Chỉ thị 04/2007/CT-UBND về tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 04/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 08/05/2007
Ngày có hiệu lực 18/05/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Hà Đức Toại
Lĩnh vực Quyền dân sự

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 08 tháng 5 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Trong thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, hàng năm đã trực tiếp đăng ký khai sinh được trên 2000 trường hợp; tình trạng tảo hôn, hôn nhân không đăng ký tại các phường, thị trấn, các xã trung tâm huyện, thị đã cơ bản được xoá bỏ. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền phổ biến cho nhân dân về công tác đăng ký hộ tịch đã được triển khai thường xuyên, qua các đợt tập trung đăng ký khai sinh cho trẻ em và đăng ký hôn nhân thực tế, nhân dân đã ý thức được quyền và nghĩa vụ cũng như vai trò quan trọng của việc đăng ký hộ tịch. Đến nay 86% cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã đã có trình độ Trung cấp Luật trở lên, hàng năm đội ngũ này đều được tập huấn về nghiệp vụ, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác đăng ký và quản ký hộ tịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra: Việc chỉ đạo công tác hộ tịch chưa thực sự quan tâm, tình trạng tảo hôn, hôn nhân không đăng ký vẫn còn xảy ra; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch năng lực còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trong những năm qua đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn còn chiếm tỷ lệ cao.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch, kịp thời khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

1.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án về nâng cao chất lượng công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

1.2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp dưới thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch cho nhân dân, hàng năm phải tổ chức được 01 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch tư pháp cấp xã.

1.3. Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch với hình thức đa dạng, phong phú giúp nhân dân biết các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và chủ động đi đăng ký khi có sự kiện hộ tịch phát sinh.

1.4. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về hộ tịch của các cơ quan hữu quan. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tham nhũng, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của dân.

2. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các huyện, thị xã: Tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, về năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức… Trên cơ sở đó có kế hoạch kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, tổ chức đào tạo bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch. Đối với cán bộ đảm nhận công tác hộ tịch của Phòng tư pháp cấp huyện phải có trình độ Đại học Luật, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã phải có trình độ Trung cấp Luật trở lên.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp rà soát hồ sơ, giấy tờ của cá nhân do cơ quan hoặc ngành cấp có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với nội dung của Giấy khai sinh.

Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em phối hợp với ngành tư pháp thống kê chính xác sự kiện hộ tịch phát sinh tại cơ sở, tình hình biến động dân số, gia đình và trẻ em. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác đi đăng ký hộ tịch.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm: Hướng dẫn các đơn vị, địa phương về chế độ tài chính về công tác hộ tịch, kinh phí cho việc mua, in các sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch, cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch đáp ứng nhu cầu đăng ký hộ tịch ở địa phương.

5. Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Sở Văn hoá - Thông tin có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch cho nhân dân.

6. Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao kết hợp trợ giúp pháp lý lưu động với việc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về đăng ký hộ tịch; hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở thực hiện việc đăng ký hộ tịch đúng theo quy định của pháp luật.

7. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương.

7.1. Chỉ đạo, đôn đốc Phòng tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương. Thực hiện niêm yết công khai trình tự, thủ tục, lệ phí, thời gian đăng ký hộ tịch tại trụ sở làm việc.

7.2. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đăng ký kịp thời, đầy đủ các sự kiện hộ tịch phát sinh tại địa phương, phấn đấu đến năm 2008 tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn giảm xuống còn 20%.

7.3. Hướng dẫn UBND cấp xã quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ tư pháp - hộ tịch về những sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn xã, phường, thị trấn mà không được đăng ký. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch xã phải thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân đi đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch. Đối với những khu vực người dân còn bị chi phối bởi phong tục tập quán hoặc điều kiện đi lại khó khăn thì cán bộ hộ tịch phải chủ động đến tận nhà dân để đăng ký những sự kiện hộ tịch phát sinh, đảm bảo mọi sự kiện hộ tịch phát sinh phải được đăng ký kịp thời, chính xác.

8. Các cấp chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò chỉ đạo, triển khai đồng bộ, tích cực công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, yêu cầu công tác đăng ký hộ tịch phải hướng về cơ sở để gần dân, sát dân và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch của địa phương thuộc phạm vi quản lý, trong trường hợp do buông lỏng quản lý mà dẫn đến sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong đăng ký và quản lý hộ tịch thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

9. Giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra định kỳ và báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện Chỉ thị.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hà Đức Toại

 

[...]