồng ký kết với đơn
vị có đủ điều kiện năng lực, tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải
xây dựng đổ đúng nơi quy định; Xử phạt các hành vi vi phạm về Bảo vệ môi trường
theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và các quy định của
pháp luật có liên quan; Lập hồ sơ vi phạm và đề xuất ý kiến đối với những trường
hợp vượt quá thẩm quyền trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
7. Ủy ban nhân dân cấp
xã, phường
a) Phổ biến, tuyên truyền cho các chủ
thể tham gia xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ các chủ đầu tư xây dựng công
trình trên địa bàn được biết và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về
đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng; Quy định
bắt buộc với chủ đầu tư công trình nhà ở riêng lẻ khi phá dỡ để xây dựng mới hoặc
cải tạo công trình phải ký hợp đồng với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, tư
cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định;
b) Tiếp nhận hồ sơ Thông báo khởi
công của chủ đầu tư được quy định tại Điểm a Khoản 1 và Hợp đồng thay đổi đơn vị
thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng quy định tại Điểm d Khoản 1 Chỉ thị này;
c) Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện
của chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan trong việc phá dỡ, thu gom, vận chuyển,
xử lý phế thải xây dựng; Xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác Bảo vệ môi
trường theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và các quy
định của pháp luật có liên quan; Lập hồ sơ vi phạm và đề xuất ý kiến đối với những
trường hợp vượt quá thẩm quyền trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
d) Khi phát hiện có hành vi đổ trộm
phế thải xây dựng không đúng nơi quy định tại địa bàn do mình quản lý, UBND cấp
xã thực hiện xử phạt đơn vị vi phạm theo quy định tại Điểm c Khoản này và kịp
thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo, có biện pháp ngăn chặn không để tái diễn
hành vi đổ trộm phế thải xây dựng trên địa bàn; UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm
nếu để tái diễn hành vi đổ trộm phế thải xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.
8. Sở Xây dựng
a) Tổ chức tập huấn và phối hợp tập
huấn, hướng dẫn cho UBND cấp huyện về Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND;
b) Khi cấp Giấy phép xây dựng phải có
chế tài cam kết các điều kiện, yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó đặc
biệt lưu ý chủ đầu tư phải xuất trình được hợp đồng ký kết với đơn vị có đủ
năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng
nơi quy định;
c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng, các
phòng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, Đội thanh tra cấp huyện
tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các công trình xây dựng chuyên
ngành do Sở quản lý; Xử lý các hành vi vi phạm về công tác phá dỡ, thu gom, vận
chuyển và xử lý phế thải xây dựng trong quá trình xây dựng
theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ Quy
định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai
thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật,
quản lý phát triển nhà và công sở và các quy định của pháp luật có liên quan;
d) Tiếp nhận và đăng tải thông tin
năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu thực hiện công tác phá dỡ công
trình xây dựng; Nhà thầu thu gom vận chuyển phế thải xây dựng; Các đơn vị quản
lý xử lý phế thải xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Sở để các tổ chức
cá nhân cập nhật, lựa chọn;
đ) Xem xét chấp thuận biện pháp chi
tiết thi công, phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom vận chuyển, xử lý phế thải
xây dựng của chủ đầu tư được quy định tại Điểm c Khoản 1 Chỉ thị này;
e) Nghiên cứu đề xuất các điểm tập kết,
trung chuyển và bãi đỗ phế thải xây dựng; Lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực để
giao quản lý và xử lý tái chế phế thải xây dựng; Công khai thông tin bãi đổ phế
thải xây dựng, bãi tập kết phế thải xây dựng của Thành phố (về: địa điểm, vị
trí; điện thoại liên hệ.....)
f) Đối với các dự án có khối lượng
phá dỡ lớn, phối hợp với chính quyền địa phương đơn vị xử lý phế thải xây dựng
nghiên cứu phương án để đặt tạm thời máy móc thiết bị xử lý phế thải xây dựng
nhằm tận dụng tái chế làm vật liệu san nền công trình....., báo cáo UBND Thành
phố xem xét chấp thuận.
9. Công an Thành phố
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát;
Phát hiện và xủ lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân được quy định tại Điều 49
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP; Giữ phương tiện vận chuyển hoặc tịch thu phương tiện
vận chuyển trong trường hợp nhiều lần cố tình vi phạm các quy định về Bảo vệ
môi trường.
10. Sở Giao thông vận
tải
a) Chỉ cấp giấy phép hoạt động cho
các nhà thầu vận chuyển và phương tiện vận chuyển có đủ năng lực theo quy định
tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Chỉ thị này và các quy định của pháp luật có liên
quan; Đăng tải Giấy phép hoạt động cho các nhà thầu thu gom, vận chuyển phế thải
xây dựng công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở để các tổ chức, cá nhân
được biết và lựa chọn;
b) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với loại công trình xây dựng chuyên
ngành do Sở quản lý; Áp dụng hình thức xử phạt cao nhất đối với các phương tiện
thu gom vận chuyển phế thải xây dựng không đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ phế
thải xây dựng không đúng nơi quy định, không đúng theo Hợp đồng vận chuyển phế
thải xây dựng đã ký kết; Ngoài các hình thức phạt tiền, người điều khiển phương
tiện có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (buộc khôi phục
lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm của mình gây ra, tước quyền
sử dụng Giấy phép lái xe, thu giữ phương tiện vận chuyển theo quy định hiện
hành của pháp luật).
11. Sở Tài nguyên
và Môi trường
a) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND cấp
huyện, các Sở, ban, ngành, các tổ chức cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, trong đó lưu ý các chế
tài quản lý phá dỡ công trình, quản lý xử lý phế thải xây dựng, như: hành vi vi
phạm hành chính; hình thức xử phạt; mức độ xử phạt; thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã...;
b) Tăng cường công tác thẩm định việc
thực hiện các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường và phê duyệt báo cáo
đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án
đầu tư xây dựng công trình;
c) Chỉ đạo Thanh tra Môi trường phối
hợp với Cảnh sát môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và có hình thức xử
phạt thật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số
155/2016/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan; Công bố công khai
trên trang thông tin điện tử của Sở về các tổ chức cá nhân vi phạm; Lập hồ sơ
vi phạm và đề xuất ý kiến đối với những trường hợp vượt
quá thẩm quyền trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân
chủ động thực hiện trách nhiệm đã được pháp luật quy định và được nêu trong Chỉ
thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền
giải quyết, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đề xuất, gửi Sở
Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Bí thư Thành ủy (Để báo cáo);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP; (Để báo cáo)
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP, các phòng CVNC TH;
- Báo Hà Nội Mới, Kinh tế Đô thị, Cổng TTĐTHN, Đài PTTHHN;
- Lưu: VT, ĐT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Hùng
|