ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 07/2009/CT-UBND
|
Vũng Tàu, ngày 24 tháng 02 năm 2009
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng là trách nhiệm chung của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và
người tiêu dùng. Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 1999; Chính phủ cũng đã ban
hành Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 qui định chi tiết thi hành pháp
lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay thế cho Nghị định số
69/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/10/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp
lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số
06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm
vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra
nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng điển hình như: sữa có chứa melamin,
nhà chung cư kém chất lượng được bán vòng vèo với giá cả bất hợp lý, xăng pha aceton hoặc được bán với các thiết bị đo đếm không chính
xác; dược phẩm lưu hành trong khi chưa có giấy phép sản
xuất hoặc hết hạn sử dụng, nước tương có chứa hàm lượng quá mức cho phép của
chất 3-MCPD, bánh phở và giò có chứa hàn the, hải sản được bảo quản bằng phân
lân,... và trên thực tế hiện nay, sự vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ở nước
ta nói chung, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng vẫn diễn ra hàng
ngày khá phổ biến. Tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ của nhiều
doanh nghiệp và nhà sản xuất, những thủ đoạn và hành vi gian lận thương mại
tinh vi cũng như sự tồn tại, lưu thông trên thị trường của nhiều loại hàng hoá
kém chất lượng đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng
đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, an sinh xã hội,
gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, về
lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống dân tộc.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân,
trong đó nguyên nhân cơ bản, quan trọng là không ít các
doanh nghiệp, người sản xuất đã vì lợi nhuận, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của
người tiêu dùng kinh doanh, làm ăn không chân chính; trình độ nhận thức của
nhiều người tiêu dùng còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp
giữa các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa
được quan tâm đúng mức và còn nhiều yếu kém.
Để triển khai
thực hiện các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa
bàn địa phương có hiệu quả, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:
1. Sở Công Thương:
a. Nghiên cứu bố trí cán bộ, công
chức hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phòng chuyên môn của Sở Công thương làm công tác
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo phù hợp, hoàn thành tốt chức năng,
nhiệm vụ của Sở Công thương.
b. Chủ trì, phối
hợp với Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật Tỉnh, Sở
Thông tin và Truyền thông, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình
Tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn Tỉnh hàng năm để nâng
cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn
Tỉnh.
c. Nghiên cứu xây dựng, hình thành
quỹ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2011, trong
đó một phần từ nguồn ngân sách nhà nước và chủ yếu từ tiền phạt vi phạm quyền
lợi người tiêu dùng, phí giải quyết tranh chấp, sự đóng góp của người tiêu
dùng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để chi cho công
tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (khen thưởng cho doanh nghiệp, cá nhân có
thành tích trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng, hỗ trợ án phí cho các vụ khởi kiện tập thể đối với
các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và các công tác khác có liên quan
trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
d. Tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh:
- Phát động và duy trì thường xuyên
phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hàng năm.
- Triển khai thực hiện chức năng quản
lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu theo quy định tại Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 qui định chi
tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định có
liên quan một cách kịp thời, hiệu quả;
- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung
ương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Quyết định việc giao thực hiện hoạt
động gắn với nhiệm vụ của nhà nước cho Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Tổ chức giải quyết và hòa giải
khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng và chỉ đạo triển khai
chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành
pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn
Tỉnh;
e. Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm
vụ của Sở Công thương và triển khai thực hiện tốt chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên
môn nghiệp vụ của Bộ Công thương.
f. Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh trong
công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
theo quy định của pháp luật.
g. Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành nghiên cứu tham mưu UBND Tỉnh có văn bản cụ thể để kiến nghị với các Bộ,
ngành Trung ương có văn bản liên tịch hướng dẫn, phân công, phối hợp thực hiện
chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh
vực có liên quan trong tháng 6 năm 2009.
h. Chủ trì, phối
hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất xây dựng quy
định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng đến phát triển tâm, sinh lý, trí
tuệ, sức khỏe của nhóm đối tượng cần kiểm soát (như: không bán rượu, thuốc lá,
đồ chơi có tính kích động bạo lực, trái thuần phong mỹ tục cho vị thành niên,
trẻ em...).
i. Đề xuất khen
thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng trên địa bàn Tỉnh theo quy định.
2. Sở Y tế:
a. Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm
vụ của Sở Y tế và triển khai thực hiện tốt chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn
nghiệp vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Y tế, trong đó chú trọng bố
trí nhân lực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến tuyến xã. Thực hiện các biện
pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực
phẩm theo quy định.
b. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp
luật Tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh
- Truyền hình Tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh xây dựng
chương trình, phổ biến kiến thức và thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm đến các
nhóm đối tượng; lồng ghép nội dung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu
chuẩn công nhận làng văn hoá, gia đình văn hoá; báo cáo UBND Tỉnh kết quả thực hiện 6 tháng, hàng năm.
c. Tham mưu UBND
Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng trong lĩnh vực y tế.
d. Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du
lịch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn
thiện các quy định về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn
tập thể, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ,
cảng, trường học, khu công nghiệp; báo cáo kết quả thực hiện về UBND Tỉnh trong tháng 5 năm 2009.
e. Rà soát, kiện toàn và nâng cao
hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực
phẩm từ cấp Tỉnh đến cấp xã. Hàng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức
thực hiện và giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch của các cấp, các
ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh.
g. Chủ động, tích cực triển khai công
tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc trách nhiệm của ngành mình; đồng thời, phối hợp với Sở Công thương trong công tác kiểm tra,
kiểm soát chất phụ gia cấm được sử dụng trong chế biến
thực phẩm, dược liệu, tân dược, trang thiết bị, dụng cụ y tế các loại mỹ phẩm, chất lượng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến
công nghiệp gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hàng hóa không đảm bảo chất
lượng.
3. Sở Giao thông - Vận tải:
a. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng), Công an Tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, thanh tra chất
lượng các phương tiện vận tải đường bộ đang lưu hành; chủ trì, phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Công an Tỉnh, UBND các địa phương liên quan
kiểm tra, thanh tra chất lượng các phương tiện đường thủy
đang lưu hành, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển hành khách và chỉ cho
phép các phương tiện vận tải đạt tiêu chuẩn theo quy định mới được phép lưu
hành.
b. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Sở Công thương (Chi cục
Quản lý thị trường) kiểm tra các phương tiện, trang thiết bị vận tải đường bộ,
đường thủy chưa lưu hành (bày bán tại các cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán phương
tiện, trang thiết bị) để người tiêu dùng mua để sử dụng an toàn.
Việc kiểm tra, thanh tra các phương tiện,
trang thiết bị nêu trên phải được xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện
hàng năm.
c. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công
thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc niêm yết và
bán theo giá niêm yết cước phí vận chuyển hành khách, hàng hoá theo kế hoạch
chung của Tỉnh.
4. Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch:
a. Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương và các cơ quan có liên quan có kế hoạch quản lý, kiểm tra các hoạt động thông tin, quảng cáo về hàng hóa, văn hóa phẩm và các
dịch vụ trong ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng năm.
b. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công
thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết
dịch vụ du lịch, ngăn chặn có hiệu quả việc tăng giá bất hợp lý đối với du
khách.
c. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ
quan liên quan kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du
lịch, các khách sạn, nhà hàng.
d. Chủ trì, phối hợp với Công an Tỉnh
kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu, điểm du lịch, các khách
sạn, nhà hàng, nhất là các điểm du lịch sinh thái bên cạnh và trong rừng.
e. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển của Tỉnh tổ chức đào tạo các
khoá đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cứu nạn bờ biển và có kế hoạch thường xuyên
kiểm tra công tác cứu hộ bờ biển tại các khu, điểm du lịch
để đảm bảo an toàn cho du khách.
f. Phối hợp với Sở Khoa học và Công
nghệ, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai đề án khắc phục ao
xoáy tại các bãi tắm.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
a. Rà soát để xây dựng, hoàn thiện
các quy hoạch, vùng sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm,
chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường, báo cáo UBND Tỉnh trong năm 2009.
b. Chủ trì, phối hợp với UBND các địa
phương trong tỉnh và Công an Tỉnh, Sở Y tế xây dựng và triển
khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng hàng năm; làm tốt
công tác kiểm dịch động vật, thực vật để ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh trên vật
nuôi, cây trồng.
c. Chủ trì, phối hợp với Sở Công
thương và các cơ quan liên quan có kế hoạch thường xuyên kiểm tra chất lượng
phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây, giống con, các sản
phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi, thức ăn gia súc. Đồng thời chủ
trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra chất lượng các chủng loại
động, thực vật, thủy sản, hải sản, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y thủy
sản, ngư lưới và dịch vụ đánh cá.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
a. Hàng năm, xây dựng và triển khai
kế hoạch quản lý, kiểm tra chất lượng, giá cả các dịch vụ bưu chính và chuyển
phát, viễn thông và internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện; hoạt
động báo chí, xuất bản theo quy định.
b. Phối hợp với Sở Công thương, Sở Tư
pháp, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
c. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc xây dựng,
hoàn chỉnh các quy định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng đến sự phát
triển trí tuệ, tâm lý, sức khỏe của nhóm đối tượng cần kiểm soát hoặc hạn chế
(như: sản phẩm văn hóa trái với thuần phong mỹ tục cho vị thành niên, trẻ em sử
dụng dịch vụ internet, game ở nơi công cộng sau 21
giờ,...).
7. Sở Khoa học và Công nghệ:
a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
nghiên cứu khoa học xây dựng, hoàn thiện đề án khắc phục hiện tượng ao xoáy tai khu
vực bờ biển, tại các bãi tắm trên địa bàn Tỉnh.
b. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động khoa học, công
nghệ, sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
c. Phối hợp với Sở Công thương, Sở
Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra
tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
8. Sở Xây dựng:
a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý, kiểm
tra, thanh tra trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và xây dựng dân dụng.
b. Phối hợp với Sở Công thương, Sở
Tài chính trong việc kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng trên để đảm bảo chất
lượng công trình; kiểm tra niêm yết, bán theo giá niêm yết và việc chống đầu
cơ, găm hàng để tăng giá mặt hàng vật liệu xây dựng bất
hợp lý.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Báo Bà Rịa Vũng Tàu: phối hợp với Sở Công thương, Sở Tư pháp và các Sở, ngành
liên quan để thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến bảo vệ quyền lợi của
người tiêu dùng, dành thời lượng phát sóng thích hợp để tuyên truyền và đưa tin
liên quan đến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với các hình thức đa dạng, phong
phú như: thông tin về quy định của pháp luật, việc xử lý các hành vi vi phạm
của các lực lượng chức năng, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích
trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các “điểm đen” vi phạm quyền
lợi người tiêu dùng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng,... tạo dư luận xã hội lên án, phê phán các hành vi vi phạm
quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, biểu dương các doanh nghiệp, nhà sản xuất
làm ăn chân chính, tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân có
thành tích trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố:
a. Xây dựng kế hoạch và triển khai
công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi
của người tiêu dùng đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa
bàn.
b. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành
pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có kế hoạch đấu tranh chống
buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm tra việc
niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn; phòng cháy, chữa cháy tại
các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú du lịch; phối hợp kiểm tra vệ sinh
an toàn thực phẩm; kiểm dịch động, thực vật.
c. Khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động của các chi hội bảo vệ người tiêu dùng;
các trung tâm tư vấn cho người tiêu dùng ở các huyện, thị xã, thành phố để tư
vấn cho người dân và tổ chức tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người
tiêu dùng trên địa bàn.
11. Đề nghị Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Vũng Tàu, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội doanh nghiệp
nhỏ và vừa, Hiệp hội Xuất khẩu, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Cựu chiến binh, Hội
Doanh nhân Trẻ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
a. Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở
các doanh nghiệp, nhà sản xuất, các hợp tác xã là thành viên, hội viên giữ gìn
đạo đức kinh doanh, làm ăn chân chính, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của
pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững, không vì
lợi nhuận trước mắt mà vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, vi phạm các quy
định của nhà nước.
b. Phối hợp với các cơ quan chức năng
để tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển
khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Nghị định số
55/2008/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản pháp luật liên quan và
nội dung Chỉ thị này đến các doanh nghiệp, thành viên, hội viên của tổ chức
mình biết và thực hiện.
12. Đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
a. Tăng cường xây dựng và củng cố tổ
chức Hội, nhất là việc khẩn trương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành
phố trực thuộc Tỉnh xây dựng các chi hội. Nghiên cứu thành lập các trung tâm tư
vấn người tiêu dùng trên địa bàn các địa phương trong
Tỉnh. Trước mắt, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tỉnh xúc tiến việc xây
dựng thí điểm một trung tâm tư vấn người tiêu dùng vào năm 2010 và đánh giá,
rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa bàn khác.
b. Khẩn trương có kế hoạch triển khai
thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội theo Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24
tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng.
c. Chuẩn bị để thực hiện hoạt động
gắn với nhiệm vụ của nhà nước do UBND Tỉnh giao cho Hội
Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng.
13. Công an Tỉnh:
Phối hợp với Sở
Công thương và các cơ quan liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng;
theo dõi, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp
luật đối với các hành vi tung tin đồn thất thiệt gây rối loạn thị trường để
trục lợi.
14. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân
Tỉnh, Toà án nhân dân Tỉnh:
a. Nghiên cứu kiến nghị các cơ quan
Tư pháp Trung ương đơn giản hoá các thủ tục khởi kiện (bao gồm cả khởi kiện tập
thể), tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng thực hiện quyền tự bảo vệ
quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
b. Tiến hành các thủ tục tố tụng để
giải quyết tranh chấp giữa người sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ và
người tiêu dùng mệt cách kịp thời và áp dụng các chế tài dân sự, hành chính, hình sự nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và chế
tài hình sự về các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng như: tội buôn bán hàng
giả, tội lừa dối khách hàng, tội quảng cáo gian dối, tội
vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tội khác có liên quan.
15. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức và
cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp kịp thời theo yêu cầu của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân được yêu cầu phối hợp nếu không thực hiện
hoặc chậm trễ thực hiện yêu cầu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp
luật.
16. Biện pháp thực hiện và chế
độ báo cáo:
a. Giao các Sở, ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố giao nhiệm vụ cho cán bộ, đơn vị
trực thuộc cơ quan làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
b. Giao các Sở, ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này;
báo cáo tình hình thực hiện về UBND Tỉnh, đồng gửi Sở Công thương theo định kỳ
6 tháng, năm.
c. Quá trình thực hiện chức năng,
nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phát hiện các doanh nghiệp, cơ sở, tổ
chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng phải thông báo công khai cho
nhân dân biết; đồng gửi Sở Công thương. Trên cơ sở thông báo của các cơ quan,
địa phương, Sở Công thương tập hợp danh sách các “điểm đen” vi phạm quyền lợi
người tiêu dùng và phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh, Báo Bà Rịa -
Vũng Tàu đưa tin để người tiêu dùng trên địa bàn Tỉnh biết; đồng thời, xem xét đề xuất ban hành các quy định có liên quan về bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng.
d. Giao Sở Công thương:
- Chủ trì, phối hợp với Ban Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công
thương, các cơ quan liên quan có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng công tác bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng cho các lực lượng chức năng của Tỉnh.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp
giữa các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Tỉnh trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trình UBND Tỉnh trong quý III năm 2010.
- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện
Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo, đề xuất chỉ đạo giải quyết
các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về UBND Tỉnh, Bộ Công thương
theo định kỳ 6 tháng, năm.
17. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị
phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân Tỉnh để xem xét chỉ
đạo giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn
bản);
- Bộ Công Thương (Vụ pháp chế);
- T.Tr. Tỉnh ủy, HĐND
Tỉnh;
- Các ủy viên UBND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh, các
đoàn thể;
- Các Sở, ngành;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh;
- Toà án nhân dân Tỉnh;
- Hội Bảo vệ quyền lợi Người
tiêu dùng Tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Công báo tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Báo Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Lưu VT-V1.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Văn Niên
|