Chỉ thị 05/2007/CT-UBND tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trong tình hình mới do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 05/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 18/04/2007
Ngày có hiệu lực 28/04/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thanh Tòng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2007/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 4 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách là một bộ phận của chủ trương, chính sách của Đảng đối với những người nghèo, người có công trong sự nghiệp giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc. Trong những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố đã đạt kết quả tốt; góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; tạo điều kiện cho công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định đó là ở một số cơ quan, ban ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác trợ giúp pháp lý; việc triển khai thực hiện công tác này còn chậm so với yêu cầu; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với cơ quan trợ giúp pháp lý còn lúng túng, thậm chí các kiến nghị của Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thành phố liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chưa được quan tâm xem xét, giải quyết.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới theo Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 và Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2000 về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trong toàn quốc, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về Luật Trợ giúp pháp lý và về hoạt động trợ giúp pháp lý, xem đó là trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý, có mục đích bảo vệ pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và của công dân. Công tác này là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách xóa đói, giảm nghèo; đền ơn, đáp nghĩa; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường kỷ cương phép nước và thực hiện công bằng xã hội.

2. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý; tập trung chỉ đạo các Phòng Tư pháp quận, huyện, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý; chỉ đạo việc thành lập các chi nhánh, tổ trợ giúp pháp lý và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở.

Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức thích hợp, phong phú. Các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý cần phải học tập, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ; đồng thời, chú trọng việc tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm để phục vụ nhân dân.

3. Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện quan tâm hơn nữa việc phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý và khi nhận được văn bản kiến nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phải xem xét, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

4. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm và các chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các quận, huyện giai đoạn 2007 - 2010 theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, nhằm đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương, đáp ứng kịp thời, tại chỗ yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân ở các quận, huyện, các phường, xã, thị trấn nhất là ở những nơi xa trung tâm thành phố.

5. Đề nghị cơ quan thông tin đại chúng (Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ) phối hợp với Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phổ biến rộng rãi, miễn phí các thông tin về trợ giúp pháp lý; tổ chức các chuyên mục giới thiệu, hỏi đáp pháp luật miễn phí và phối hợp, hỗ trợ giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý.

6. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên phối hợp triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, động viên, giới thiệu người trong tổ chức mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; khuyến khích các trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức mình đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Giao giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ