Chỉ thị 06/2011/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu | 06/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 01/03/2011 |
Ngày có hiệu lực | 11/03/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Lê Minh Hoan |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính |
UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2011/CT-UBND |
Thành phố Cao Lãnh, ngày 01 tháng 3 năm 2011 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
Thực hiện Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định như: công tác quản lý đất đã giao, cho thuê và quỹ đất chưa giao sử dụng (hay còn gọi là quỹ đất công); kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số huyện, thị, thành phố, nhất là chính quyền cấp xã chưa được tăng cường đúng mức, có mặt thiếu chặt chẽ.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và thực hiện tốt pháp luật về đất đai, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật về đất đai.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành liên liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với luật đất đai và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đất đai năm 2003.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai phù hợp với từng đối tượng; bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý đất đai trong ngành trước hết đối với cán bộ quản lý đất đai cấp huyện và cấp xã.
- Sở Tư pháp và các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phê phán những việc làm chưa tốt, công khai những hành vi vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng chức quyền tham nhũng trong quản lý đất đai hoặc nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
3. Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân các cấp khi lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải chú ý tính hợp lý về sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa sang làm mặt bằng sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở những nơi có điều kiện sử dụng các loại đất khác. Đối với những nơi cần thiết phải chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, khắc phục tình trạng thu hồi đất nhưng không sử dụng.
- Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; xử lý dứt điểm tình trạng “Dự án treo”; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đảm bảo các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt theo tinh thần công văn số 81/UBND-NN.PTNT ngày 11/8/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
5. Quản lý và xây dựng quy định giá đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh để thiết lập hệ thống lưu trữ và truyền tải dữ liệu số về khu vực, vị trí, diện tích, mục đích sử dụng đất và kết quả bán đấu giá quyền sử dụng đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với khu đất đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng, làm cơ sở phục vụ công tác xây dựng bảng giá đất hàng năm và công tác định giá đất cho từng mục đích cụ thể đảm bảo phù hợp với giá thực tế của thị trường.
6. Đẩy mạnh công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; tập trung giải quyết dứt điểm và kịp thời các đơn, thư tồn đọng trên lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, nhằm hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết đơn thư; tăng cường tổ chức đối thoại với người khiếu nại.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân cấp xã trực thuộc: thường xuyên kiểm tra hiện trạng các khu đất do các tổ chức quản lý, sử dụng đất có dấu hiệu bị lấn, chiếm, xác định vị trí, ranh giới mốc giới đúng theo hồ sơ giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đã được xác lập, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết theo quy định.
+ Phối hợp với các tổ chức quản lý, sử dụng trên địa bàn mình quản lý cắm mốc ranh giới cố định, rõ ràng theo bản trích lục hoặc trích đo địa chính khu đất đã được xác lập trong quá trình thực hiện kiểm kê đất tổ chức theo Chỉ thị số 31/2007/CT-Ttg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ (bằng trụ đá hoặc bêtông) để việc quản lý, sử dụng đất tốt hơn tránh tình trạng bị lấn, chiếm, bao chiếm.
+ Về quản lý đất công ích 5% và quỹ đất nông nghiệp của xã, phường, thị trấn: chỉ đạo tổ chức đo đạc xác định diện tích cụ thể từng khu đất, cắm ranh giới, mốc giới chi tiết từng khu vực đất công để có hướng quản lý chặt chẽ, tránh hiện tượng dân tự ý chiếm dụng, hạn chế xảy ra tình trạng khiếu kiện.
Việc giao đất hoặc cho thuê quỹ đất phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo tính pháp lý về điều kiện đất thuộc trường hợp đưa ra đấu giá hoặc không thuộc trường hợp đưa ra đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm tổ chức tự kiểm tra, thanh tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về đất đai; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là các hành vi lợi dụng chức quyền chia chác đất đai, trục lợi thông qua việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng hoặc cán bộ tài nguyên và môi trường nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân.
Nghiêm cấm trường hợp các tổ chức được Nhà nước cho thuê đất hoặc được giao đất không thu tiền sử dụng đất nhưng liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất khi chưa được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền. Nếu tổ chức nào đã để xảy những việc này, phải tổ chức thanh lý hợp đồng hoặc báo cáo trình cấp thẩm quyền có ý kiến chỉ đạo. Trường hợp không thực hiện thanh lý hoặc không báo cáo cấp thẩm quyền, nếu bị phát hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ xử lý nghiêm những sai phạm.
8. Kiên quyết thu hồi đất do vi phạm luật đất đai.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố kiểm tra tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 134/CT-Ttg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất.