Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2012 về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa phát sinh và giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 01/03/2012 |
Ngày có hiệu lực | 01/03/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Cao Khoa |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 01 tháng 3 năm 2012 |
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA PHÁT SINH VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa phát sinh và đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, như: Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 31/7/2010 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án: Đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 09/9/2010 và các Công văn: số 12/UBND-NC ngày 05/01/2011, số 2935/UBND-NC ngày 19/10/2011 chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã đạt được kết quả nhất định, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục gia tăng, tồn đọng còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực đất đai (chiếm trên 70% vụ việc phát sinh); tỉ lệ giải quyết đạt thấp so với mục tiêu đề ra hàng năm và so với bình quân chung của cả nước; giải quyết vụ việc thường kéo dài quá thời hạn, không dứt điểm; tình trạng khiếu nại vượt cấp, tiếp khiếu vẫn còn số lượng lớn; một số người đứng đầu cơ quan hành chính trong tỉnh chưa trực tiếp tiếp công dân, đối thoại với dân trước khi ban hành quyết định giải quyết; nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật, chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc, để kéo dài nhiều năm.
Tình trạng xác định sai quan hệ pháp luật, thẩm quyền, thủ tục giải quyết còn diễn ra ở nhiều địa phương nên dẫn đến hướng dẫn công dân lòng vòng, gây bức xúc cho người dân; một số quyết định giải quyết của cấp huyện phải hủy bỏ vì giải quyết sai, không rõ quan hệ pháp luật hoặc thụ lý giải quyết vụ việc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế, chưa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước chưa tăng cường đúng mức; phẩm chất, năng lực của đội ngũ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kỷ cương, kỷ luật hành chính bị buông lỏng.
Để thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 (thay thế cho Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành), Đề án: Đổi mới tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo: số 32/TB-VPCP ngày 04/02/2012, số 43/TB-VPCP ngày 10/02/2012, đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 18/HĐND-VP ngày 07/02/2012 và nhằm đảm bảo mục tiêu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật 90% số vụ việc mới phát sinh và 85% số vụ việc dây dưa tồn đọng, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo:
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đang có nhiều khiếu nại, tố cáo và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khiếu nại, tố cáo đó là: Đất đai, môi trường và chính sách xã hội (bao gồm chính sách người có công, chính sách với người nghèo và các khoản hỗ trợ an sinh xã hội khác).
- Đối với lĩnh vực đất đai, cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ quản lý đất đai, đồng thời với việc nâng cao trách nhiệm quản lý, thực thi công vụ của công chức địa chính, Chủ tịch UBND cấp xã và Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, cấp tỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Trước mắt, phải khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục tổ chức thực hiện Công văn số 2808/UBND-NC ngày 24/9/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh "về việc thực hiện công tác phòng ngừa phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai", trong đó tập trung chỉ đạo cấp xã củng cố hồ sơ địa chính và quản lý chặt chẽ quỹ đất do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, bao gồm: Quỹ đất công ích, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng bằng việc pháp lý hóa, công khai hóa. UBND cấp huyện phải xác định thời hạn hoàn thành và kiểm tra, công nhận cho từng xã.
Nâng cao trách nhiệm, giám sát chặt chẽ việc xác nhận thông tin liên quan đến đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã đối với những trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ theo khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bên cạnh yêu cầu đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật, còn phải chấp hành nghiêm túc, chặt chẽ về trình tự, thủ tục hành chính và yêu cầu công khai theo đúng quy định; người bị thu hồi đất phải được biết chủ trương thu hồi đất; nhận được quyết định thu hồi đất, biên bản kiểm kê khối lượng đất đai, tài sản gắn liền với đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được tiến hành khi thực sự cần thiết, đã thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục, thuyết phục, động viên mà không có hiệu quả; đã rà soát, kiểm tra chặt chẽ về mặt pháp lý và đặc biệt là lãnh đạo UBND cấp huyện phải trực tiếp tiếp và đối thoại công khai với người bị thu hồi đất, cần cưỡng chế về những nội dung họ còn thắc mắc, khiếu nại.
- Đối với lĩnh vực môi trường, phải tiến hành thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư, các doanh nghiệp về các nội dung cam kết thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường đã được thẩm định, phê duyệt, công bố. Khi phát sinh ra sự cố về môi trường hoặc có phản ánh của người dân thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải có mặt kịp thời ở hiện trường xem xét, gặp gỡ người bị thiệt hại và chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; những trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh.
- Đối với lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, phải đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng; vai trò của chính quyền cấp xã và trưởng thôn rất quan trọng trong quá trình đảm bảo tính chính xác trong thực hiện chính sách xã hội, nhưng năng lực của cán bộ cấp xã phần lớn còn hạn chế, nên cấp huyện phải tăng cường chỉ đạo việc hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên; chỉ đạo tốt việc niêm yết thường xuyên danh sách các đối tượng đã, đang và sẽ được hưởng chính sách tại trụ sở UBND cấp xã, nhà sinh hoạt thôn, tổ dân phố để nhân dân giám sát trực tiếp; kịp thời xác minh, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Thực hành tốt yêu cầu công khai dân chủ theo đúng quy định của Pháp lệnh Thực hành dân chủ ở xã, tạo điều kiện cho Thanh tra nhân dân phát huy đầy đủ vai trò, thực hiện giám sát trong suốt quá trình thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; kiên quyết chống mọi biểu hiện dân chủ hình thức.
Tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công bố, niêm yết công khai và chấp hành thực hiện bộ thủ tục hành chính giải quyết công việc của công dân, doanh nghiệp ở cấp xã, cấp huyện.
Thông báo số điện thoại nóng để người dân phản ánh tình hình liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính.
Công khai các kết luận và quyết định xử lý đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, vụ việc vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn cho nhân dân biết.
c) Quán triệt sâu sắc những điểm mới của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho cán bộ, công chức và nhân dân; chuẩn bị đủ điều kiện để thực hiện nghiêm túc ngay từ ngày đầu có hiệu lực; tiếp tục tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật đất đai, nhất là những quy định được sửa đổi, bổ sung.
Thực hiện đa dạng về hình thức tuyên truyền và chất lượng tuyên truyền pháp luật, chú trọng tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và thông qua hoạt động giải quyết vụ việc cụ thể ở địa phương.
a) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 09/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; có kế hoạch cụ thể tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài thuộc trách nhiệm, thẩm quyền theo Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ.
Từng ngành và địa phương phải đề ra chỉ tiêu và biện pháp cụ thể về số lượng, chất lượng và tỉ lệ giải quyết vụ việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
b) Quán triệt kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp dân tại Thông báo số 32/TB-VPCP ngày 04/02/2012 của Văn phòng Chính phủ; tổ chức thực hiện
Đề án: Đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể hóa tại Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 31/7/2010 và các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện; Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã phải bố trí thời gian hợp lý để trực tiếp tiếp công dân.
Phải bố trí cán bộ tiếp công dân chuyên trách đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức để làm tốt công tác tiếp công dân theo đúng Đề án.