Chỉ thị 07/2008/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách để góp phần giảm lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2008 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 07/2008/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/03/2008 |
Ngày có hiệu lực | 07/04/2008 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Hoàng Quân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2008/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 03 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ GÓP PHẦN GIẢM LẠM PHÁT, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ VÀ PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2008
Thực hiện Chỉ thị số 32/2007/CT-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2008, Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2008; trong quý I/2008, với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; thành phố tiếp tục duy trì ổn định chính trị, bảo đảm giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội; giảm thấp tai nạn giao thông; kiềm chế giá cả trong thời kỳ trước, trong và sau Tết nguyên đán.
Tuy nhiên, thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách; chỉ số giá cả tăng, giá các loại vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất đang biến động mạnh và có những diễn biến phức tạp, tốc độ lạm phát đang ở mức cao… đã tác động lớn đến sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân thành phố. Trong tình hình đó, đòi hỏi lãnh đạo các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân thành phố nhận thức sâu sắc những thuận lợi, khó khăn của thành phố và đất nước để chia sẽ, cộng đồng trách nhiệm; phải thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2008, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng, chăm lo tốt đời sống nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các giải pháp cấp bách được nêu tại Nghị quyết hội nghị thường kỳ quý I/2008 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc thành phố khẩn trương thực hiện những nội dung sau:
1. Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thành phố quý I/2008, Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc thành phố tổ chức rà soát các chỉ tiêu chủ yếu, phân tích đánh giá những mặt làm được, những khó khăn tông tại, nguyên nhân; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể hàng quý, hàng tháng, tập trung chỉ đạo điều hành, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2008 đã được các Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố xác định; đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
2. Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc thành phố phải gắn việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước với việc thực hiện triệt để Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành quản lý ngân sách phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng dự toán ngân sách được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chỉ tiêu đã qui định.
2.1- Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện và các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc thành phố tập trung quản lý điều hành có hiệu quả ngân sách thành phố năm 2008; xác định các giải pháp khai thác nguồn thu; quản lý tập trung các nguồn thu vào ngân sách, thu đúng, thu đủ, chống thất thu; phấn đấu thu ngân sách năm 2008 phải đạt và vượt tối thiếu 5% so với dự toán được Ủy ban nhân dân thành phố giao cho các địa phương, đơn vị tại Quyết định 137/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2007.
2.2- Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà nước phải tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên; hạn chế chi tạm ứng; phối hợp với Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm soát chi, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp chi không đúng quy định; đối với các khoản chi hội nghị, lễ hội, phải theo đúng chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố và chi đúng chế độ quy định. Phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi đã được bố trí cho năm 2008 theo chỉ đạo của Chính phủ.
2.3- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính, công tác tự kiểm tra nội bộ đối với từng đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện công khai đầy đủ mọi khoản kinh phí ngân sách và có tính chất ngân sách. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách.
3. Triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm điếu phối nguồn vốn có hiệu quả, thực hành tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách:
3.1- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổ chức rà soát tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước; đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phương án điều chỉnh vốn đầu tư, đảm bảo tính hiệu quả cao trong sử dụng vốn ngân sách. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, các chương trình và công trình mang tính đòn bẫy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII; dự án xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, phát triển giao thông, xử lý môi trường… Kiên quyết tạm ngưng cấp vốn đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư nhưng chưa mang tính cấp thiết; điều chuyển vốn của các công trình, dự án không có khả năng triển khai cho các công trình, dự án quan trọng, đủ điều kiện thực hiện nhưng còn khó khăn về nguồn vốn.
3.2- Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà nước, người đứng đầu các đơn vị làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách có trách nhiệm tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư xây dựng cơ bản, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tình hình, tiến độ, chất lượng thực hiện dự án tại các ngành, các cấp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, bổ sung các giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
3.3- Ban Quản lý các dự án đầu tư tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập trung đôn đốc nhà thầu thi công tăng cường năng lực, phương tiện, điều kiện thi công, tổ chức lao động khoa học hợp lý, liên tục, kể cả tổ chức thi công 3 ca, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và mỹ quan đô thị; nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.
3.4- Định kỳ hàng tháng, giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp tổ chức giao ban đầu tư xây dựng cơ bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước theo dõi, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện việc điều chỉnh chính xác giá vật tư, nguyên liệu, không để ách tắc, gây chậm trễ trong thi công, tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; đồng thời ngăn ngừa thất thoát.
4. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, kể cả các doanh nghiệp Trung ương quản lý có trách nhiệm:
4.1- Rà soát lại các chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị mình về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, chăm lo cho người lao động... để xây dựng các biện pháp cấp bách thực hiện đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu năm 2008.
4.2- Đề ra các biện pháp nhằm cải tiến công nghệ, đổi mới thiết bị, tổ chức sử dụng lao động khoa học, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ đảm bảo cung cấp hàng hóa dồi dào, phục vụ tốt nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thành phố; kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả gia tăng; tuyệt đối không lợi dụng tình hình giá cả tăng để đầu cơ, nâng giá bất hợp lý; phấn đấu giảm giá từ 5% - 10% so với thị trường, góp phần bình ổn giá, phục vụ đời sống nhân dân.
4.3- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/2007/CT-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện; phấn đấu tiết kiệm ít nhất 10% mức tiêu thụ điện của cơ quan, đơn vị; cắt giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng công cộng tại các tuyến đường phố, khu vực công cộng, công viên; điều chỉnh hợp lý thời gian bật, tắt đèn chiếu sáng công cộng, đảm bảo vừa thực hành tiết kiệm vừa không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của thành phố.
5. Tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối và cung ứng kịp thời các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, các loại vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất và đời sống, chống hàng gian, hàng giả, đầu cơ trục lợi.
6. Từ nay đến cuối năm, Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc thành phố phải tập trung công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; hạn chế tối đa việc tổ chức các hoạt động lễ hội và đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; trong trường hợp cần thiết phải báo cáo xin ý kiến và được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành phố phát động trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua Ái Quốc (11/6/1948 - 11/6/2008); tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, chung sức chung lòng, hăng hái thi đua trong học tập, lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt và tiêu dùng, sẳn sàng vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng thành phố hoàn thành các mục tiêu cơ bản và nhiệm vụ chủ yếu năm 2008; góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, giữ vững tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc các Tổng Công ty trực thuộc thành phố căn cứ Chỉ thị này, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, quy định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và phân công người có trách nhiệm từng phần việc; hàng tháng, quý có kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo theo quy định, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2008, là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |