Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2012 triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 27/02/2012
Ngày có hiệu lực 27/02/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Đinh Viết Hồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Nghệ An, ngày 27 tháng 02 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THÁNG VỆ SINH, TIÊU ĐỘC KHỬ TRÙNG MÔI TRƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM.

Từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 05 xã của 05 huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng làm 5.481 con gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy (trong đó có 1.871 con gà và 3.610 con vịt). Mặt khác, theo thông báo của Bộ Y tế, trong tháng 01/2012 vừa qua cũng đã có 2 bệnh nhân tại Kiên Giang và Sóc Trăng bị nhiễm vi rút cúm gia cầm và tử vong.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2012 đến nay dịch Cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 xã thuộc 02 huyện: Yên Thành (02 xã: Lăng Thành và Phú Thành) và xã Quỳnh Giang huyện Quỳnh Lưu. Tổng số gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy là: 5.961 con gia cầm (3.810 con vịt, 1.920 con gà và 231 con ngan).

Đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM) và bệnh lợn tai xanh... mầm bệnh đang lưu hành rộng rãi trên đàn khỏi bệnh lâm sàng, trong môi trường chăn nuôi, kèm theo điều kiện thời tiết bất lợi, mưa rét làm giảm sức đề kháng đàn gia súc, người dân tái đàn chăn nuôi sau Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong nhiều hoạt động lễ hội ở các địa phương; gia súc, gia cầm được nhập lậu qua biên giới từ các nước xung quanh đang có dịch có thể gây ra các ổ dịch mới.

Trong khi đó nhiều địa phương chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra, đặc biệt là dịch Cúm gia cầm, LMLM, tai xanh, ngăn chặn các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm tái phát. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó triển khai và tổ chức thực hiện ngay “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường toàn tỉnh” từ ngày 25/02/2012 đến 25/3/2012, cụ thể như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, xã; phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện ngay tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng theo nội dung Công văn số 258/BNN-TY ngày 09/02/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các địa phương, đặc biệt chú trọng những địa bàn có nguy cơ cao, trang trại chăn nuôi, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống...

- Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương thực hiện nghiêm các nội dung:

+ Lập kế hoạch về số lượng hóa chất, thời gian, địa điểm, nhân lực, kinh phí để tổ chức thực hiện tốt tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.

+ Đối tượng vệ sinh tiêu độc khử trùng là: Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở chăn nuôi hộ gia đình; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm.

+ Cách thức tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng:

Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, hóa chất, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y.

Các xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình; chợ buôn bán gia súc, gia cầm; đường làng, ngõ xóm... kinh phí do ngân sách địa phương cấp.

+ Tổ chức, triển khai đồng bộ công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường bằng hóa chất Benkocid. Hướng dẫn người chăn nuôi mua vôi bột thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, thu gom phân rác, ủ phân nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.

- Giao Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm Thú y cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã, chủ trang trại, người giết mổ, hộ chăn nuôi, chủ lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường theo kế hoạch đã đề ra.

2. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan đi chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y cung cấp đầy đủ hóa chất, vật t­ư… để triển khai đồng bộ công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng đạt kết quả cao.

3. Sở Công Thương và Công an tỉnh: phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác quản lý lưu thông, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm.

4. Các cơ quan thông tin tuyên truyền: Sở Thông tin Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để họ tự giác thực hiện.

5. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí mua vật tư, hóa chất để các địa phương triển khai nhiệm vụ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đạt kết quả tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành tập trung chỉ đạo thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp tình hình, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ