Chỉ thị 02/2003/CT-BKHCN về công tác Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương năm 2003 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 02/2003/CT-BKHCN
Ngày ban hành 12/02/2003
Ngày có hiệu lực 04/04/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Bùi Mạnh Hải
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2003/CT-BKHCN
Về công tác Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương năm 2003

Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 2003

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 02/2003/CT-BKHCN NGÀY 12 THÁNG 02 NĂM 2003 VỀ CÔNG TÁC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TẠI  ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2003

Để đẩy mạnh hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương trong năm 2003, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh thành phố theo chức năng của mình, chỉ đạo và lập kế hoạch tập trung thực hiện các nội dung công tác sau đây:

1. Định hướng công tác năm 2003

1.1 Tiếp tục triển khai các Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; và các Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ về công tác quản lý chất lượng, quản lý đo lường.

1.2. Đưa hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng vào các doanh nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt Nam theo hướng hội nhập tích cực với kinh tế khu vực và thế giới.

1.3. Tăng cường năng lực, tiềm lực của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Về công tác phổ biến các văn bản pháp quy, quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn

2.1. Phổ biến các Pháp lệnh về Chất lượng hàng hoá, Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện các Pháp lệnh.

2.2. Tổ chức phổ biến áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tập trung vào các TCVN đã được hài hoà với Tiêu chuẩn Quốc tế, các TCVN thuộc các đối tượng chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn và chứng nhận về an toàn; các TCVN bắt buộc áp dụng theo yêu cầu quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn, bảo vệ môi trường. Thông báo các Tiêu chuẩn Quốc tế liên quan mới được ban hành.

2.3. Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp về công tác xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, bảo đảm đo lường, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng và xã hội .

3. Về công tác tiêu chuẩn và quản lý chất lượng

3.1. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hoá cơ sở theo phương thức thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá và công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn.

3.2. Thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố hàng hoá phù hợp TCVN theo Quyết định số 2425/2000/QĐ-BKHCNMT và Quyết định số 2424/2000/QĐ-BKHCNMT của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trong khi chờ ban hành Danh mục hàng hoá bắt buộc công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, các Chi cục tích cực vận động các cơ sở sản xuất tự nguyện công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với hàng hoá của mình.

3.3. Thống kê, tập hợp hệ thống phòng thử nghiệm ở địa phương, tổ chức khai thác để chuẩn bị cho việc chứng nhận chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.

3.4. Tích cực hướng dẫn các Doanh nghiệp áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam thúc đẩy phong trào các Doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào này, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ sớm bổ sung, sủa đổi các quy định về xét tuyển Giải thưởng Chất lượng và kịp thời phổ biến đến các địa phương.

3.5. Tiếp tục khuyến khích, phát triển công tác đưa hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000, TQM, HACCP...) vào áp dụng trong các Doanh nghiệp. Xây dựng chương trình hỗ trợ có hiệu quả Doanh nghiệp trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

3.6. Tổ chức có hiệu quả hoạt động kiểm tra hàng hoá nhập khẩu trên cơ sở áp dụng các phương thức kiểm tra phù hợp.

4. Về công tác đo lường

4.1. Tiếp tục thực hiện chương trình trang bị xe kiểm định lưu động và lắp đặt cân đối chứng tại các Trung tâm thương mại.

4.2. Đẩy mạnh hoạt động kiểm định phương tiện đo thuộc diện kiểm định; củng cố và tăng cường khả năng kiểm định, hiệu chuẩn đối với thiết bị đo kiểm nói chung và các đối tượng phục vụ cho công tác quản lý chất lượng hàng hoá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4.3. Mở rộng mạng lưới kiểm định của Chi cục, quản lý tốt hoạt động của các đơn vị được uỷ quyền kiểm định trên địa bàn.

4.4. Tăng cường giám sát đo lường đối với hàng đóng gói sẵn, kể cả trang bị các phương tiện đo lường cần thiết để thực hiện việc kiểm tra hàng đóng gói sẵn.

5. Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, nghiên cứu và triển khai các phương án thành lập các Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

6. Về công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

6.1. Tập huấn phương pháp kiểm tra hàng đóng gói sẵn và sai số đo lường trong thương mại bán lẻ cho các cán bộ của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cán bộ thanh tra chuyên ngành về đo lường, cán bộ quản lý thị trường, quản lý chợ.., thống nhất thực hiện việc kiểm tra hàng đóng gói sẵn ngay tại doanh nghiệp sản xuất đóng gói cũng như việc kiểm tra tại thị trường.

Tăng cường kiểm tra hàng đóng gói sẵn, cân đong trong thương mại bán lẻ, phát động phong trào đảm bảo hàng đóng gói sẵn và cân đong trong thương mại bán lẻ đúng đinh lượng.

[...]