Chỉ thị 01/2011/CT-UBND tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 01/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 04/01/2011
Ngày có hiệu lực 14/01/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2011/CT-UBND

Huế, ngày 04 tháng 01 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRANH CHẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân, không để xảy ra "điểm nóng"; góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp ở các cấp vẫn còn những bất cập, còn để vụ việc tồn đọng, kéo dài... dẫn đến việc người khiếu kiện gửi đơn lên cấp trên để can thiệp giải quyết. Một số vụ việc khiếu nại đã được Thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án. Bên cạnh đó, một số vụ việc khiếu kiện đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết khách quan, đúng chính sách, đúng pháp luật nhưng công dân vẫn liên tục khiếu nại, tố cáo, không có điểm dừng.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh bảo đảm thực hiện đúng quy định, góp phần ổn định chính trị - xã hội; đặc biệt, để phục vụ tốt cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41/2008/CT-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2008 "Về việc nâng cao chất lượng và tăng cường công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trên địa bàn tỉnh"; Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 28/3/2009 triển khai thực hiện Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/3/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa về chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 01/2010/CT-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2010 “Về tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp” Công văn số 157/UBND-KNTC ngày 21/12/2010 "V/v Thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trước và trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng" của UBND tỉnh.

2. Nghiêm túc thực hiện các nội dung về tiếp công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ở những nơi phát sinh khiếu kiện đông người, cần phải quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

3. Tiến hành rà soát các vụ việc tồn đọng, thống kê theo dõi các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của cấp, ngành mình để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để công dân gửi đơn nhiều lần, vượt cấp. Thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; đặc biệt, lưu ý các vụ việc tồn đọng, kéo dài đã được các cấp có thẩm quyền kết luận, thì phải có kế hoạch chỉ đạo, phân công phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm trong thời gian sớm nhất.

4. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chú trọng việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại với công dân khi giải quyết khiếu nại. Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức đoàn thể vận động, tuyên truyền giáo dục các đoàn viên, hội viên chấp hành đúng quy định phát luật về khiếu nại, tố cáo; chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực. Đồng thời, bằng nhiều hình thức phải thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và nhân dân.

5. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các quy chế mẫu: Quy định Tiếp nhận, xử lý, ban hành và quản lý văn bản; Quy chế đăng ký, xây dựng chương trình công tác; Quy chế tiếp nhận và ban hành hồ sơ "1 cửa"; Quy định theo dõi ý kiến chỉ đạo và văn bản ban hành; Quy trình tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của UBND tỉnh... gắn liền với thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

6. Tổ chức cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan công tác tiếp dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo chủ trương của UBND tỉnh.

7. Định kỳ hàng tháng, tổng hợp, báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định; trong đó có kiến nghị các giải pháp khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.

8. Lực lượng công an các cấp phải nắm chắc diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo - nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp lên tỉnh, lên Trung ương để có kế hoạch tham mưu, phối hợp với UBND thành phố, thị xã, các huyện và các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

9. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương trong việc tổ chức thực hiện; đồng thời, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện Chỉ thị này.

Nhận được Chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; coi hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức có trách nhiệm; định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo đúng quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMT TQ VN tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế, Đài PTTH Thừa Thiên Huế;
- TT HĐND, UBND TP Huế, thị xã, các huyện;
- VP UBND tỉnh: LĐ, các CV; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KNTC (2).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao