Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2022 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 04/CT-UBND |
Ngày ban hành | 22/01/2022 |
Ngày có hiệu lực | 22/01/2022 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Võ Văn Hoan |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14 tháng 7 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, trong những năm qua, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố được cấp ủy, chính quyền quan tâm, đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận; phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước được đổi mới, chú trọng cải cách hành chính, theo hướng vì Nhân dân phục vụ, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần quan trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ, xây dựng và phát triển Thành phố. Tuy nhiên, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục như: nhận thức của cán bộ, công chức về công tác dân vận có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác dân vận chưa thực sự đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc chưa đảm bảo tiến độ theo quy định; công tác kiểm tra, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện định kỳ về công tác dân vận của một số sở ngành, quận, huyện đôi khi còn chậm, chưa kịp thời.
Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Chương trình hành động số 08-CTrHĐ/TU ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI về công tác dân vận và để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tiếp tục thực tốt hơn nữa công tác dân vận, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Thường xuyên quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố sau đại dịch COVID-19; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận và thực hiện dân chủ cơ sở của cơ quan, đơn vị mình với thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự hiệu lực, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về trách nhiệm nêu gương, nghiêm túc thực hiện tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện thư cảm ơn, thư xin lỗi; chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; chủ động rà soát các nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ về dân chủ cơ sở, đề ra các biện pháp khắc phục hạn chế và thực hiện hiệu quả hơn.
3. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác dân vận, bảo đảm công tác dân vận luôn gần gũi với Nhân dân. Cần quan tâm tuyên truyền, vận động người dân; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
4. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
5. Tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân; thực hiện cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành việc rà soát và sắp xếp tinh gọn bộ máy; ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; tập trung hoàn thiện thể chế của nền hành chính nhà nước theo hướng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia giám sát và quyền làm chủ của Nhân dân; cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
6. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; đổi mới và thực hiện phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói”, “Nói dân hiểu”, “Hướng dẫn dân làm”, “Làm dân tin”. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân; xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
7. Tổ chức thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường, công khai đối thoại tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
8. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”.
9. Hàng năm, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo tình hình thực hiện công tác dân vận của chính quyền, thực hiện dân chủ cơ sở 6 tháng (trước ngày 10 tháng 5), năm (trước ngày 10 tháng 11) của cơ quan, đơn vị và của ngành, gửi về Sở Nội vụ Thành phố để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố, báo cáo Bộ Nội vụ.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |