Chỉ thị 03/2004/CT-BXD về việc tăng cường hoạt động của mạng lưới y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người lao động trong ngành xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 03/2004/CT-BXD
Ngày ban hành 25/03/2004
Ngày có hiệu lực 17/04/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ XÂY DỰNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 03/2004/CT-BXD

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI Y TẾ, CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31 tháng 10 năm 1998 của Liên Bộ Lao động Thương binh và xã hội - Bộ Y tế - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 1960/BXD-TCLĐ ngày 24/10/2000 và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 05/2001/CT-BXD ngày 29 tháng 11 năm 2001 về đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo An toàn-Vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ trong ngành Xây dựng; các đơn vị thuộc Bộ đã từng bước triển khai các nội dung quy định tại Thông tư Liên Bộ và Chỉ thị của Bộ trưởng, vì vậy công tác an toàn-vệ sinh lao động, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người lao động đã được các đơn vị quan tâm, tổ chức thực hiện đạt kết quả rõ rệt.

Tuy nhiên, trong năm 2003, tai nạn lao động trong Ngành còn cao. Môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp trong Ngành chưa khắc phục được nhiều. Để tăng cường hoạt động của mạng lưới y tế Ngành Xây dựng trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người lao động, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1/ Quán triệt tới các đơn vị thành viên và toàn thể cán bộ công nhân viên thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư Liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN và Chỉ thị số 05/2001/CT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

2/ Kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Hội đồng Bảo hộ lao động và Bộ phận y tế; củng cố và có chế độ đãi ngộ đối với mạng lưới an toàn-vệ sinh viên.

Đối với các Tổng công ty: tổ chức bộ phận An toàn-vệ sinh lao động với mô hình Ban (hoặc Phòng) AT-VSLĐ trực thuộc Tổng công ty, có cán bộ an toàn và cán bộ y tế chuyên trách giúp Hội đồng Bảo hộ lao động Tổng công ty triển khai các hoạt động theo sự hướng dẫn của Liên Bộ, tổng hợp báo cáo công tác y tế của các đơn vị thành viên để báo cáo Bộ Xây dựng (tập trung báo cáo về Trung tâm Y tế Xây dựng). Tổng công ty nào chưa có điều kiện thành lập Ban (Phòng) AT-VSLĐ thì bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác AT-VSLĐ sinh hoạt trong Phòng Tổ chức Lao động hoặc Văn phòng để việc chỉ đạo của Bộ được thuận lợi.

Đối với các Công ty: bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác an toàn-vệ sinh lao động tại bộ phận Tổ chức lao động. Nếu chưa có điều kiện bố trí cán bộ chuyên trách thì giao cho bộ phận (hoặc Phòng) Tổ chức lao động làm chức năng theo dõi công tác y tế của đơn vị.

3/ Các doanh nghiệp phải lập hồ sơ vệ sinh lao động. Các kết quả kiểm tra đánh giá môi trường lao động và khám sức khoẻ định kỳ được bổ sung hàng năm vào Hồ sơ vệ sinh lao động.

4/ Người lao động (kể cả học nghề) trước khi vào làm việc phải được khám sức khoẻ. Đơn vị tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động ít nhất mỗi năm một lần. Đối với người lao động làm công việc nặng nhọc hoặc trong môi trường độc hại, trên cao, nơi cheo leo nguy hiểm, dưới sâu, trong đường hầm tuy nen ... phải được khám sức khoẻ, nếu có đủ sức khoẻ mới bố trí làm việc và cứ 6 tháng khám lại sức khoẻ một lần.

5/ Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp đều được đi giám định sức khoẻ nghề nghiệp tại Hội đồng giám định y khoa 6 tháng một lần; các đơn vị tổ chức đưa bệnh nhân hoặc điều dưỡng viên đi điều trị, điều dưỡng- phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế, điều dưỡng-phục hồi chức năng của Bộ (theo quy định của Bộ Xây dựng và các Trung tâm).

6/ Nơi làm việc của người lao động phải có đủ các phương tiện vệ sinh, phòng vệ sinh đảm bảo đủ nước sạch. Các công trình xây dựng trên cao, dù thời gian thi công mỗi tầng cao không dài nhưng các đơn vị phải bố trí nơi vệ sinh tại chỗ.

7/ Thực hiện chế độ báo cáo: Các đơn vị trực thuộc Bộ (Tổng công ty, Công ty, Viện, Trường ...) là đầu mối tổng hợp tình hình bệnh nghề nghiệp, khám và phân loại sức khoẻ, lập báo cáo gửi Trung tâm Y tế Xây dựng trước ngày 17/7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10/01 năm sau đối với báo cáo cả năm (biểu mẫu số 4a kèm theo Thông tư số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 20/4/1998 của Liên Bộ Y tế-Bộ Lao động TBXH) để Trung tâm Y tế Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.

Các văn bản báo cáo đề nghị khen th­ởng thi đua về công tác y tế và đề nghị phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Kỷ niệm chương Vì sức khoẻ nhân dân... các đơn vị gửi về Trung tâm Y tế tổng hợp và hoàn chỉnh các thủ tục trình Bộ Xây dựng và Bộ Y tế xét duyệt. Các báo cáo đề nghị khen thưởng đơn vị đạt thành tích thi đua hàng năm hoặc đề nghị khen thưởng các thành tích đột xuất, các đơn vị nộp báo cáo về Hội đồng thi đua khen thưởng của Bộ theo quy định hiện hành.

Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này nhằm bảo vệ, nâng cao sức khoẻ người lao động, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc triển khai Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

 


Nơi nhận:
- Các TCT, Công ty trực thuộc Bộ;
- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ;
- Các Sở thuộc ngành XD địa phương;
- CĐXDVN (để phối hợp chỉ đạo) ;
- Công báo;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu VP, Vụ TCCB.

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG




Nguyễn Hồng Quân