Chỉ thị 06/2006/CT-UBND tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
Số hiệu | 06/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/06/2006 |
Ngày có hiệu lực | 29/06/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tuyên Quang |
Người ký | Lê Thị Quang |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/CT-UBND |
Tuyên Quang, ngày 19 tháng 6 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Trong những năm qua, công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã có chuyển biến tích cực, chất lượng soạn thảo, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao, kịp thời phát hiện và đề nghị xử lý đối với những văn bản trái pháp luật. Hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, góp phần bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phục vụ hoạt động điều hành và quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật còn có những hạn chế như: Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá nghị quyết của cấp uỷ còn chậm; trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chưa thống nhất; sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo văn bản, cơ quan tham gia ý kiến, cơ quan thẩm định văn bản chưa chặt chẽ; trình độ chuyên môn và cán bộ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát vãn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, việc niêm yết, đưa tin, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động rà soát, tự kiểm tra văn bản ở các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên; việc xử lý văn bản trái pháp luật còn chậm.
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
a) Thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
b) Kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá nghị quyết của cấp uỷ các cấp;
c) Thủ trưởng các cơ quan được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật:
- Chịu trách nhiệm chủ trì việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm chất lượng nội dung, tiến độ, trình tự, thủ tục soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định;
- Trong quá trình soạn thảo, phải phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan đơn vị có liên quan lấy ý kiến tham gia của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhất là đối với những dự thảo liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân và doanh nghiệp;
d) Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh có trách nhiệm thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản được ban hành dưới các hình thức khác như: Công văn, thông báo, công điện... có tính chất áp dụng chung, có chứa đựng quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, văn bản do Sở, ngành mình ban hành để kịp thời phát hiện và xử lý, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ) những văn bản không còn phù hợp theo quy định của pháp luật gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh;
đ) Bố trí cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ, để trực tiếp tham mưu và tổ chức thực hiện công tác xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
2. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:
- Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh hàng năm để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định;
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành thực hiện đúng chương trình, kế hoạch và trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tổ chức thẩm định kịp thời, đúng pháp luật đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Sở, ban, ngành, các cơ quan soạn thảo trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua;
b) Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP và văn bản được ban hành dưới các hình thức khác nhưng nội dung có chứa quy phạm pháp luật; thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, kịp thời đề nghị sửa đổi bổ sung, thay thế bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương;
c) Bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm làm công tác xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hàng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, cán bộ công chức chuyên trách làm công tác xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành; thực hiện việc đăng báo các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định tại Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
5. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
a) Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan mình ban hành;
b) Tăng cường công tác tự kiểm tra văn bản và kiểm tra theo thẩm quyền để kịp thời xử lý những văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp;
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Tư pháp để tổng hợp.
Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |