Chỉ thị 06/2004/CT-UB về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về kinh tế tập thể do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 06/2004/CT-UB
Ngày ban hành 26/03/2004
Ngày có hiệu lực 26/03/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Bá Nhiên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2004/CT-UB

Lạng Sơn, ngày 26 tháng 3 năm 2004.

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHOÁ IX) VỀ KINH TẾ TẬP THỂ

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về kinh tế tập thể, các ngành các cấp đã khẩn trương triển khai học tập Nghị quyết đến cơ sở và tuyên truyền trong nhân dân. Một số đơn vị đã có Chương trình, kế hoạch cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết, quan tâm củng cố các HTX đang hoạt động và tuyên truyền vận động phát triển HTX mới.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tập thể, phong trào hợp tác, HTX của Tỉnh được củng cố và phát triển thêm một bước.

Tuy nhiên tình hình kinh tế hợp tác, HTX phát triển còn chậm so với mục tiêu Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đề ra, nhất là trong nông nghiệp nông thôn, chưa tương xứng với nhu cầu và thực tế đòi hỏi của các lĩnh vực và địa bàn. Chất lượng HTX chuyển biến chưa được rõ nét, tỷ lệ các HTX trung bình và yếu kém còn lớn, năng lực các HTX còn nhiều hạn chế. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị và thành phần kinh tế chưa tạo được mối quan hệ bền vững, lâu dài để thúc đẩy nhau phát triển.

Nguyên nhân của những yếu kém trên chủ yếu là do công tác tổ chức học tập Nghị quyết chưa được kỹ lưỡng; công tác tuyên truyền vận động nhân dân về HTX mới chưa được sâu rộng và thường xuyên, làm cho nhiều người, kể cả cán bộ chưa nhận thức được quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, chưa thấy được vị trí, vai trò và xu hướng tất yếu khách quan của sự phát triển kinh tế tập thể, còn mặc cảm với mô hình HTX thời kỳ bao cấp. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của các ngành, các cấp thiếu đồng bộ, có nơi, có lúc còn đứng ngoài cuộc, chưa có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo củng cố và phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đề ra.

Để khắc phục những yếu kém và nguyên nhân trên, thực hiện Chỉ thị số 22/2003/ CT-TTg ngày 03 / 10 / 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về kinh tế tập thể, đảm bảo thực hiện thắng lợi phương hướng mục tiêu Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đề ra, UBND Tỉnh yêu cầu các ngành các cấp trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra và một số giải pháp sau đây :

1 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, các gương tốt, các điển hình tiên tiến, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) và Luật Hợp tác xã sửa đổi vừa được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 4 thông qua, để cho mọi người nhận thức đúng đắn về kinh tế tập thể, hiểu rõ mô hình HTX mới, tin tưởng hăng hái tham gia xây dựng HTX.

Việc tuyên truyền, vận động phải thường xuyên, sâu rộng với nhiều hình thức và mọi ngành, mọi cấp tham gia, làm cho cuộc tuyên truyền vận động xây dựng kinh tế tập thể thành một phong trào rộng lớn và liên tục từ nay đến hết năm 2005.

Ban chỉ đạo kinh tế tập thể của Tỉnh phối hợp với Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyên truyền và trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động này ngay từ đầu năm 2004.

2 - Tiếp tục củng cố và phát triển các hình thức hợp tác, HTX, trọng tâm là hướng vào phát triển trong nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, từng bước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Có các biện pháp giúp đỡ các HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém, hoạt động đúng quy định của pháp luật và Điều lệ HTX, quản lý dân chủ, đảm bảo quyền lợi của xã viên, người lao động và quyền lợi tập thể.

Chú trọng xây dựng các mô hình tiên tiến trên các lĩnh vực và địa bàn, phấn đấu đến năm 2005, HTX thuộc lĩnh vực nào cũng có điển hình, mỗi Huyện và Thành phố đều có một điển hình tiên tiến trở lên. Những HTX yếu kém không có khă năng phát triển thì giải thể hoặc chuyển hình thức sở hữu.

- Đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn:

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động và khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phát triển HTX do một đồng chí lãnh đạo Sở làm Trưởng ban và có đại diện các phòng chuyên môn giúp việc, các đơn vị có điều kiện hỗ trợ HTX như Công ty vật tư nông nghiệp, giống, khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, thuỷ lợi . . . tham gia. Ở những nơi đã có HTX công tác khuyến nông cơ sở phải chuyển giao cho HTX. Ban chỉ đạo của cơ sở có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các Huyện và Thành phố trong việc chỉ đạo củng cố và phát triển các tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp nông thôn một cách thích hợp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các Doanh nghiệp Nhà nước và HTX, chuyển giao công tác dịch vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn thông qua HTX. Xây dựng HTX trở thành một đơn vị kinh tế vững mạnh có khả năng đáp ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra của sản xuất nông nghiệp, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật và công tác khuyến nông cho nông dân, quản lý khai thác có hiệu quả các cơ sở hạ tầng nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2005 đại bộ phận các xã đều có HTX và các thôn, xóm đều có tổ hợp tác.

- Đối với quản lý điện nông thôn:

Sở Công nghiệp thủ công nghiệp phối hợp với Điện lực Lạng Sơn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh HTX và UBND các Huyện, Thành phố thực hiện việc chuyển đổi công tác quản lý điện nông thôn sang các tổ chức có tư cách pháp nhân theo Quyết định số 28 / 2003 / QĐ - UB ngày 13 / 11 / 2003 của UBND Tỉnh. Ưu tiên chuyển giao cho các HTX trên địa bàn đang hoạt động nếu có đủ điều kiện hoặc vận động thành lập HTX và đào tạo nhân lực cho HTX có đủ điều kiện để tiếp nhận công tác quản lý điện trên địa bàn.

- UBND các Huyện và Thành phố cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành của Tỉnh để chỉ đạo củng cố và phát triển các hình thức hợp tác, HTX trên địa bàn.

3 - Ban chỉ đạo kinh tế tập thể của Tỉnh khẩn trương nghiên cứu cụ thể hoá một số cơ chế, chính sách trong phạm vi quyền hạn của tỉnh trình UBND Tỉnh ban hành để khuyến khích, hỗ trợ HTX phát triển.

4 - Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phối hợp với các đoàn thể nhân dân và Liên minh HTX trong việc chỉ đạo kinh tế tập thể.

Các ngành của tỉnh, UBND các Huyện và Thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình hành động của cấp uỷ đã đề ra và có các giải pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Thành lập Ban chỉ đạo kinh tế tập thể Huyện, Thành phố do một đồng chí lãnh đạo UBND Huyện, Thành phố làm trưởng ban và một số bộ phận chuyên môn giúp việc để chỉ đạo kinh tế tập thể trên địa bàn ngay từ đầu năm 2004. Bố trí tổ chức và cán bộ theo dõi thường xuyên về lĩnh vực kinh tế tập thể thuộc ngành và địa bàn mình quản lý, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời.

Cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi tổng hợp chung về tình hình kinh tế tập thể thuộc các ngành, lĩnh vực và địa bàn ở tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư ở Huyện và Thành phố là phòng kế hoạch, tài chính, thương mại.

- Liên minh HTX Tỉnh với chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo kinh tế tập thể của Tỉnh có trách nhiệm theo dõi chỉ đạo và phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh kịp thời./.

 

 

TM ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ