Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2010 về tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành
Số hiệu | 03/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/01/2010 |
Ngày có hiệu lực | 23/01/2010 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nam Định |
Người ký | Nguyễn Văn Tuấn |
Lĩnh vực | Thương mại,Thể thao - Y tế |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Nam Định, ngày 13 tháng 01 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
Công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông lâm thủy sản trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành, quan tâm chỉ đạo và thu được một số kết quả đáng khích lệ. Chất lượng, VSATTP từng bước được cải thiện góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Tuy nhiên chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản chưa được đánh giá đầy đủ, chính xác, nhìn chung chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Chất lượng các yếu tố đầu vào nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống gia súc, gia cầm, thức ăn gia súc chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chưa hình thành nhiều vùng sản xuất, thực phẩm an toàn; chậm triển khai việc áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt, còn tiếp diễn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học.
Nguyên nhân của các tồn tại trên trước hết do nhận thức về chất lượng, VSATTP của các cấp quản lý, của cả người sản xuất và người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ. Tổ chức bộ máy quản lý chất lượng, VSATTP chưa được kiện toàn đủ mạnh ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã. Cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích người sản xuất áp dụng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ mạnh để có tính răn đe.
Thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, VSATTP. Nhằm mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, VSATTP, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tăng cường năng lực quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý theo Nghị định số 79/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về VSATTP.
- Sở Nông nghiệp & PTNT căn cứ Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BNN-BNV ngày 05/6/2009 giữa Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, để tiến hành kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng nông lâm thủy sản, xác định chức năng nhiệm vụ, quy chế hoạt động đảm bảo tính thống nhất, chuyên trách trong thực thi pháp luật; đồng thời nâng cao vai trò quản lý của cấp cơ sở. Tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tuyên truyền tập huấn, kiểm tra công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP và kiểm tra chất lượng VSATTP nông lâm thủy sản được phân công.
- Các huyện, thành phố kiện toàn bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp & PTNT và phòng y tế có đủ năng lực tham mưu giúp UBND huyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn. Tập trung vào các nhiệm vụ thực hiện quy hoạch, kế hoạch, kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP và chất lượng sản phẩm đối với các đối tượng được phân công.
- UBND các xã, thị trấn củng cố, sắp xếp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật giúp UBND xã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn. Tập trung vào các nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vật tư; hướng dẫn, tuyên truyền và giám sát việc thực hiện các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản vận chuyển, mua bán thực phẩm và xác nhận xuất xứ cho các sản phẩm địa phương.
2. Tổ chức tốt sự phối hợp giữa các ngành Nông nghiệp & PTNT, Y tế, Công thương để tăng cường các hoạt động kiểm soát, khắc phục những tồn tại trong quản lý chất lượng VSATTP; trọng tâm là các nhóm sản phẩm rau, thịt, thủy sản, nước chú trọng các khâu có nguy cơ cao gây mất VSATTP;
- Tập trung chấn chỉnh việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, kháng sinh, kiểm soát điều kiện đảm bảo VSATTP tại các cơ sở sản xuất thu gom, bảo quản, chế biến.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhất là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho rau quả, sử dụng các chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, thủy sản.
3. Rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển các mô hình sản xuất rau, chăn nuôi, thủy sản an toàn đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, được kiểm tra công nhận đảm bảo chất lượng, VSATTP.
4. Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương và các ngành có liên quan UBND các huyện xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nêu trên. Việc quản lý cần đảm bảo đồng bộ cả từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng, VSATTP về UBND tỉnh.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |