Chỉ thị 03/2009/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Thủ trưởng các cơ quan thuộc quận trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 03/2009/CT-UBND
Ngày ban hành 20/04/2009
Ngày có hiệu lực 27/04/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Quận 3
Người ký Phạm Ngọc Hữu
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 3
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 03/2009/CT-UBND

Quận 3, ngày 20 tháng 4 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG, THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN THUỘC QUẬN TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Duới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy, các cấp ủy Đảng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo và gần 3 năm thực hiện Quyết định số 132/2006/QĐ- UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân các phường và các cơ quan thuộc quận đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả quan trọng trong công tác tiếp công dân, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền quận và phường.

Tuy nhiên, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế, một số phường chưa thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; một số cơ quan thuộc quận chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, vi phạm thời gian giải quyết; trình độ của cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân và tham mưu giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, bất cập; một số cán bộ, công chức được phân công thụ lý đơn chưa thể hiện trách nhiệm đối với dân; kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính nhà nước quận và phường chưa chuyển biến kịp theo yêu cầu của thực tiễn; việc phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thuộc quận và Ủy ban nhân dân các phường chưa chặt chẽ đồng bộ, giải quyết chưa đến nơi đến chốn dẫn đến khiếu nại nhiều lần, nhiều cấp.

Trong thời gian tới, trên địa bàn quận tiếp tục triển khai nhiều dự án phát triển đô thị, thực hiện đền bù, giải tỏa, di dời dân đến nơi định cư mới; việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày càng nhiều, để đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quận và tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, Thủ trưởng các cơ quan thuộc quận trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; Ủy ban nhân dân quận 3 chỉ thị:

1. Tổ chức quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, Thủ trưởng các cơ quan thuộc quận tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hiện nay; Nghị quyết số 30/2004/NQ-QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Quốc hội và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố; Quyết đinh số 132/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên đia bàn thành phố. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

2. Đẩy mạnh công tác tổ chức hòa giải ở cơ sở:

a) Phòng Tư pháp xây dựng chưong trình, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở và tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường phải củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, thường xuyên tổ chức sinh hoạt tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ để giúp cho lực lượng hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.

c) Phòng Tài chính - Kế hoạch quận hướng dẫn thực hiện kinh phí chi trả hoạt động của hòa giải viên cơ sở được kịp thời, có tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả sau hòa giải thành.

3. Kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự làm công tác tiếp công dân:

a) Tổ chức tiếp công dân trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND quận có tên gọi là Tổ Tiếp công dân, biên chế từ 2 - 3 cán bộ, công chức do 1 Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận trực tiếp điều hành.

b) Thủ trưởng các cơ quan thuộc quận cử 1 cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân theo quy đinh của Luật Khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

c) Tổ chức tiếp công dân thuộc Ủy ban nhân dân phường có tên gọi là Tổ Tiếp công dân, gồm 1 - 2 cán bộ, công chức kiêm nhiệm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trực tiếp chỉ đạo.

d) Cán bộ, công chức được phân công tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, có khả năng giải thích và nắm vững chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thụ lý, đề xuất phải khách quan, trung thực, đúng pháp luật.

3.1. Nhiệm vụ của Tổ Tiếp công dân ở quận:

Xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận phê duyệt chương trình và nội dung tiếp công dân hàng năm, công khai nội quy tiếp công dân và lịch tiếp công dân hàng tháng.

Trực tiếp tổ chức tiếp công dân thường xuyên hàng ngày; tiếp nhận và xử lý các đon, thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, thỉnh cầu.

Báo cáo đề xuất, thông qua Văn phòng HĐND và UBND quận để tổ chức lịch tiếp công dân hàng tháng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chủ trì.

Phối hợp với Thanh tra quận và các phòng chức năng thuộc quận hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ban hành quyết định thụ lý giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Theo dõi, tổng hợp kiểm tra, đôn đốc Thanh tra quận, các cơ quan thuộc quận, Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ xác minh, kết luận và kiến nghị các biện pháp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo kịp thời.

Tổng hợp tình hình tiếp công dân báo cáo Ủy ban nhân dân quận theo định kỳ hoặc đột xuất.

3.2. Nhiệm vụ của Tổ Tiếp công dân phường và cán bộ, công chức tiếp công dân của các cơ quan thuộc quận:

Tổ chức tiếp công dân thường xuyên; tiếp nhận, phân loại và xử lý các đơn, thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, thỉnh cầu; tổng hợp, báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất với Thủ trưởng cơ quan hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Thủ trưởng các cơ quan thuộc quận xây dựng nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân và nội dung cụ thể theo định kỳ hàng tháng; xây dựng kế hoạch tổ chức hòa giải, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; tham mưu, đề xuất và ban hành quyết định thụ lý giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

4. Tổ chức tiếp công dân:

a) Việc tổ chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường, Thủ trưởng các cơ quan thuộc quận phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại các Điều 74, 75, 76, 77 và Điều 79 Luật Khiếu nại, tố cáo; Điều 46, 47, 48, 49, 50, 52 và Điều 53 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

b) Tại nơi tiếp công dân phải có nội quy tiếp công dân; lịch tiếp công dân của lãnh đạo; niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và Thành phố về tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

[...]