Chỉ thị 03/2006/CT-NHNN về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Ngân hàng giai đoạn 2006 – 2010 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 03/2006/CT-NHNN
Ngày ban hành 26/09/2006
Ngày có hiệu lực 23/10/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Đức Thuý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2006/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến và Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 8/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong những năm qua công tác thi đua khen thưởng trong ngành Ngân hàng đã có những đổi mới tích cực. Phong trào thi đua và các hình thức khen thưởng đã trở thành động lực quan trọng góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của Ngành Ngân hàng. Nhiều cá nhân, tập thể lập thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương trao tặng các phần thưởng cao quý.

Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn những tồn tại. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự coi trọng và quan tâm đúng mức công tác thi đua khen thưởng, nên các phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa thiết thực và hiệu quả. Một số nơi chỉ chú trọng  khen thưởng mà coi nhẹ phát động và tổ chức các phong trào thi đua, đề xuất khen thưởng tràn lan, mất tính chất lựa chọn tiêu biểu. Công tác xét khen thưởng nhìn chung còn chậm, làm giảm tác dụng động viên khuyến khích kịp thời. Công tác tuyên dương, tuyên truyền và học tập gương người tốt, việc tốt nhân điển hình tiên tiến còn hạn chế. Các quy định, tiêu chuẩn, quy trình về công tác thi đua khen thưởng  trong toàn Ngành chưa được thống nhất chung và chưa được hướng dẫn tập huấn đầy đủ kịp thời, cán bộ làm công tác thi đua còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhằm khắc phục những tồn tại, phát huy những kết quả đã đạt được và đưa công tác thi đua khen thưởng vào nề nếp, tạo động lực thi đua  mới phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị của Ngành và tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị của Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, các Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các Cơ quan thường trực Hiệp hội do NHNN quản lý và các Doanh nghiệp trong toàn Ngành triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Phối hợp cùng các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đoàn thể trong toàn Ngành thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác thi đua khen thưởng trong đơn vị; Tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung các đường lối chính sách của Đảng, Luật Thi đua khen thưởng năm 2003, Nghị định của Chính phủ về công tác thi đua khen thưởng, Quyết định số 40/2006/QĐ-NHNN ngày 17/08/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các văn bản có liên quan.

2. Quán triệt nhận thức về vai trò và ý nghĩa của công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới. Cần xác định thi đua khen thưởng là công cụ quan trọng trong quản lý và điều hành hoạt động của từng đơn vị, phải làm cho thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy mọi cá nhân và tập thể tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhiệt tình với các hoạt động chung của Ngành và của xã hội. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Thống đốc về kết quả triển khai công tác thi đua khen thưởng trong phạm vi đơn vị.

3. Đổi mới nội dung phương thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua. Hàng năm các đơn vị phải tổ chức đăng ký thi đua, phát động các phong trào thi đua, xây dựng, bồi dưỡng được những điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong đơn vị để nêu gương học tập. Các phong trào thi đua phải tập trung vào mục tiêu hoàn thành công tác chuyên môn, lấy các nhiệm vụ cụ thể của chuyên môn làm nội dung thi đua. Cần lượng hoá các tiêu thức, chỉ tiêu thi đua để đánh giá chính xác kết quả thi đua. Các hình thức, biện pháp triển khai tổ chức thi đua khen thưởng phải thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của mỗi đơn vị và quy định của Ngành, tránh phô trương hình thức. Kết thúc mỗi đợt phát động thi đua phải được sơ kết, tổng kết kịp thời để đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức các phong trào tiếp theo. Khi phát động thi đua cần vận động, tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị nhiệt tình tự giác tham gia. Các cấp Công đoàn, Đoàn thành niên phối hợp làm tốt công tác tổ chức, triển khai thực hiện và vận động phong trào thi đua.   

4. Trước mắt, các đơn vị trong toàn Ngành phát động các phong trào thi đua hướng vào các nội dung: Tiếp tục đổi mới và phát triển hoạt động Ngân hàng, thực hiện thắng lợi chương trình hành động của ngành Ngân hàng đến năm 2010; Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ và tiện ích Ngân hàng đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả; Đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý bảo đảm an toàn hệ thống, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận và nghiên cứu ứng dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế để hội nhập với các Ngân hàng phát triển trong khu vực và trên thế giới; Hưởng ứng và thực hiện tốt các chương trình hành động về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường cải cách hành chính trong toàn ngành Ngân hàng.

5. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục xét khen thưởng, bảo đảm việc xét khen thưởng phải công khai, dân chủ, kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng thành tích trên nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng tới đó. Khi xét khen thưởng các đơn vị từ trung ương đến cơ sở phải thực hiện theo đúng quy trình, điều kiện và tiêu chuẩn khen thưởng. Cần chú trọng việc khen thưởng hoặc  đề nghị Thống đốc khen thưởng đột xuất đối với các cá nhân và tập thể nhỏ khi lập được thành tích. Kiên quyết chống, ngăn chặn bệnh thành tích hình thức và các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng. Hoạt động thi đua phải thực hiện trên cơ sở có cơ chế phối hợp giám sát chặt chẽ kể cả trong việc bình xét và sử dụng nguồn quỹ thi đua khen thưởng. Khen thưởng phải kết hợp giữa động viên tinh thần và khuyến khích thưởng vật chất, song phải bảo đảm đúng nguyên tắc và chế độ tài chính của Nhà nước. Kết quả khen thưởng là căn cứ để đánh giá cán bộ, xét lên lương trước thời hạn hàng năm; để xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo các cấp.

6. Xây dựng và ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về công tác thi đua khen thưởng trong toàn ngành, từng hệ thống, từng đơn vị theo đúng tinh thần của Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Chú trọng kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác thi đua – khen thưởng trong toàn Ngành.

7. Sắp xếp và ổn định tổ chức bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng tại đơn vị theo đúng quy định tại Quyết định số 40/2006/QĐ-NHNN ngày 17/8/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm phù hợp làm công tác thi đua khen thưởng. Củng cố kiện toàn Hội đồng thi đua khen thưởng của từng đơn vị, nâng cao vai trò trách nhiệm của các thành viên tham gia Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp.

8. Thủ trưởng các đơn vị quan tâm và đẩy mạnh  công tác tuyên truyền,  kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến và kết quả các phong trào thi đua thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Ngành.  Thời báo Ngân hàng, các Tạp chí, Trang tin điện tử trong Ngành và các Bản tin hoạt động của các Ngân hàng thương mại phải dành một thời lượng nhất định đăng tải các chủ trương, chính sách và quy chế về công tác thi đua khen thưởng, chủ động khai thác các tin, bài để tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, phổ biến kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến trong toàn Ngành. Các cơ quan báo chí trong Ngành phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác tuyên truyền.

9. Vụ Thi đua – Khen thưởng  chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua khen thưởng; Phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng; Tổ chức tốt thẩm định thành tích đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng bậc cao; Làm đầu mối phối hợp với Thời báo Ngân hàng và các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Ngân hàng tổ chức tuyên truyền các phong trào thi đua, thành tích đạt được và kết quả khen thưởng của cá nhân và tập thể trong toàn Ngành.

Vụ Thi đua Khen thưởng nghiên cứu hình thức giải thưởng hàng năm của Ngành trao tặng cho các cá nhân, tập thể có kết quả hoạt động xuất sắc, nhằm tôn vinh những điển hình trong lĩnh vực chuyên ngành Ngân hàng.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức tín dụng, các Cơ quan thường trực Hiệp hội do Ngân hàng Nhà nước quản lý, các Doanh nghiệp thuộc ngành Ngân hàng có trách nhiệm quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.       

 

 

Nơi nhận:
-TTCP - Chủ tịch HĐTĐKT TW
- PCTN – PCT  thứ  nhất HĐTĐKTTW
- TTrực HĐTĐKTTW;
- Ban TĐKTTW;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Thành viên HĐTĐKT Ngành;
- Các Vụ, Cục… đơn vị NHTW;
- NHNN CN tỉnh, thành phố;
- Các TCTD;
- Bảo hiểm tiền gửi VN;
- Cơ quan Thường trực HHNH, HH QTDVN;
- Học Viện NH & Trường ĐHNH TP.HCM;
- Các Doanh nghiệp trực thuộc;
- Đảng uỷ NHTW, Công đoàn NHVN,
  Công đoàn NHNN, Công đoàn NHNNTW,
   Đoàn TN NHTW;
- Văn phòng Chính phủ (2 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Lưu VP, PC, TĐKT.

THỐNG ĐỐC
 
 


Lê Đức Thuý