Chỉ thị 03/2015/CT-UBND về tăng cường quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 03/2015/CT-UBND
Ngày ban hành 16/11/2015
Ngày có hiệu lực 26/11/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Doãn Văn Hưởng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2015/CT-UBND

Lào Cai, ngày 16 tháng 11 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Trong thời gian qua, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án, kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý chất thải, chất thải nguy hại (CTNH) trên địa bàn tỉnh. Việc thu gom, xử lý CTNH của các tổ chức, cá nhân được quan tâm, chú trọng và thực hiện tương đối nghiêm túc, một số cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp đã tiến hành phân loại, thu gom, lưu giữ và chuyển giao CTNH cho các đơn vị có đủ năng lực xử lý theo quy định. Đối với CTNH y tế phát sinh từ các bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh; tuyến huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực đã phân loại tại nguồn, được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của Trung ương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn (lò đốt) để xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thải.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn đơn vị thực hiện chưa đúng các quy định về quản lý CTNH như: CTNH thu gom chưa triệt để, còn để ngoài trời không có mái che, để lẫn với chất thải thông thường, chưa bố trí khu vực lưu giữ tạm thời, thùng chứa theo quy định; lượng CTNH được chuyển giao, xử lý thấp mới đạt khoảng 8,7%, cá biệt vẫn có đơn vị thải trực tiếp CTNH ra môi trường gây bức xúc trong dư luận.

Tại vùng nông thôn, các loại vỏ chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật thải ra chưa được thu gom, xử lý triệt để, đây là nguồn gây tác động ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe cộng đồng trong hiện tại và tương lai.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp đối với tác hại của CTNH còn chưa đúng mức, đặc biệt là việc quản lý CTNH còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý CTNH.

Để tăng cường công tác quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh, đầu tư hạ tầng cơ sở xử lý CTNH, khuyến khích các đơn vị tự xử lý, đầu tư hệ thống sản xuất ra các sản phẩm với nguồn nguyên liệu là các loại CTNH phát sinh của đơn vị nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của CTNH, nâng cao nhận thức đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:

1. Nhiệm vụ và giải pháp

1.1. Các sở, ban, ngành; tổ chức chính trị xã hội; UBND các huyện, thành phố Lào Cai; các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện những quy định về quản lý CTNH theo các văn bản hiện hành.

a) Xây dựng các chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu, bài viết,… trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình…) giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ quy định của pháp luật về môi trường; kịp thời tuyên dương, khen ngợi các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên nắm bắt và chuyển các kiến nghị của bạn đọc, xem truyền hình, nghe đài đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật. Xây dựng kịch bản tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thức phân loại CTNH tại nguồn, việc thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng CTNH với nội dung và hình thức gần gũi, dễ hiểu và thiết thực đối với nhân dân.

b) Lồng ghép tuyên truyền nội dung quản lý CTNH trong các ngày lễ về môi trường (Ngày môi trường Thế giới 5/6; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn); Treo các khẩu hiệu, pano tuyên truyền về CTNH tại các tuyến đường phố chính, khu tập trung đông dân cư trên địa bàn thành phố và trung tâm huyện. Đối với các thôn, bản nằm xa trung tâm, thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền đến người dân trong các buổi sinh hoạt, họp thôn bản.

c) Nhân rộng các mô hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom xử lý, tái sử dụng, tái chế CTNH; Công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không chấp hành các quy định về quản lý CTNH.

1.2. Xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành có liên quan tham mưu về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ (đất đai, thuế, vốn tín dụng,…) đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý CTNH theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

1.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nguy hại; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển CTNH xuyên biên giới qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

1.4. Các cá nhân, tổ chức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại (gọi tắt là chủ nguồn thải CTNH) thực hiện tốt các yêu cầu sau:

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt; tích cực áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại.

b) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ CTNH, đánh ô, mã số và thực hiện phân loại triệt để CTNH tại nguồn, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

c) Thực hiện đăng ký chủ nguồn thải CTNH; trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, Chủ nguồn thải CTNH phải ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp; lập báo cáo công tác quản lý CTNH định kỳ theo quy định.

d) Tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép và mã số quản lý CTNH mới được tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH.

đ) Tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự xử lý, đồng xử lý hoặc tái chế, tái sử dụng CTNH đối với dự án do tổ chức, cá nhân quản lý.

2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải nguy hại, trong đó chú trọng quản lý và cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép quản lý CTNH theo quy định.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải nguy hại; quản lý các hồ sơ, báo cáo, hợp đồng, chứng từ của chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong phạm vi địa phương mình. Chịu trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh về việc thu gom và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.

c) Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và Kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền phân cấp. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác thẩm định và xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án đầu tư đặc biệt chú trọng công tác quản lý CTNH; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch Bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xác nhận.

d) Theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường do CTNH trên địa bàn tỉnh.

đ) Hướng dẫn thực hiện và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại. e) Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTNH nói riêng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng, thực hiện đúng những quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

f) Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu về các chính sách ưu tiên, xã hội hóa để thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn nói chung và CTNH phát sinh trong hoạt động sản xuất, nông nghiệp.

[...]