Chỉ thị 06/CT-BGTVT năm 2012 tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 06/CT-BGTVT |
Ngày ban hành | 28/06/2012 |
Ngày có hiệu lực | 28/06/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Lê Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2012 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong ngành Giao thông vận tải đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tác hại của đại dịch HIV/AIDS đến sự phát triển bền vững của ngành Giao thông vận tải và xã hội, việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa được quan tâm đúng mức.
Để tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận số 27-TB/TW ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới" và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:
1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp.
Các đơn vị trong ngành kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại đơn vị. Ban Chỉ đạo tại đơn vị do thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban, Chủ tịch công đoàn đơn vị là phó Trưởng ban, trưởng bộ phận y tế là phó trưởng ban thường trực.
Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại đơn vị có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hoạt động phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm hàng năm trình Thủ trưởng đơn vị phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.
Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân viên, học sinh trong ngành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chú trọng truyền thông ở vùng sâu, vùng xa, các dự án xây dựng công trình giao thông trọng điểm; tập trung giáo dục cho thanh niên, học sinh, sinh viên nhằm mục đích dự phòng sớm.
Các trường đại học, cao đẳng, trung học, trường dạy nghề trong ngành Giao thông vận tải tổ chức giảng dạy cho sinh viên, học sinh về phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép với giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác theo chương trình giảng dạy đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vi thực hiện tốt "Hướng dẫn triển khai thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc” ban hành kèm theo Quyết định số 4744/QĐ-BYT ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Bộ Y tế.
Hàng năm, các đơn vị phải tổ chức phổ biến, tuyên truyền cho người lao động học sinh, sinh viên kiến thức, biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Hàng năm chủ động bố trí, sử dụng một phần kinh phí của đơn vị để tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân của đơn vị đặc biệt là lực lượng lao động di biến động, lực lượng tham gia các công trình giao thông trọng điểm.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các đơn vị thi công phải thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe và công tác phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tham gia xây dựng các công trình, dự án giao thông.
4. Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Bộ Giao thông vận tải:
Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện Chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 và Kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2020 trong ngành Giao thông vận tải.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW tại các đơn vị trong toàn ngành.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của ngành Giao thông vận tải.
5. Các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành:
Đổi mới phương thức truyền thông, đẩy mạnh cung cấp thông tin về phòng chống HIV/AIDS đến cộng đồng, công nhân, học sinh, sinh viên trong ngành đặc biệt là nhóm lao động di biến động, các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, các công trình, dự án giao thông trọng điểm.
6. Cục Y tế Giao thông vận tải:
a) Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống lây nhiễm HIV trong các dịch vụ y tế và phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
b) Xây dựng Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2012-2020 trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong quý III năm 2012.
c) Xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt các dự án chăm sóc sức khỏe và phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân ngành Giao thông vận tải tham gia xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Tổ chức thực hiện các dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Nghị định số 69/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị trong ngành.
e) Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải.