Chỉ thị 02/2020/CT-CA về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Tòa án nhân dân

Số hiệu 02/2020/CT-CA
Ngày ban hành 10/03/2020
Ngày có hiệu lực 10/03/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Thể thao - Y tế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2020/CT-CA

Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân (sau đây viết tắt là công chức). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án các Tòa án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt trong đơn vị.

2. Từ nay đến hết tháng 3 năm 2020, các Tòa án tập trung thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

2.1. Tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở Tòa án. Tòa án thông báo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua các phương thức khác như: Gửi đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

2.2 Tạm dừng việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và các tài liệu, chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tiếp mà thực hiện bằng các phương thức khác như: Qua dịch vụ bưu chính; qua phương tiện điện tử; qua các phương thức khác theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.3. Tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết; tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến Tòa án đối với các vụ án, vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Trong thời gian tạm dừng xét xử, các Thẩm phán tập trung nghiên cứu hồ sơ để sau khi hết dịch sẽ bố trí lịch xét xử liên tục.

Trường hợp vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện.

2.4. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ người đến làm việc, giao dịch tại Tòa án. Yêu cầu, hướng dẫn họ phải đeo khẩu trang phòng dịch; đo thân nhiệt tại cổng bảo vệ; rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Bố trí phòng tiếp khách riêng. Hàng ngày thực hiện khử khuẩn, vệ sinh phòng tiếp khách, phòng xét xử. Không tiếp khách tại phòng làm việc. Người có nhu cầu làm việc với lãnh đạo, Thẩm phán phải đăng ký trước với Văn phòng hoặc Thư ký lãnh đạo, Thẩm phán.

3. Hoãn, dừng việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo; hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, tăng cường tổ chức họp, giao ban, làm việc trực tuyến qua các phương tiện điện tử như: Điện thoại, email, zalo, viber,…

4. Tạm dừng tất cả các đoàn đi công tác, học tập nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng ý.

5. Quán triệt, yêu cầu công chức trong đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:

5.1. Yêu cầu công chức tự xác định nhóm tiếp xúc của bản thân (F1, F2, F3: theo hướng dẫn của Bộ Y tế) chủ động khai báo thông tin chi tiết (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, quá trình tiếp xúc với ai, thời gian, địa điểm…) với cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn và theo dõi cách ly; báo cáo với Thủ trưởng đơn vị để tổng hợp danh sách và gửi báo cáo về Tòa án nhân dân tối cao trước 17h00 ngày 12/3/2020.

Công chức thuộc nhóm nêu trên chủ động thực hiện các biện pháp tự cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như những người đã tiếp xúc gần, thông báo kịp thời cho Thủ trưởng đơn vị diễn biến mới về tình trạng sức khỏe.

Trong thời gian 14 ngày cách ly (kể từ ngày tiếp xúc) nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh như ho, sốt, đau ngực, khó thở, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi người… phải báo với y tế phường, xã nơi cư trú hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế, để được trợ giúp y tế, đồng thời báo cáo Thủ trưởng đơn vị.

5.2. Khuyến cáo công chức không đi thăm quan, du lịch, lễ hội; hạn chế đến những vùng đang có dịch hoặc có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch; hạn chế đến nơi tập trung đông người, đám hiếu, đám hỷ,…

5.3. Khi ra vào cơ quan phải đeo khẩu trang phòng dịch; đo thân nhiệt tại cổng bảo vệ; rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Khẩu trang y tế được phát miễn phí cho công chức sử dụng trong suốt thời gian làm việc tại cơ quan. Công chức tiếp xúc trực tiếp với đương sự, người có liên quan và hồ sơ, tài liệu, chứng cứ được trang bị găng tay phòng dịch.

5.4. Chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng, chống dịch bệnh; tự kiểm tra thân nhiệt bản thân và gia đình; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin; không lan truyền thông tin không rõ nguồn gốc hoặc chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng.

6. Tỉnh, thành phố có người, công chức dương tính với Covid-19 thì Thủ trưởng đơn vị phải liên tục cập nhật, thường xuyên báo cáo số lượng công chức, tình hình công chức của đơn vị thuộc nhóm dương tính với Covid-19, các nhóm liên quan (F1, F2, F3), nhóm thuộc diện phải cách ly, khai báo y tế về Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao trong vòng 24h kể từ khi nhận được thông tin.

7. Trường hợp đương sự, người có liên quan đến Tòa án làm việc, giao dịch hoặc công chức của đơn vị xuất hiện các triệu chứng bệnh như: Ho, sốt, đau ngực, khó thở, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi người… thì thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

8. Thực hiện khử trùng, vệ sinh toàn bộ khuôn viên, phòng làm việc trong cơ quan, đặc biệt là phòng xét xử, phòng tiếp dân, phòng họp. Tổ chức mua và trang bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, găng tay cho các đơn vị để thực hiện phòng, chống dịch.

9. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại đơn vị và báo cáo kịp thời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (qua Văn phòng - địa chỉ email: tmth.tatc@toaan.gov.vn) thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh của đơn vị.

Trên đây là Chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị ngay sau khi nhận được Chỉ thị này cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu. Tùy theo tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 Tòa án nhân dân tối cao sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Các Đ/c Phó Chánh án TANDTC (để chỉ đạo thực hiện)
- Các Đ/c Thẩm phán TANDTC;
- Chánh án các TAND, TAQS (để thực hiện);
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC (để thực hiện);
- Đài truyền hình Việt Nam;
- Truyền hình Quốc hội Việt Nam;
- Cổng thông tin điện tử TANDTC, Báo Công lý (để đăng tải);
- Lưu: VP TANDTC.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

[...]