Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2020 về thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 31/01/2020
Ngày có hiệu lực 31/01/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03 /CT-UBND

Thanh Hoá, ngày 31 tháng 01 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHIÊM CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đang diễn biến rất phức tạp, lây nhiễm nhanh, có nguy cơ rất cao bùng phát thành dịch lớn, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng con người, tác động xấu đến sản xuất, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 15 giờ, ngày 31/01/2020, trên thế giới đã ghi nhận 9.833 trường hợp mắc bệnh, 213 trường hợp đã tử vong. Tại Thanh Hóa, đến ngày 31/01/2020 đã ghi nhận 05 bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp, trong đó có 01 bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với nCoV, đã được cách ly, theo dõi và điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Để chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch nCoV; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Y tế; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”; hành động khẩn trương và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; không được chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bệnh lây lan thứ phát trên địa bàn tỉnh; chủ động triển khai ngay các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ; giám sát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm; tập trung bao vây, dập dịch ngay từ lúc quy mô nhỏ, số lượng người mắc bệnh ít. Người đứng đầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ được phân công.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, trọng tâm là giám sát chặt chẽ những người đến từ vùng có dịch và những người đã tiếp xúc với người nghi mắc bệnh; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để kịp thời cách ly, theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

- Chủ động rà soát phương án phòng, chống dịch gắn với các cấp độ lây lan của dịch để hoàn chỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, kịp thời đáp ứng tốt nhất yêu cầu phòng, chống dịch trên thực tế.

- Xây dựng các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp khẩn trương hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, người lao động nhằm nâng cao hiểu biết và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và những người xung quanh, tránh tâm lý hoang mang, kỳ thị những người nghi ngờ mắc bệnh, người đến từ vùng có dịch.

- Chỉ đạo hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường giám sát những người đến từ vùng có dịch và những người đã tiếp xúc gần với người bệnh hoặc những trường hợp có sốt, ho, khó thở trở về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ thời điểm tiếp xúc lần cuối; hướng dẫn người có tiếp xúc gần với người bệnh tự theo dõi sức khỏe của mình và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; chủ động theo dõi thông tin về tình hình sức khỏe của người tiếp xúc gần với người bệnh, cách ly ngay những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực có bệnh nhân nhiễm bệnh; chuẩn bị sằng sàng các điều kiện để tổ chức khám và điều trị cho bệnh nhân theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, giám sát chặt chẽ các hành khách, người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu, cảng biển, Cảng hàng không Thọ Xuân; thực hiện kiểm tra, sàng lọc, đo thân nhiệt nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị; kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên hoặc triển khai kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm.

3. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu, cảng biển, Cảng hàng không Thọ Xuân; bảo đảm an ninh cho việc cách ly bắt buộc đối với các trường hợp mắc bệnh và nghi mắc bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin cho Sở Y tế về người nhập cảnh, con em Thanh Hóa đi làm việc tại Trung Quốc về nước và lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, đặc biệt những người đến từ vùng có dịch để triển khai các biện pháp theo dõi, giám sát và quản lý.

- Tổ chức giám sát, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin bịa đặt, sai lệch về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang trong xã hội.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung chỉ đạo và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội; chia sẻ thông tin về người nhập cảnh với Ngành Y tế; có phương án sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

5. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

- Cung cấp thông tin về người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đến từ vùng có dịch cho Sở Y tế; đồng thời, phối hợp với UBND các địa phương, các cơ quan y tế, giám sát, theo dõi sức khỏe người lao động để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đơn vị liên quan, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp có người lao động đến từ Trung Quốc và các vùng có dịch, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc; chủ động kiểm tra sức khỏe cho những người vừa trở về từ vùng có dịch, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nghờ và thông báo cho cơ quan y tế để phối hợp triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch bệnh.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong tỉnh thực hiện nghiêm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: Học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh thì không đến trường; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề và phối hợp với cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời.

7. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo tạm dừng các hoạt động lễ hội nhằm làm giảm nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.

- Hướng dẫn, khuyến cáo cho du khách nước ngoài đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ và các nhân viên người nước ngoài đang làm việc trong các nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, có trách nhiệm khai báo ngay cho các cơ sở y tế để phối hợp giám sát, cách ly, theo dõi, điều trị những người nghi ngờ mắc bệnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo

Thanh Hoá, Báo Văn hoá và Đời sống và các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế để thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn để nhiều người dân biết và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân.

[...]