Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 02/2006/CT-UBND về biện pháp tăng cường triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 02/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 16/01/2006
Ngày có hiệu lực 26/01/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Văn Đua
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2006/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 01 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003.

Ngay khi Luật Ðất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 26/2004/CT-UB, ngày 15 tháng 9 năm 2004 về tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 317/2004/QĐ-UB, ngày 24 tháng 12 năm 2004 về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003. Qua hơn một năm, thành phố, các quận - huyện và phường - xã - thị trấn đã tổ chức triển khai khá đầy đủ các nội dung của Luật Đất đai năm 2003, tuy nhiên bên cạnh đó còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục và đã phát sinh những vấn đề mới cần xử lý kịp thời. Để nâng cao hiệu quả và thực hiện nghiêm pháp luật đất đai năm 2003, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông - Công chính, Viện trưởng Viện Kinh tế, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo trách nhiệm được phân công chủ động tổ chức đánh giá việc thực hiện Luật đất đai, tập trung làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đưa ra những giải pháp, kế hoạch cụ thể, khả thi. Trong đó, cần tiếp tục tập trung, tăng cường những mặt công tác sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai năm 2003:

Giao Hội đồng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể, các Hội nghề nghiệp, và cơ quan ngôn luận, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Đất đai năm 2003 và các Nghị định liên quan. Tùy theo từng nhóm đối tượng sử dụng đất, tính chất địa bàn dân cư, có nội dung biên soạn, in ấn tài liệu phù hợp và có hình thức phù hợp trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận từng người sử dụng đất.

Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Trường Cán bộ thành phố, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hoàn thiện nội dung giáo trình, cập nhật kiến thức và thông tin, tổ chức mở các khóa bồi dưỡng Luật Đất đai năm 2003, Luật Xây dựng, Bộ Luật Dân sự cho cán bộ công chức ngành quản lý đô thị, và các cơ quan liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo cho mọi cán bộ công chức đều nắm vững và thi hành đúng pháp luật.

2. Công tác rà soát, ban hành văn bản:

2.1- Về rà soát, bãi bỏ những văn bản không còn hiệu lực:

Giao Sở Tư pháp chủ trì, khẩn trương tổng hợp việc rà soát văn bản pháp luật đất đai trong thời gian qua, hoàn chỉnh dự thảo quyết định, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong tháng 01 năm 2006.

2.2- Về dự thảo ban hành văn bản cụ thể hóa thi hành Luật đất đai thuộc thẩm quyền thành phố :

a. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

Lập danh mục dự án đầu tư tạo vốn hàng năm theo đúng quy định tại Ðiều 62 Nghị định số 181/2004/NÐ-CP, ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;

Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, quận, huyện nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố quy định cụ thể các bước thực hiện thủ tục theo quy định tại Ðiều 121 Nghị định số 181/2004/NÐ-CP, ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ, trong đó tập trung vào Quy trình thủ tục xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy trình thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thay thế Quyết định số 138/2004/QĐ-UB, ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố; quy trình thủ tục rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan, đơn vị Nhà nước đang sử dụng đất, trong tháng 01 năm 2006.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố quy định hạn mức giao đất có mặt nước chưa sử dụng theo quy định tại Ðiều 69 Nghị định số 181/2004/NÐ-CP, ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ, trong tháng 02 năm 2006.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quy định cụ thể về điều kiện phân chia thửa đất khi người sử dụng đất thực hiện các quyền, một mặt đảm bảo các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, nhưng phải đảm bảo về mặt quy hoạch, hạ tầng hoặc phát triển sản xuất, trong quý I năm 2006; nghiên cứu hướng dẫn xác định rõ (tiêu chí) khái niệm lấn, chiếm đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để đảm bảo việc xét cấp giấy chứng nhận, bồi thường khi thu hồi đất được đúng pháp luật.

b. Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ vào quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt và điều kiện cụ thể của từng khu vực, đề xuất tỉ lệ phần trăm (%) diện tích đất được xây dựng trên đất ở có vườn, ao theo đúng quy định tại Điều 80 Nghị định số 181/2004/NÐ-CP, ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ. Giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I năm 2006.

3. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân - Đây là nhiệm vụ quan trọng, khối lượng việc còn rất nhiều và thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện. Yêu cầu Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường – xã - thị trấn tập trung lực lượng, đủ cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu phân công phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Tổ hành chánh công (nếu có) trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo tại Điểm 3 của Chỉ thị số 26/2004/CT-UB, ngày 15 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố; phấn đấu đến 31 tháng 12 năm 2006 hoàn thành (100%) việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có giấy tờ hợp lệ và ký cấp được tối thiểu 75% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp không có giấy tờ hợp lệ (theo quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 50 của Luật Đất đai).

Yêu cầu khi thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải công khai quy trình, điều kiện, thủ tục, biểu mẫu và hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật đất đai.

Việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải áp dụng đúng quy định của pháp luật đất đai, chú ý các Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, Điều 45, 48, 92 và Điều 97 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP (không áp dụng những văn bản pháp luật cũ, không còn phù hợp).

4. Giao Cục Thuế thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tốt việc chiết tính và thu khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai của người sử dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp cá nhân, hộ gia đình chưa có khả năng thực hiện tiền sử dụng đất, trong khi chờ Trung ương quy định cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân quận, huyện vẫn xét ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lưu giữ giấy chứng nhận, tránh thất thoát.

5. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

5.1- Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố :

Giao Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị tư vấn (Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thành phố đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song song với công tác lập kế hoạch sử dụng đất thành phố 5 năm (giai đoạn 2006-2010). Các Sở, ngành cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường kế hoạch ngành 5 năm (giai đoạn 2006-2010); Ủy ban nhân dân quận, huyện cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2006-2010) kèm danh mục các khu đất, các dự án có sử dụng đất sẽ đầu tư phát triển trong 5 năm (giai đoạn 2006-2010); các Hiệp hội cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường nhu cầu đầu tư phát triển của ngành trong 5 năm (giai đoạn 2006-2010).

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành (đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Kinh tế, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Công chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Tài chính, Ban Quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp) phối hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm (giai đoạn 2006-2010). Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (giai đoạn 2006-2010) trước ngày 15 tháng 02 năm 2006, trình báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia trước ngày 15 tháng 3 năm 2006, trình Hội đồng nhân dân thành phố trước ngày 30 tháng 4 năm 2006.

5.2- Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quận-huyện, phường-xã- thị trấn :

Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện có biện pháp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, lập kế hoạch sử dụng đất quận-huyện, phường-xã-thị trấn giai đoạn 2006-2010 đồng thời với quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương giai đoạn 2006-2010. Nội dung của kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010 phải đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, khắc phục tình trạng kế hoạch chạy theo dự án đầu tư như giai đoạn vừa qua. Thời gian hoàn tất trình Hội đồng nhân dân quận, huyện trước ngày 15 tháng 5 năm 2006.

Quy hoạch sử dụng đất chi tiết phường, xã, thị trấn cần gắn với quy hoạch xây dựng đô thị.

[...]