Chỉ thị 03/CT-CTUBND năm 2010 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 03/CT-CTUBND
Ngày ban hành 18/01/2010
Ngày có hiệu lực 18/01/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Văn Thiện
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/CT-CTUBND

Quy Nhơn, ngày 18 tháng 01 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NĂM 2010

Trong những năm vừa qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo về công tác nuôi trồng thủy sản và tăng cường hỗ trợ cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển, nhiều giải pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế được nhân rộng nên từng bước ổn định đời sống một bộ phận nhân dân ven biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn của tỉnh.

Năm 2009, nghề nuôi trồng thủy sản có bước phát triển khá, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, đại bộ phận người nuôi tôm đã có ý thức tuân thủ lịch thời vụ, kiểm dịch chất lượng con giống, vệ sinh ao nuôi góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất, sản lượng và giảm tỷ lệ dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người nuôi tôm chưa chấp hành nghiêm lịch thời vụ, công tác xử lý ao nuôi không đảm bảo yêu cầu, con giống chưa được kiểm dịch trước khi thả nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi trồng. Bên cạnh đó, theo dự báo thời tiết năm 2010 vẫn diễn biến phức tạp, sẽ tác động bất lợi đến việc phát triển nuôi trồng thủy sản trong tỉnh nói chung, nuôi tôm nói riêng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm ổn định và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện và thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành có liên quan; các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân làm nghề nuôi trồng thủy sản thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân làm nghề nuôi trồng thủy sản (gọi tắt là người nuôi) trên địa bàn tỉnh phải nghiêm túc chấp hành các quy định về quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản (gọi tắt là vùng nuôi), quy trình kỹ thuật nuôi, lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra; tăng cường hỗ trợ lẫn nhau để quản lý vùng nuôi và giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra tại ao nuôi, người nuôi tôm có trách nhiệm xử lý bệnh trong ao, không xả nước ra môi trường chung; đồng thời thông báo cho cộng đồng, chính quyền địa phương, để cùng với cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan và có phương án giải quyết thích hợp.

2. Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh phải thực hiện việc công bố chất lượng và kiểm dịch con giống trước khi xuất bán; các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở sản xuất giống kém chất lượng, không công bố chất lượng con giống.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Ban hành và chỉ đạo thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2010; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 56/2008/QĐ-BNN ngày 29/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy chế kiểm tra, chứng nhận nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, Thông tư số 36/2009/TT-BNN ngày 17/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản trên các lĩnh vực nuôi cá nước ngọt, nuôi thủy đặc sản và nuôi tôm nước lợ; hướng dẫn thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm; kiểm tra, thúc đẩy việc hoàn thiện và phát triển các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề nuôi trồng thủy sản;

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trức năng (Chi cục NTTS, Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư…) phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố triển khai nuôi tôm theo lịch thời vụ; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng tôm sản xuất, lưu thông trên địa bàn; kịp thời phát hiện và có biện pháp dập dịch khi dịch bệnh tôm xảy ra; hướng dẫn, chuyển giao những công nghệ mới và nhân rộng các mô hình nuôi, hình thức nuôi có hiệu quả; chú trọng việc nuôi đa dạng hóa các đối tượng trên cả 3 thủy vực ngọt, lợ, mặn; tăng cường triển khai có hiệu quả chương trình quan trắc môi trường nuôi tôm; kiểm soát dư lượng kháng sinh, các hóa chất độc hại trong nuôi tôm; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong nuôi trồng thủy sản, tại các cơ sở bán thuốc và thức ăn nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

4. UBND các huyện, thành phố ven biển

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai nghiêm túc lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản;

- Chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã có nuôi tôm nước lợ, tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng đất đai, mặt nước vào nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch được duyệt, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những cá nhân, tổ chức lấn chiếm đất đai để xây dựng hồ nuôi tôm; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nguồn nước ngọt, nước ngầm; hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện tốt lịch thời vụ; củng cố và phát triển các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi; nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại địa phương.

- Tiếp tục triển khai chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi và chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản tại địa phương theo hướng sinh thái, hiệu quả và bền vững. Triển khai đầu tư xây dựng các dự án đầu tư hệ thống cấp nước ngọt, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi; hoàn thiện các dự án đã được đầu tư và sớm đưa vào hoạt động để phát huy hiệu quả.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan kiểm tra và hướng dẫn người nuôi giải pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, khai thác và sử dụng nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản nhằm tránh tình trạng xâm nhập mặn ở vùng ven biển; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về xử lý nước thải, chất thải rắn, khai thác nước ngầm.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

- Bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng phục vụ việc phát triển nuôi trồng thủy sản và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản; ưu tiên vốn cho đầu tư hệ thống thủy lợi, cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm.

7. Báo Bình Định, Đài Phát Thanh và Truyền hình Bình Định tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ nuôi tôm, kết quả quan trắc môi trường, các chủ trương và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn các thủ tục vay vốn để người nuôi trồng thủy sản vay vốn phát triển sản xuất, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho những người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh.

9. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hiệp Hội thủy sản tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, giáo dục và vận động hội viên thực hiện các quy định về nuôi trồng bền vững, bảo vệ môi trường nuôi của cộng đồng, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh lây lan.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, thường xuyên nắm tình hình, đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thiện